Thêm cảnh báo sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu
Hệ lụy từ biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được khoa học cảnh báo nhưng mới đây còn phát hiện, hơn nửa triệu ca tử vong do đột quỵ toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là bệnh lý phức tạp và chứa đựng nhiều bí ẩn và đang trẻ hóa trên quy mô toàn cầu.
Biến đổi khí hậu gia tăng bệnh đột quỵ
Hồi đầu năm 2024, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và công ty tư vấn quản lý của Mỹ Oliver Wyman công bố báo cáo mới Quantifying the Impact of Climate Change on Human Health (Báo cáo Định lượng tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người).
Theo báo cáo, BĐKH có nguy cơ gây ra thêm 14,5 triệu ca tử vong và gây thiệt hại kinh tế 12.500 tỷ USD trên toàn toàn cầu vào giữa thế kỷ này. Báo cáo cũng phân tích sâu về hậu quả của BĐKH như lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt, bão nhiệt đới, cháy rừng và mực nước biển dâng cao.
Đầu tháng 4/2024, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neurology (American Academy of Neurology), ấn phẩm y khoa của Học viện Thần kinh học Hoa Kỳ, cho biết, khí hậu thay đổi có thể liên quan đến tỷ lệ tử vong và tàn tật ngày càng tăng ở các khu vực trên thế giới.
Phần lớn các cơn đột quỵ diễn ra là do nhiệt độ thấp hơn mức tối ưu, nhưng giờ đây khoa học còn phát hiện thấy sự gia tăng số cơn đột quỵ liên quan đến nhiệt độ cao hơn mức tối ưu. Khi nhiệt độ thấp hơn, mạch máu thường co lại, làm tăng huyết áp. Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Nhiệt độ cao hơn lại gây mất nước, ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol trong máu và dẫn đến lưu lượng máu lưu thông chậm hơn, những yếu tố này có thể dẫn đến đột quỵ.
Theo TS Quang Chen, trưởng nhóm nghiên cứu ở Bệnh viện Đại học Xiangya (Trung Quốc), sự thay đổi nhiệt độ đáng kể trong những năm gần đây đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây ra mối lo ngại rộng rãi. Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ thay đổi này có thể làm tăng gánh nặng đột quỵ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nhóm dân số lớn tuổi và những khu vực có nhiều sự chênh lệch về chăm sóc sức khỏe.
Trong nghiên cứu này, nhóm đề tài đã xem xét hồ sơ sức khỏe trong 30 năm của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và kiểm tra số ca tử vong do đột quỵ và gánh nặng khuyết tật liên quan đến đột quỵ do nhiệt độ tăng cao hoặc giảm xuống dưới mức tối ưu.
Năm mối liên hệ chính giữa BĐKH và sức khỏe
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc, hoạt động của con người đã làm hành tinh nóng lên 1,1°C, gây ra những thay đổi chưa từng có, trong đó có hệ lụy chính con người phải hứng chịu.
Sự lây lan rộng hơn của các bệnh do côn trùng truyền
Nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi tạo điều kiện cho sự lây lan các mầm bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, virus Tây sông Nile và bệnh Lyme khi muỗi và các côn trùng mang mầm bệnh khác có thể mở rộng môi trường sống của chúng. Ví dụ, việc thay đổi nhiệt độ và lượng mưa trên khắp châu Phi có thể làm tăng số ca tử vong do sốt vàng da lên tới 25% vào năm 2050.
Dữ liệu cho thấy muỗi mang mầm bệnh sốt rét đã có thể di chuyển đến các vùng ôn đới hơn và đi ngày càng xa vùng xích đạo. Vắc-xin sốt rét hiện đang được triển khai ở những khu vực có nguy cơ cao và mặc dù vắc-xin sốt xuất huyết đã có sẵn nhưng vắc-xin này vẫn chưa thể tiếp cận được trên toàn thế giới.
Khan hiếm nước và lương thực có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và bệnh tật nặng hơn
Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến sự sẵn có và chất lượng của nguồn nước và thực phẩm. Hậu quả có thể dẫn đến tình trạng mất nước và lây lan các bệnh lây truyền qua đường nước khi nước sạch ngày càng trở nên khan hiếm - khoảng một nửa dân số toàn cầu hiện đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước trầm trọng ít nhất một tháng mỗi năm.
Sự nóng lên toàn cầu cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và tăng giá, dẫn đến suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến mọi người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, điều quan trọng hơn là phải đảm bảo tiêm chủng định kỳ chống lại các bệnh quan trọng ở trẻ em và có thể ứng phó với sự bùng phát của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin như dịch tả.
Chất lượng không khí suy giảm, kéo theo nhiều sinh mạng
Nhiệt độ ấm hơn có thể dẫn đến sự hình thành ozon trên mặt đất tăng lên và tình trạng ô nhiễm hạt vật chất trở nên trầm trọng hơn. Và đây không chỉ là một số nơi trên thế giới có thể bị coi là ô nhiễm. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) năm 2019, 99% dân số thế giới đang sống ở những nơi chất lượng không khí kém hơn so với năm 2021.
Chất lượng không khí kém ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe con người. Các chất ô nhiễm trong không khí có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và làm trầm trọng thêm các tình trạng hiện có như hen suyễn, Covid-19…
Chất lượng không khí kém cũng liên quan đến bệnh đái tháo đường, bệnh tim và ung thư. Dữ liệu của UNEP chỉ ra rằng ô nhiễm không khí đã góp phần gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Năm 2019, khoảng bốn triệu người chết vì tiếp xúc với ô nhiễm dạng hạt mịn ngoài trời, hầu hết các trường hợp tử vong ở Đông Á và Trung Âu.
Di cư khiến con người gặp nguy hiểm
Biến đổi khí hậu đang dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn như sóng nhiệt dữ dội, cháy rừng và lũ lụt. Những điều này không chỉ có thể gây ra các trường hợp khẩn cấp về nhân đạo và thiệt hại về nhân mạng mà còn có thể dẫn đến tình trạng mất nhà cửa và di cư, đặc biệt là ở các khu vực ven biển vùng trũng và các khu vực dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Sự di dân có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn do tình trạng quá đông đúc và vệ sinh kém. Nhiều người dân di cư có ít hoặc không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các biện pháp can thiệp y tế như tiêm chủng định kỳ hoặc các chương trình sức khỏe bà mẹ, điều đó có nghĩa là họ bỏ lỡ cơ hội chăm sóc sức khỏe thiết yếu, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Biến đổi khí hậu gia tăng bệnh tâm thần
Sự nóng lên toàn cầu đang gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của chúng ta theo nhiều cách. Từ di cư do thời tiết cực đoan có thể làm gia tăng căng thẳng và gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần do tìm kiếm cái ăn, cái mặc, việc làm cho đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Nhiệt độ cao, và đặc biệt là các đợt nắng nóng, có một số tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần như làm tăng trầm cảm và lo lắng, đồng thời có mối liên hệ đã được chứng minh rằng nhiệt độ càng tăng cao, tìm cách tự tử càng nhiều hơn. Dữ liệu chỉ ra rằng cứ nhiệt độ trung bình hàng tháng tăng 1°C, số ca tử vong liên quan đến sức khỏe tâm thần sẽ tăng 2,2%.
Theo IPCC, ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của chúng ta. Tình trạng trầm cảm và lo lắng tăng lên khi chất lượng không khí giảm sút. Tiếp xúc ngắn hạn với các chất ô nhiễm (PM2,5 và NO2) sẽ tăng số người nhập viện cấp tính vì rối loạn tâm thần, nhất là nhóm đã có sẵn nền bệnh, như chứng rối loạn tâm thần hoặc tâm trạng.