Thắt chặt đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ: Nâng cao chất lượng đội ngũ
Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để mở ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mới, các cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng thêm nhiều điều kiện như số giảng viên công bố 20 - 50 bài báo trở lên, có kinh nghiệm giảng dạy ít nhất hai năm,...
Nhiều chuyên gia đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung liên quan đến người giảng dạy sau đại học trong Thông tư mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Vì chất lượng đào tạo lệ thuộc vào chất lượng người dạy nên hướng tăng yêu cầu đối với người dạy sau đại học là cần thiết.
Tổng giảng viên dạy tiến sĩ phải công bố ít nhất 50 bài báo khoa học
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 12/2024 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2022 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục đình chỉ và mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 5/1/2025.
Thông tư mới này bổ sung những quy định về giảng viên được cho là "siết chặt" hơn so với Thông tư 02.
Cụ thể, quy định chung về giảng viên các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được bổ sung nội dung "Giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và giảng viên chủ trì giảng dạy chương trình đào tạo phải là giảng viên cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; hằng năm trực tiếp giảng dạy trọn vẹn một số học phần bắt buộc hoặc hướng dẫn chính luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ trong chương trình đào tạo".
Đối với điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, bên cạnh yêu cầu có ít nhất 1 hoặc 2 phó giáo sư và 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, thì thông tư này bổ sung 2 nội dung về điều kiện giảng viên. Cụ thể, Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung quy định cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ phải có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo, đáp ứng 1 trong các điều kiện sau:
- Một là ngành đào tạo trình độ tiến sĩ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ thạc sĩ.
- Hai là trong 5 năm gần nhất, số giảng viên theo quy định đã tham gia hướng dẫn 5 luận án tiến sĩ thuộc ngành đào tạo được bảo vệ thành công (tại một cơ sở đào tạo khác). Đồng thời, đã công bố ít nhất 50 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư Nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.
Tương tự, về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, Thông tư 12 bổ sung quy định cơ sở đào tạo phải có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo và đáp ứng 1 trong các điều kiện.
Điều kiện thứ nhất nêu rõ ngành đào tạo trình độ thạc sĩ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ đại học. Điều kiện thứ hai, trong 5 năm gần nhất, số giảng viên theo quy định đã có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trên 50% số học phần trong chương trình đào tạo. Đồng thời đã công bố ít nhất 20 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được hội đồng giáo sư Nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.
Bên cạnh việc đặt thêm yêu cầu về chất lượng, thông tư mới cũng làm rõ hơn khái niệm "ngành phù hợp". Theo đó, một ngành được đánh giá phù hợp với ngành khác khi cùng tên hoặc đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo do Bộ ban hành. Trong trường hợp nếu chưa có chuẩn đào tạo thì Hội đồng khoa học và đào tạo của trường đại học sẽ xác định sự phù hợp dựa trên nền tảng chuyên môn, căn cứ khoa học và thực tiễn.
Làm rõ vấn đề về bài báo đăng trên các tạp chí tính điểm
Theo GS.TS Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, thêm điều kiện đối với giảng viên, thêm áp lực. Do đó, về mặt lý thuyết, yêu cầu về số lượng bài báo được công bố như trên sẽ gây áp lực cho cơ sở đào tạo cũng như giảng viên tham gia đào tạo sau đại học. Tuy nhiên, áp lực này không quá lớn nếu giảng viên hay cơ sở đào tạo chỉ làm theo quy định mang tính đối phó.
GS. Đại cho rằng, yêu cầu 20 bài báo đối với giảng viên dạy thạc sĩ không phải là yêu cầu cho 1 giảng viên trong 1 năm mà cho 5 năm gần nhất và đối với số giảng viên quy định, tức đối với “ít nhất 5 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu” nên trung bình mỗi năm một giảng viên cơ hữu chỉ cần công bố khoảng 1 bài trên tạp chí.
Đối với đào tạo tiến sĩ, yêu cầu 50 bài là cho 5 năm gần nhất và đối với ít nhất 1 giáo sư hoặc 2 phó giáo sư và 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, nên trung bình mỗi năm một giảng viên cơ hữu chỉ cần công bố khoảng 2 bài trên tạp chí.
Theo GS Đại, bài được tính là “báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư Nhà nước tính điểm”. Thực tế, tạp chí được tính điểm lại rất đa dạng, có nhiều tạp chí chỉ được tính từ 0 đến 0,25 điểm một số khác được tính từ 0 đến 1 hay 1,5 điểm, rất khó được công bố. Khả năng đăng bài lệ thuộc vào mức điểm của tạp chí, để đối phó, giảng viên có thể sẽ lựa chọn tạp chí với mức điểm thấp để đạt yêu cầu.
Còn theo PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, với con số tổng tối thiểu 50 và 20 bài báo, báo cáo khoa học trong 5 năm gần nhất gây áp lực cho giảng viên. Song, đây là tổng số được quy định cho tập thể các giảng viên tham gia mở ngành (chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo) tiến sĩ và thạc sĩ, nên có áp lực nhưng được giảm phần nào cho mỗi giảng viên.
“Bài báo, báo cáo khoa học là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, để có được số lượng bài báo trong 5 năm theo quy định, đòi hỏi giảng viên phải rất nỗ lực tham gia nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình”, PGS.TS Bùi Văn Hồng chia sẻ.
Động lực thúc đẩy giảng viên nghiên cứu
Ở góc độ giảng dạy, GS Đại cho rằng để có thể công bố bài báo trên tạp chí, giảng viên buộc phải nghiên cứu. Thông tư mới là động lực thúc đẩy giảng viên nghiên cứu, cải thiện kiến thức để từ đó cải thiện chất lượng đào tạo.
Ông Đại nhìn nhận những giảng viên có thói quen nghiên cứu sau khi có bằng tiến sĩ sẽ không có khó khăn trong việc đạt tiêu chuẩn mới. Tuy nhiên, những giảng viên có thói quen không nghiên cứu, chỉ tập trung vào giảng dạy sau khi có bằng tiến sĩ sẽ gặp khó khăn, cần đầu tư vào việc nghiên cứu.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Bùi Văn Hồng, giảng viên khi tham gia vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải đầu tư thời gian, cả tài chính cho hoạt động công bố nghiên cứu.
Ông Hồng cũng lưu ý thêm, một số cơ sở giáo dục đại học sẽ gặp khó khăn trong mở ngành đào tạo Sau đại học khi có đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư mỏng. Vì vậy, để mở ngành đào tạo sau đại học, các trường cần có kế hoạch phát triển đội ngũ tương ứng với chương trình đào tạo, đồng thời thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu.
Thường xuyên công khai kết quả nghiên cứu của giảng viên
Đối với cơ sở giáo dục và giảng viên muốn tham gia giảng dạy sau đại học, cần đầu tư vào hoạt động nghiên cứu để đáp ứng các yêu cầu của thông tư. Ở đây, thông tư không chỉ đưa ra yêu cầu trên cho việc "mở ngành" từ ngày 5/1/2025 mà cả cho những ngành đã mở trước ngày 5/1/2025 nhưng tuyển sinh từ ngày 1/6/2026.
Việc đòi hỏi có bài báo công bố trên tạp chí là điểm tích cực trong việc cải thiện chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, các tạp chí có chất lượng rất khác nhau và trong tương lai nên đòi hỏi cao hơn như chỉ chấp nhận những bài báo trên tạp chí được tính từ 0,5 điểm trở lên. Bên cạnh đó, đối với người chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, nên có đòi hỏi cao hơn giảng viên thông thường trong việc công bố, nhất là trong công bố quốc tế.
Hiện nay, cơ sở giáo dục vẫn có thói quen áp đặt giảng viên cho người học, người học ít có sự lựa chọn đối với người tham gia giảng dạy. Để tăng chất lượng đào tạo cũng như thúc đẩy giảng viên đầu tư trong việc nghiên cứu, các cơ sở đào tạo cần công khai thường xuyên kết quả nghiên cứu của giảng viên và cho phép người học lựa chọn giảng viên căn cứ vào uy tín, chất lượng giảng dạy của họ.
GS.TS Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM