Thảo dược trị ngứa

Đông y sĩ Mộc Nguyên (Hội Đông y Q. Phú Nhuận)| 10/03/2023 10:46

Mề đay, mẩn ngứa, dị ứng… tuy không phải là bệnh lý nghiệm trọng, song lại làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người bệnh.

Bệnh lý ngoài da với tình trạng dị ứng, nổi mẩn, ngứa ngáy, ban đỏ, mề đay, da khô, mụn mủ… thường phát sinh khi thời tiết thay đổi, trên cơ địa những người vốn dễ bị dị ứng, đề kháng kém; những người có bệnh lâu ngày, tiêu hóa kém, máu huyết kém; gan thận suy yếu… Bệnh có xu hướng phát nhanh, di chuyển khắp nơi, thậm chí lan ra toàn thân, khiến người bệnh bứt rứt, khó chịu. Nếu không xử lý triệt để, bệnh còn để lại những vết, mảng sẹo, thâm trên bề mặt da… gây mất thẩm mỹ.

Tận dụng các loại thuốc nam trồng quanh nhà, quanh khu vực sinh sống… có tính trừ phong, thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm sẽ giúp làm dịu cơn ngứa ngáy, bớt nổi mẩn, mề đay, hạn chế việc uống thuốc tây quá nhiều, không tốt cho cơ thể.

Trong uống…

Khi cơ thể bị nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng, có thể dùng một trong các cách sau:

Giã nát một nắm lá húng chanh (tần dày lá), vắt lấy nước uống, phần bã thì đắp hoặc thoa lên vùng da bệnh.

Tùy theo mùa, theo vùng địa lý, có loại thảo dược nào thì tận dụng loại đó để nấu nước uống trong ngày, cụ thể: Lá đinh lăng khô 50g (hoặc tươi 100g), hoặc rễ cỏ tranh tươi 100 - 200g, hoặc đậu đỏ và ý dĩ mỗi loại 40g. Riêng rau má tươi không nấu, dùng 50g, giã giập, hãm với 200ml nước sôi để uống (như hãm chè tươi).

Tần dày lá

Bị viêm da cơ địa sinh ngứa ngáy, khó chịu có thể tùy chọn dùng đinh lăng, lá lốt, lá khế, lá đơn đỏ, sài đất, bèo cái, sắc uống thay nước trà mỗi ngày. Lá đinh lăng dùng được cả dạng tươi và khô. Dạng khô lượng khoảng    40 - 50g/ngày, nấu cùng 2 lít nước; nếu dùng lá tươi thì nấu với 1 lít nước, có thể uống thay nước hằng ngày. Các loại lá khác nên dùng dạng tươi, lượng khoảng 20 - 30g/ngày/người. 

Nếu bị mẩn ngứa, ghẻ lở do phong nhiệt, dùng cỏ mần trầu tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, uống 2-3 lần/ngày.

Những người dễ bị nổi rôm sẩy, mẩn ngứa nên ăn rau má thường xuyên bằng cách trộn rau má với dầu giấm; hoặc giã nát/xay nhuyễn, vắt lấy nước uống hằng ngày.

Ngoài thoa

Khi các vùng da trên cơ thể bị nổi mẩn, ngứa, để nhanh bớt khó chịu, tạm thời có thể dùng một trong các cách sau: Lấy đá lạnh gói trong tấm vải mỏng và chườm lên vùng da bị ngứa khoảng 10 phút; hoặc thoa gel nha đam hay phần thịt trắng của nha đam tươi lên vùng da bị ngứa, giúp làm mát da và giảm viêm; có thể thực hiện nhiều lần.

Nha đam

Cách khác giúp giảm ngứa, nổi mẩn hiệu quả là tắm hằng ngày với nước muối loãng, ấm hoặc thoa, tắm, xông ngoài da với các loại thảo dược sau:

Khi bị nổi mề đay, dùng lá khế tươi, hoặc cây chó đẻ răng cưa tươi, hoặc cỏ sữa lá nhỏ tươi rửa sạch với nước muối loãng, giã nát, vắt và lọc lấy nước cốt thoa lên da. Thuốc giúp giải độc, khiến vết mề đay bớt ngứa, đem lại cảm giác dễ chịu.

Cách khác là giã nhỏ hoặc xay nhuyễn lá lốt, đắp lên vùng da bị ngứa trong khoảng 30 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Hoặc nấu kỹ cỏ sữa lá nhỏ/lá vông/lá đơn đỏ, lọc lấy nước, khi thuốc còn ấm dùng ngâm rửa vùng da ngứa.

Nếu bị ngứa do viêm da cơ địa nên tắm, xông bằng lá khế hoặc lá lốt. Cụ thể, đun sôi kỹ lá khế/lá lốt với nước; dùng nước sắc này (khi còn ấm) để ngâm rửa vùng da bị tổn thương, tắm toàn thân. Khi xông hơi thì nên phối hợp thêm vài cây sả và củ gừng đập dập, nấu sôi, xông khoảng 15-20 phút. Dùng bèo cái còn tươi, cắt bỏ rễ, rửa sạch, ngâm nước muối 20 phút; sau đó giã nát, đắp lên vùng da cần điều trị.

Lá lốt

Nếu bị ngứa vùng sinh dục, dùng một nắm hạt mã đề hoặc hạt xà xàng tử nấu lấy nước để ngâm và rửa đến khi hết ngứa.

Lưu ý: Tất cả các loại lá trước khi sử dụng để thoa, tắm, xông đều phải ngâm với nước muối loãng và rửa thật sạch. Lượng dùng lá tươi khoảng từ 50-100g, tùy theo cân nặng của từng người và theo diện tích vùng ngứa.

Phòng ngừa dị ứng

Những người vốn có cơ địa dị ứng cần ngăn ngừa tối đa các nguyên nhân gây ngứa. Cụ thể, cần khử trùng, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; hạn chế tiếp xúc phấn hoa, lông chó mèo... kiêng thực phẩm dễ gây dị ứng như các món chế biến từ hải sản, chất kích thích, đồ ăn nhanh.

Nên tắm rửa, vệ sinh cơ thể bằng nguồn nước sạch. Khi ra ngoài đường, luôn đeo kính mát chắn bụi, gió và đeo khẩu trang. Không nên mặc các loại quần áo quá chật nhằm tránh tình trạng cọ xát, dễ gây kích thích tại chỗ.

Da khô, mất nước dễ bị mẩn ngứa, vì vậy cần bổ sung ẩm cho da liên tục.

Với những người máu huyết, miễn dịch cơ thể kém có thể uống nước lá đinh lăng tươi để dự phòng, tăng sức đề kháng. Mỗi ngày dùng khoảng 150 - 200g lá đinh lăng tươi, nấu sôi khoảng 5-7 phút với 200ml nước, gạn lấy nước để uống; tiếp tục đổ thêm khoảng 200ml nước vào nấu sôi để uống nước tiếp theo. Uống mỗi ngày và liên tục trong 7-10 ngày/đợt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảo dược trị ngứa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO