Thận trọng khi thuê hosting

KHÁNH KHÔI| 08/10/2010 10:40

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sở hữu website hoặc sử dụng địa chỉ email-hosting đều phải thuê hosting (đường truyền và lưu trữ) của các đơn vị cho thuê (bán) hosting. Bên cạnh những công ty làm ăn bài bản thì có không ít công ty “bán vậy nhưng không phải vậy”. Họ bán hosting bằng những thủ thuật, những “chiêu” mà người gánh thiệt thòi là khách hàng, doanh nghiệp.

Từ chuyện “xài ké” hosting

Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty G phát hiện trong Cpanel (cổng để vào kiểm tra hosting của website), thấy trong hosting của website có chứa 2 tập tin lạ dưới dạng file word. Bằng nghiệp vụ, phòng kỹ thuật copy 2 tập tin này rồi giải mã ra, thấy nội dung là bài luận văn tốt nghiệp và danh sách sinh viên của một trường đại học! Thật lạ, một website chuyên về thực phẩm mà làm sao có nội dung chuyện học hành trong này? Theo phân tích của trưởng phòng kỹ thuật (là “dân” kỹ sư vi tính Trường đại học bách khoa TP.HCM) thì về mặt bảo mật, chỉ có 2 nơi biết password của Cpanel đó là admin (người quản trị website của doanh nghiệp) và nhà cung cấp hosting (trường hợp admin quên password thì gửi email yêu cầu, nhà cung cấp hosting sẽ cấp lại password khác).

Để đảm bảo vấn đề bảo mật, đích thân giám đốc Công ty G và trưởng phòng kỹ thuật lên tận nơi nhà cung cấp hosting để trình bày sự việc. Phụ trách phòng kỹ thuật của nhà cung cấp hosting này cho rằng, trong hosting có thông tin lạ là có thể do người nắm giữ password bên Công ty G làm lộ nên mới có người thứ ba đưa thông tin lên trên hosting, còn phía họ chuyện lộ password là không có (?). Giám đốc Công ty G cho rằng: “Thật ra, lên đến nhà cung cấp hosting là để “dằn mặt” và cho họ thấy rằng, người thuê hosting vẫn biết được có những bất thường xảy ra trên hosting và với hy vọng rằng nhà cung cấp hosting không dám nữa, vì chuyện này liên quan đến tính bí mật trong chuyện kinh doanh của công ty. Chúng tôi dư sức biết thông tin lạ có trên hosting là do có thể bản thân nhà cung cấp hosting không làm chuyện ấy, nhưng những nhân viên của họ thấy hosting còn trống, nên “mượn”, “xài ké” xem như một chỗ lưu trữ di động mà đi bất cứ nơi đâu họ có thể mở ra sử dụng (vì họ đã có password). Còn chuyện do bên chúng tôi bị lộ là không thể xảy ra, vì anh trưởng phòng kỹ thuật là em ruột của tôi, đồng thời cũng là phó giám đốc của Công ty G thì làm gì có chuyện đưa thông tin lạ lên trên chính tài sản của mình”.

Chưa hết, cũng theo trưởng phòng kỹ thuật của Công ty G, có một số nhà cung cấp dịch vụ hosting bị chính những nhân viên phòng kỹ thuật “mượn” hosting đã bán cho khách để xài. Nhiều nhân viên ở công ty cho thuê hosting làm riêng bên ngoài như thiết kế website chẳng hạn. Khi họ thấy hosting của khách hàng còn trống (tức disk space - không gian lưu trữ còn trống và khi bán, họ “dụ” khách hàng mua gói lớn để thu được nhiều tiền) thì “share” – chia bớt rồi “add” (thêm vào) hàng chục domain (tên miền) khác để chạy website của họ hoặc sử dụng làm hộp thư lưu trữ cá nhân. Hầu hết các doanh nghiệp thuê hosting để chạy website hoặc chạy email giao dịch không biết “chiêu” này, chỉ dân trong nghề mới nắm rõ. Điều quan trọng nhất, nếu những người bất hảo biết được password hosting của doanh nghiệp thuê, đồng nghĩa với việc họ biết hộp thư riêng của doanh nghiệp, thì mọi bí mật kinh doanh sẽ dễ bị lộ.

Đến những thủ thuật…

Một “chiêu” nữa mà khi thuê hosting doanh nghiệp cần chú ý, đó là cùng một gói hosting bằng nhau về dung lượng, băng thông, nhưng có nhà cung cấp chào với giá “rẻ bèo”. Cụ thể, nhà cung cấp hosting Mắt Bão bán gói hosting Silver Plus gồm: dung lượng lưu trữ (space) 1.000 MB, băng thông (bandwidth) 20 GB giá 108.000 đ/tháng. Cũng gói hosting tương tự nhưng có nơi bán với giá chỉ 30.000 đ/tháng (chưa tới 1/3 của Mắt Bão). Vì sao có chuyện này? Theo anh Võ Tuấn Lanh, chuyên viên của Công ty Mắt Bão, thì giá rẻ như vậy là nhà cung cấp thuê lại đường truyền của nước ngoài (tức server - máy chủ đặt ở nước ngoài) rồi về chia nhỏ ra bán lại cho khách hàng trong nước. Theo nhà cung cấp hosting iMS, nếu thuê hosting đặt ở nuớc ngoài thì giá rẻ hơn nhưng tốc độ chậm hơn do phải đi qua nhiều trạm trung gian. Còn hosting do các công ty Việt Nam có máy chủ đặt ở Việt Nam thì tốc độ nhanh hơn, mặc dù giá tiền thuê hàng tháng cao hơn. Khi công ty có nhu cầu thuê hosting, cần phải xác định đối tượng khách hàng vào website của mình là khách trong nước hay quốc tế. Nếu người xem chủ yếu trong nước thì nên thuê hosting có server đặt trong nước để người truy cập website vào nhanh hơn.

Bên cạnh đó, hiện nay, có nhiều quảng cáo hấp dẫn “Share hosting unlimited” (cho thuê hosting không giới hạn), không giới hạn tên miền, không giới hạn băng thông, không giới hạn dung lượng lưu trữ với giá rất thấp. Tuy nhiên, “unlimited” không hẳn là không có giới hạn, mà khách hàng sẽ không thể dùng hết giới hạn đó. Dĩ nhiên khách hàng mà nhà cung cấp hosting nhắm tới không phải là những người làm website “khủng” (tức website được sử dụng nhiều), mà là những khách hàng thuê hosting nhưng rất ít sử dụng. Một thành viên trên diễn đàn vnwebmaster.com phân tích: Unlimited chỉ là một cách nói mang đầy tính PR (bởi vì các nhà cung cấp hosting biết rằng chả ai đi “add” 100 cái domain vào một cái hosting hay dùng hết 1.000 GB dung lượng cả). Mỹ từ này chỉ giải quyết duy nhất một vấn đề: tâm lý người dùng. Thực tế là có rất nhiều người thuê hosting nhưng dùng không hết công suất nên hosting trống nhiều, vì thuê hosting là dùng chung cùng một máy chủ, nên nhà cung cấp thấy có thể “bù qua sớt lại” (tức lúc người này đang dùng thì người khác không dùng nên server “trống chỗ”), vì vậy mà nhà cung cấp hosting mới “mạnh miệng” quảng cáo thế.

Chưa hết, nhiều công ty thiết kế website để “dụ” khách hàng, thường khuyến mãi cộng kèm theo là tặng hosting miễn phí. Rất nhiều công ty thiết kế website không phải là nhà cung cấp hosting, họ chỉ chuyên thiết kế website, nên khi tặng hosting cho khách hàng, họ cũng phải mua lại của nhà cung cấp hosting khác. Dĩ nhiên là họ chọn gói thấp nhất, chỉ đủ chứa được website và một số thông tin cộng hình ảnh công ty của khách hàng (thường gói 100 MB) để tặng. Nên khi doanh nghiệp vận hành website, khách hàng giao dịch gửi email và doanh nghiệp gửi email cho khách hàng, chỉ sau một thời gian rất ngắn, hộp thư của website sẽ báo: “Internal Server Error User is over quota” (Hộp thư bị lỗi vì người sử dụng dùng quá hạn mức cho phép). Cuối cùng, doanh nghiệp phải nâng cấp gói hosting cao hơn và lúc này doanh nghiệp thiết kế website sẽ thu tiền!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng khi thuê hosting
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO