CMC tiên phong đột phá công nghệ, thúc đẩy kinh tế tư nhân và chuyển đổi số quốc gia
Ngày 18/5/2025, tại Triển lãm Kinh tế tư nhân toàn quốc tổ chức tại Tòa nhà Quốc hội – sự kiện quan trọng bên lề Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì – Tập đoàn Công nghệ CMC đã tham gia với tư cách là một trong 22 doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu toàn quốc.
Đây là dịp để cộng đồng doanh nghiệp khối tư nhân cùng “phô diễn lực lượng”, thể hiện vai trò ngày càng lớn mạnh của kinh tế tư nhân trong công cuộc phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi AI.
CMC đến với Triển lãm với niềm tự hào lớn lao – không chỉ là một thương hiệu công nghệ được tín nhiệm, mà còn là doanh nghiệp tư nhân tiên phong kiến tạo hệ sinh thái công nghệ mở Make in Vietnam, mang theo khát vọng đóng góp cho quốc gia bằng tri thức và năng lực công nghệ của người Việt.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ: “Việt Nam đang đứng trước một vận hội lớn trong chuyển đổi số và chuyển đổi AI. Là doanh nghiệp công nghệ thuần Việt, CMC xác định rõ sứ mệnh của mình không chỉ là phát triển kinh doanh, mà quan trọng hơn là đóng góp thực chất vào năng lực tự chủ công nghệ quốc gia, đồng hành cùng Chính phủ trong hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 68 – để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.”
Khẳng định năng lực công nghệ Việt với hệ sinh thái C.OpenAI
Tại triển lãm, CMC giới thiệu hệ sinh thái C.OpenAI – nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo mở được nghiên cứu và phát triển với hơn 25 công nghệ lõi. Đây là kết quả từ quá trình đầu tư bài bản cho R&D, với mục tiêu tạo ra các sản phẩm, giải pháp AI có khả năng ứng dụng rộng rãi trong quản lý, vận hành và phát triển kinh tế – xã hội.
Các công nghệ nổi bật của CMC bao gồm: Computer Vision, LLM, Voice Processing, Datalakehouse... Trong đó, C.Face – công nghệ nhận diện khuôn mặt của CMC đã được Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) xếp hạng Top 12 thế giới, và dẫn đầu tại Việt Nam. Hệ sinh thái còn có các giải pháp đã được triển khai thực tế tại các tổ chức lớn như C.OCR (SmartDocs) tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, TH Group…
Đáng chú ý, tại triển lãm, CMC đã lần đầu công bố hai giải pháp AI tiên phong trong lĩnh vực y tế gồm:
+ C-Health: giải pháp AI tiên tiến do CMC phát triển giúp phân tích tình trạng sức khỏe người dùng bằng công nghệ không tiếp xúc thông qua việc quét hình ảnh khuôn mặt từ điện thoại hoặc máy tính bảng. Sản phẩm tích hợp nhiều tính năng độc đáo có khả năng đo hơn 20 chỉ số như nhịp tim, huyết áp, biến thiên nhịp tim, hồng cầu, HbA1c giúp đánh giá lượng đường huyết trung bình … với kết quả nhanh chóng, hỗ trợ người dùng quản lý sức khỏe cá nhân một cách toàn diện và hiệu quả. C-Health đã sẵn sàng kết nối với hệ thống VNeID, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
+ C-Aid: phần mềm chatbot ứng dụng Trí tuệ nhân tạo do CMC phát triển, với sứ mệnh hỗ trợ bác sĩ và bệnh nhân trong quá trình chẩn đoán hình ảnh như X-quang, MRI, CT. C-Aid không chỉ giúp nâng cao độ chính xác trong hỗ trợ ra quyết định lâm sàng, mà còn đóng vai trò như một "trợ lý y tế số", đồng hành trong tư vấn và chăm sóc sức khỏe từ xa. Sản phẩm mang tính đột phá, thiết thực và có ý nghĩa chiến lược trong việc hiện đại hóa ngành y tế, hướng tới mô hình khám chữa bệnh thông minh và hiệu quả.
Công nghệ phục vụ đất nước: CLS & CMC Cloud – Hai nhiệm vụ quốc gia trọng điểm
Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm thương mại, CMC còn vinh dự là đơn vị chủ trì thực hiện hai nhiệm vụ quốc gia được công bố trên Cổng thông tin Nghị quyết 57 của Chính phủ:
1. CLS – Trợ lý ảo xây dựng, kiểm tra rà soát, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật AI là hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ phân tích và phát hiện các điểm mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam. Với công nghệ dữ liệu lớn (Big data), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), CLS có khả năng rà soát hàng trăm nghìn văn bản quy phạm pháp luật một cách nhanh chóng và chính xác. Giải pháp này góp phần hiện đại hóa hoạt động lập pháp, hành pháp, tăng tính minh bạch, hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
2. CMC Cloud – Nền tảng điện toán đám mây thuần Việt:
Được phát triển từ năm 2017, khi khái niệm Cloud còn khá mới tại Việt Nam, CMC Cloud ngày nay đã trở thành nền tảng nội địa dẫn đầu thị trường với hơn 25% thị phần, hệ thống đạt chuẩn Uptime Tier III, bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 27017 & ISO 27018. Đây là nền tảng hạ tầng số quan trọng, giúp giảm phụ thuộc vào nền tảng ngoại, hỗ trợ chính phủ và doanh nghiệp xây dựng hệ thống vận hành số an toàn, chủ động.
Cùng với CLS và CMC Cloud, CMC còn có vinh dự có thêm 3 sản phẩm có mặt trên cổng thông tin Nghị quyết 57 NQ57.MST.GOV.VN: C-Contract- Hợp đồng điện tử “không chạm”, xử lý đến 2 triệu văn bản/ngày, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, giảm chi phí, tối ưu hiệu suất; C-Notary- Giải pháp số hóa công chứng, triển khai tại nhiều địa phương, giúp đồng bộ dữ liệu, tra cứu nhanh và tiết kiệm đến 95% thời gian nghiệp vụ và đặc biệt sản phẩm được lãnh đạo cấp cao đánh giá cao tại sự kiện là giải pháp CMC AI Vision với CMC AI Camera và CMC AI Box do CMC thiết kế có cấu hình mạnh mẽ, năng lực tính toán AI lên đến 6 ngàn tỷ phép tính trên giây (6TOPS - 6 Trillions Operations per second) tương đương một máy chủ AI cỡ nhỏ tại biên.
CMC AI Vision có khả năng triển khai 10 bài toán AI như nhận diện khuôn mặt, cháy nổ, bão lụt thiên tai hay phát hiện xâm nhập ở biên giới, hải đảo...AI Box được tích hợp các giao thức IoT và 40 cổng thu thập dữ liệu từ cảm biến và điều khiển các cơ cấu chấp hành trong các dây chuyền sản xuất.
Tầm nhìn “Make in Vietnam – Go Global”: Đào tạo 15.000 kỹ sư AI đến năm 2033
Với mô hình Viện – Trường – Doanh nghiệp, CMC đã thành lập Trường Đại học CMC như một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Nhà trường đặt mục tiêu đào tạo 15.000 kỹ sư AI đến năm 2033, đảm bảo nguồn lực chất lượng cao cho hệ sinh thái công nghệ Việt, góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên 60% GDP vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết 68.
Ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ thêm: “CMC không chỉ xây dựng một doanh nghiệp, mà chúng tôi đang cùng cộng đồng công nghệ kiến tạo tương lai. Từ việc làm chủ AI, đến phát triển Cloud thuần Việt, xây dựng trung tâm dữ liệu siêu quy mô, đến đào tạo nhân tài – đó là hành trình thể hiện khát vọng Việt: Make in Vietnam – Go Global bằng tri thức và bản lĩnh người Việt.”
Triển lãm Kinh tế tư nhân là dịp để khẳng định vị thế của khối doanh nghiệp tư nhân trong công cuộc phát triển quốc gia. Với những nỗ lực thực chất trong đổi mới sáng tạo, năng lực công nghệ đã được thị trường và xã hội ghi nhận, CMC là hình mẫu tiêu biểu cho vai trò “dẫn dắt” mà Nghị quyết 68 đặt ra – nơi doanh nghiệp tư nhân không chỉ là động lực, mà còn là lực lượng kiến tạo tương lai số của Việt Nam.