Vi cá: bán như bán… khô!
Tại chợ Bình Tây (Q.6), An Đông (Q.5), Bến Thành (Q.1)... vi cá được bày bán tràn ngập ở các sạp đồ khô. Khách hàng chỉ cần hỏi thăm, người bán sẽ tư vấn miễn phí. Theo chị Lương Muội, chủ một sạp đồ khô ở tầng hầm chợ An Đông thì vi cá được khai thác từ vây cá mập. Sau khi bị bắt, những chiếc vây cá mập được cắt ra và làm sạch, cắt tỉa khéo léo rồi đem đi sấy khô hoặc để ướp đông lạnh. Tùy theo trọng lượng lớn, nhỏ, vây đuôi hay vây lưng mà chúng được sơ chế cho phù hợp. Song, để giữ giá trị sản phẩm, mỗi nhà sản xuất đều có bí quyết riêng, nhưng quan trọng nhất là làm sao cho chúng vẫn giữ được độ giòn và mùi vị hấp dẫn đặc trưng. Hiện trên thị trường sản phẩm vi cá chế biến có ba dạng: loại vi cá cước rời đã được xé rời ra thành từng sợi cước để tiện trong việc nấu nướng trong các bữa ăn gia đình; vi cá bông là loại đã sơ chế bằng cách sấy khô còn giữ nguyên dạng dùng làm quà biếu và loại nguyên đuôi cần tinh chế lại theo hướng dẫn của người bán. Loại này thường để bán cho nhà hàng, khách sạn. Giá bán cũng đa dạng như sản phẩm. Cụ thể, loại vi cá bông bán 8,1 triệu đ/kg; loại vi nguyên miếng giá 9 triệu đ/kg; vi cá vuông thượng hạng giá bán khoảng 3,4 - 3,5 triệu đ/kg và loại 2 khoảng 2,5 - 2,6 triệu đ/kg; loại vi ống giá khoảng 6,1 triệu đ/kg; loại vi đuôi lớn có kích thước khoảng 1,7 tấc giá 4,7 triệu đ/kg; loại nhỏ khoảng 1,3 tấc giá 3,9 - 4 triệu đ/kg và vi lưng (kỳ) khoảng 4 tấc giá từ 3,3 - 3,5 triệu đ/kg...
Trong vai mua hàng cho người thân mang ra nước ngoài, chúng tôi ghé vào sạp THchuyên kinh doanh “bát trân” ở chợ Bình Tây nhờ tư vấn mua hàng. Ông Hùng, chủ sạp, quảng cáo: “Hàng tôi bán toàn là hàng thượng hạng với đủ loại vi cá của Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam... Muốn cỡ nào tôi chiều cũng được. Anh muốn mua hàng mang đi Mỹ, nên lấy loại vi cước để tiện đóng gói và chế biến. Giá hàng này có nhiều cấp từ 18 - 21 triệu đ/kg. Đảm bảo hàng Đài Loan “xịn” không pha (?!)...”. Nửa đùa, nửa thật chúng tôi gợi ý: “Hàng “xịn” là sao? Anh lấy gì làm bằng chứng?”. Ông Hùng tỏ vẻ khó chịu: “Hàng của tôi chế biến hoàn toàn từ vi cá mập trắng. Nếu có ai nói không phải, mang ra tôi đổi hàng mới (?)”. Chúng tôi yêu cầu cho xem giấy xuất xứ hàng hóa, ông Hùng thoái thác: “Để quên ở nhà(?!)”.
Loạn thị trường nhân sâm
Để tẩm bổ, giải độc cho gia đình trước vấn nạn “sợ ngộ độc các loại thực phẩm kém an toàn vệ sinh” và “tăng lực” cho con em trong mùa thi cử, nhiều người đã chọn và sử dụng nhân sâm (Panax gingsen) - vị thuốc bổ được dân gian xem là “thần dược” trị bá bệnh. Thế nhưng, có thể nói chưa bao giờ thị trường nhân sâm “bát ngát” như hiện nay với đủ dạng sản phẩm, chủng loại tựa như một “ma trận”. Bằng chứng là trong Lễ hội nhân sâm Hàn Quốc lần thứ 2 tại Việt Nam diễn ra đầu năm tại Hà Nội đã giới thiệu hơn 60 loại nhân sâm tới người tiêu dùng Việt Nam.
Hiện nay, trên thị trường nhân sâm có nhiều loại và nhãn hiệu với xuất xứ từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên Xô (cũ), Australia, Nhật và cả sâm Ngọc Linh Việt Nam gồm nhiều cấp độ tuổi, đủ dạng sản phẩm đã chế biến như: sâm củ, sâm lát, cao sâm, viên nén, trà, rượu, tinh chất hắc sâm, nước cốt sâm và cả nước giải khát tăng lực từ sâm tươi... Tại các cửa hàng, siêu thị hiện có rất nhiều loại sản phẩm chế biến được giới thiệu là làm từ nhân sâm có giá trị chữa bệnh. Nhiều nhất là hàng “Made in Korea”. Không ít công ty sâm Hàn Quốc đã góp mặt trên thị trường Việt Nam với hệ thống đại lý khắp nơi, từ khu trung tâm dược liệu Q.5, Q.6, Q.11, Bình Thạnh, Gò Vấp... đến các tỉnh. Sản phẩm khá đa dạng, thường là loại sâm củ đóng hộp thiếc có đủ dạng từ 3, 6, 7, 12 củ/hộp tùy theo củ to hay nhỏ, có cùng một thương hiệu, trọng lượng và độ tuổi như nhau (từ 6 - 8 tuổi ghi trên vỏ hộp), giá bán khoảng từ 2,8 - 3,2 triệu đ/hộp 100 g tùy loại.
Riêng loại sâm 10 tuổi trở lên thì có dạng sâm tươi ngâm, ít sâm khô do công dụng và tính chất của sâm rất mạnh. Còn sâm Mỹ được đựng trong các hộp nhựa trong, giống như những gói kẹo 250 g, có giá bán khoảng 130.000 - 320.000 đ/hộp... Ngoài ra còn có “sâm đỏ xứ Hàn, trồng ở xứ Trung”, củ sâm cũng “râu ria” đầy đủ nhưng to hơn, đựng trong hộp chữ nhật trông “na ná sâm Hàn”, có giá bán rẻ hơn… Tuy nhiên, do thị trường này còn bỏ ngỏ, nhiều nhà sản xuất, người mua bán sâm không được kiểm định rõ ràng, gây ra tình trạng bát nháo, nên chất lượng và giá trị thật sự của chúng chỉ có… “nhà sản xuất, kinh doanh mới biết”.
Ngoài hàng thật, thị trường không thiếu nhân sâm giả được làm từ đậu đũa dại, sâm đất, thương lục, niễng rừng và hoa sơn sâm, trong đó sâm đất và thương lục thường được dùng “biến” thành sâm cao ly. Anh Lê Văn Hổ, chủ cửa hàng 147 Hàm Nghi (Q.1) “bật mí”: “Hiện nay nhân sâm được các công ty chính quốc chế biến thành nhiều mặt hàng đa dạng như: sâm nguyên củ, sâm lát, sâm khô, sâm tươi, cao sâm, viên sâm, rượu sâm, trà sâm, kẹo sâm... với giá bán từ vài ngàn đến vài triệu đồng tùy loại. Thậm chí, có những loại sâm có độ tuổi cao thường người bán không tính theo giá trị VNĐ mà thường quy đổi thẳng bằng USD với giá từ 300 - 50.000 USD/củ tùy trọng lượng.
Chưa kể nhân sâm bán trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu là sâm trồng theo phương pháp công nghiệp nên tuổi thọ của các loại sâm đang bị rút ngắn, song nhiều cửa hàng khi bán đã giới thiệu tuổi thọ của sản phẩm từ vài năm đến vài chục năm và đều là “nhân sâm mọc tự nhiên”.
Chớ vội tin quảng cáo!
Với hai mặt hàng trên, người tiêu dùng không cần phải tìm hiểu nhiều vì chỉ cần mở tivi là học ngay được kiến thức về sản phẩm bằng “Chương trình tư vấn” của khá nhiều nhà phân phối bán hàng qua điện thoại. Song, những tính năng “trị bá bệnh” của sản phẩm đã được người bán “nổ” quá thực tế.
Với vi cá mập, nhiều người nghe quảng cáo “Trong vi cá mập có chất chondroitin chiếm tỷ lệ cao trong thành phần, có tác dụng ức chế enzym elastase (men này là chất trung gian gây thoái hóa sụn khớp); kích thích quá trình tổng hợp các proteoglycan (là một glycoprotein có tỷ lệ glucid rất cao) nên được chỉ định dùng bổ trợ trong các chứng hư và thoái hóa khớp và có thể giúp cơ thể dẻo dai, bền sức hơn, đặc biệt có tác dụng trong điều trị xương khớp, các bệnh về mắt và đặc biệt là có thể chống, ngăn ngừa bệnh ung thư...”. Thực chất cho đến nay chưa có công trình khoa học nào chứng nhận điều này. Riêng về nhân sâm, tất cả các loại sâm đều được quảng cáo như một loại thần dược.