Tập thơ ‘Em không thể nói lời từ biệt’: Lời yêu của thời trong trẻo nhất
Ngày 1/11, tại Hội Nhà văn TP.HCM đã diễn ra buổi ra mắt tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt” của thi sĩ Đào Phong Lan. Tập thơ ghi dấu sự trở lại của chị sau hơn 17 năm với những tình thơ được viết bởi những "lời yêu của một thời trong trẻo nhất".
Tập thơ "Em không thể nói lời từ biệt" của thi sĩ Đào Phong Lan vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 9/2023. Tập thơ gồm 56 bài thơ tình, trải dài thời gian sáng tác từ năm 1991 đến năm 2015. Đây là những bài thơ được tác giả Đào Phong Lan tuyển chọn để đánh dấu một giai đoạn phong cách văn chương của mình.
Buổi ra mắt diễn ra trong không khí ấm cúng thân tình hòa quyện giữa thơ và nhạc của tác giả Đào Phong Lan cùng với những người bạn văn chương mà tác giả gọi là “người nhà”.
Nhà Văn Trầm Hương - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhận xét: Những năm 1990, Đào Phong Lan đã có những thành tựu nhất định và ghi dấu trên văn đàn bằng những giải thưởng thơ ca. Gần đây em trở lại với nhiều truyện ngắn. Và cuộc thi truyện ngắn hay do Tạp chí văn nghệ TP.HCM đã trao giải thưởng cho "Bảy ngả yêu thương" của Phong Lan. Tôi có cảm giác em trở lại với văn chương với tình yêu nồng nàn hơn xưa bởi sự khích lệ của độc giả, bè bạn...
Lần nay, cầm trên tay tập thơ "Em không thể nói lời từ biệt" của Đào Phong Lan, tôi cảm nhận năng lượng sáng tạo của người đàn bà đẹp truyền dẫn đến tôi. Trang sách mở ra những câu thơ nống nàn, đau và sâu thẳm. Tôi thích chất "ớt cay" của em:
"Em phân thân giữa những gì được mất
Chẳng hay hạnh phúc có còn
Sợ anh đứng trên triền non cao ngất
Vẫn mơ về một bóng thùy dương
Anh thân yêu!
Cơn mưa mọc hoang trên đất
Nảy lên bong bóng bảy màu
Những đám mây chân trời rơi nước mắt
Anh ở đâu??? (Đông - Viết giữa cơn mưa)
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Trưởng ban nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TP.HCM, một trong những độc giả đầu tiên của tập thơ nhận xét: “Tập thơ 56 bài, chia làm bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nhưng thực chất chỉ có một mùa: Mùa Yêu, của một phụ nữ tự thú “Hồn ta mềm như cỏ/ Chưa gió về đã lay” không thể từ biệt nhân duyên và không thể từ biệt thi ca. Những ai từng ưa thích thơ Đào Phong Lan trước đây, sẽ nguyên vẹn xao xuyến khi đọc “Em không thể nói lời từ biệt”.
Đào Phong Lan sinh ra và lớn lên ở thành phố Pleiku (Gia Lai), học tập ở Hà Nội và làm việc tại TP.HCM từ năm 2002 tới nay. Chị là hội viên Hội nhà văn TP.HCM. Chị ghi dấu ấn riêng trong văn học từ rất sớm, với việc xuất bản tập thơ đầu tiên “Giêng Hai” (NXB Thanh Niên) năm 1995, khi mới 20 tuổi. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khi ấy đã viết về thơ chị: “Tôi rất yêu chất dân dã của thơ cô. Những câu lục bát nhuần nhuyễn, ý tứ, lung linh. Thơ Đào Phong Lan đầy nữ tính, thật dịu dàng e ngại và chờ mong khắc khoải. Đào Phong Lan có hồn thơ, và cô dường như đã yêu, đã nắm được cái dịu ngọt, lúng liếng, tình tứ, mênh mang của ca dao”...
Đào Phong Lan từng giành giải Ba truyện ngắn của Hội nhà văn Việt Nam và Tuần báo Văn nghệ trẻ tổ chức năm 1997 ngay từ khi chị còn là sinh viên trường viết văn, chị cũng nhiều lần đạt giải Nhất (1993, 1997) giải Nhì (1994, 1996, 2001) và giải Ba (1995, 1998) về thơ của Tập san Áo Trắng - NXB Trẻ...
Thơ của Đào Phong Lan được nhiều nhạc sĩ yêu thích và phổ nhạc, trong số đó có những bài đã rất phổ biến. Như bài “Đêm xoang Tây Nguyên” được nhạc sĩ Văn Chừng phổ nhạc từ năm 1996 và trở thành một trong những bài hát nổi tiếng tại Tây Nguyên, hoặc bài “T’rưng” (Bùi Khánh Nguyên phổ nhạc, NSND Rơ Chăm Phiang thể hiện) và bài “Mẹ Ơi” của Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, phổ thơ bài “Bóng Lá” của chị. Chị cũng có khả năng tự viết nhạc và sáng tác bài hát, từng được biết đến với vai trò tác giả ca khúc “Mùa hoa chờ đợi” viết về hoa cúc quỳ Tây Nguyên.
Tạp chí Khoa học phổ thông xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã về tập thơ "Em không thể nói lời từ biệt".
Tôi biết Đào Phong Lan thuở chị vừa Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, khóa 5, năm 1998. Thi thoảng đọc thơ chị trên các báo và tạp chí. Rồi bẵng đi một thời gian khá lâu, im tiếng (2005 - 2022). Hơn 17 năm, hôm nay Đào Phong Lan trở lại với một tập thơ tình được viết bởi những "lời yêu của một thời trong trẻo nhất"...
Tôi chợt nghĩ thơ của thời ấy thì nhiều, người ta viết dễ trùng lặp nhau lắm, đọc câu đầu đã biết câu thứ hai. Cứ thế và cứ thế...
Nhưng cũng chợt nghĩ, Đào Phong Lan có một thời gian dài vừa làm kinh tế vừa lặng lẽ viết. Biết đâu trong trong cát có vảy vàng lấp lánh thì sao...
Và đúng vậy, tôi đã bơi trong đời cát của Đào Phong Lan và nhặt những lóe sáng bất ngờ:
Em sẽ không còn là em nữa
Chỉ còn là viên đất
Buồn tênh trên luống cày...
(Cho một ngày không bao giờ đến)
Đấy là những gian lao của người có công cày xới.. Để trở thành viên đất cũng không phải dễ, phải là viên đất ôm nỗi buồn cho loài cây cắm rễ mà xanh đồng xanh bãi trần gian. Tôi nghiệm ra, thơ Đào Phong Lan không như tôi nghĩ, một cây bút biết làm thơ từ lúc 8 tuổi ắt phải rất khác rồi. Khác ở chỗ cấu tứ thơ rất lạ, khiến cho thơ bay lên trong chất tài hoa hiếm có. Chị viết những câu thơ độc đáo, trăn trở mà như không:
Đêm đã lên tàu đi mất
Ban mai trằn trọc trên giường...
(Người đi)
Hai câu thơ sáng chói bật lên trong bài "Người đi" viết năm 1996. Có thể nói những ngày "im tiếng", những ngày "lặng lẽ" ấy, đã trao cho Đào Phong Lan một món quà có ý nghĩa của sự trở lại, để chị tự tin hơn đi trên con đường mà vùng phủ sóng từ thuở Thiếu nhi vẫn còn mạnh mẽ. Có rất nhiều những bài thơ của Đào Phong Lan trong tập này tôi đọc mà sửng sốt. Ví như bài thơ lấy làm tên của tập thơ "Em không thể nói lời từ biệt":
Câu thơ rơi như lá vàng trên đất
Khẽ cuốn theo gót gió la đà
Cửa đóng mở ngôi nhà hạnh phúc
Như đón em vào
Như đuổi em ra...
Hai câu trước là vô cùng bình thường, nhưng cũng chính nó lại mở ra hai câu sau vô cùng "bất thường". Những câu thơ như lá vàng trong gió, vừa đóng lại, lại vừa mở ra ngôi nhà hạnh phúc. Cửa mở ra là đón em vào. Cửa đóng lại là đuổi em ra...
Có hạnh phúc nào "bất ổn" thế không? Có đấy, đấy là thứ hạnh phúc mong manh dành cho những người yêu nhau không trọn, dành cho những cuộc tình chia ly. Họ đã nói, đang nói, và sẽ nói những điều đổ vỡ:
Em không thể nói lời từ biệt
Giọt thu rơi vỡ tan tành...
Và "đuổi em ra" là câu thơ mang vết cắt phũ phàng nhất. Phân tâm học của Freud giải thích, đó là sự dồn nén trong vô thức làm bùng vỡ tâm hồn. Sự bùng vỡ ấy, rất lạ và rất khác với loại thơ tình bi lụy, kêu rêu. Bởi vì:
Em chỉ có một bờ tóc ngắn
Không đủ dài để buộc lời anh...
(Cho ngày hôm qua)
Hai câu thơ rất hay này, làm tôi nhớ đến bài thơ "Buộc" của Trần Mạnh Hảo:
Dòng đời - con nước vèo qua
Trái tim mắc cạn trong tà áo bay
Cỏn con một sợi lông mày
Mà đem cột trái đất này vào anh...
Vâng, một sợi lông mày của người đẹp trong thơ Trần Mạnh Hảo có thể cột cả trái đất vào anh. Nhưng với Đào Phong Lan, cả một bờ tóc ngắn lại không đủ dài để buộc lời hứa của người tình ở lại, mà phải để cho người ấy ra đi. Ta thấy có một sự nhói lòng trong câu thơ bình thản như không của Đào Phong Lan.
Và quả thật, nhờ nếm trải những cay đắng tình trường, nhà thơ nữ Đào Phong Lan đã trở nên bình thản đến lạ. Nghĩa là người ấy đã trở thành một người bản lĩnh, đôi khi dường như lạnh lùng:
Dang tay cho gió tựa vào
Gió đưa một trận mưa rào
Rồi xa...
(Gọi lá về trời)
Câu thơ cứa vào lòng người đọc một vết cứa buốt nhói. Cho đến khi cái buốt nhói ấy khiến ta giật mình nhận ra, sự bình thản kia cũng chính là những cồn cào quặn thắt, sự nồng ấm của tình yêu chín chắn lại được bọc trong lớp vỏ lạnh lùng. Chỉ khi nào được chính là mình, lúc đấy mới là tình yêu đích thực, vừa khiêm nhường, vừa đầy đặn dịu dàng:
Còn em
Xin được làm chiếc cúc
Nép khiêm nhường trên ngực áo anh...
(Hoan ca)
Đến đây, câu thơ "đuổi em ra" đã được hóa giải. Em không thể nói lời từ biệt chính là đây., là những câu chữ đã dệt nên mối tình thi ca bất tận.
Thơ Đào Phong Lan mang vẻ đẹp của sự chân thành và trong trẻo nhất. Điều đó đã đưa thơ chị găm vào lòng người đang yêu cuồng nhiệt, và người được yêu nồng nàn...
Nguyễn Thánh Ngã (Đọc "Em không thể nói lời từ biệt" - thơ Đào Phong Lan - NXB Hội Nhà văn - 2023)
Thơ Đào Phong Lan trong tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt”:
Gọi lá về trời
Ta đi gọi lá về trời
Lang thang suốt cả một thời tóc xanh
Đêm qua nghe gió giật mành
Buồn cô đơn hót trên nhành chiêm bao.
Dang tay cho gió tựa vào
Gió đưa một trận mưa rào rồi xa.
Ngoài hiên lá rụng la đà
Người yêu dấu bỗng hóa là người dưng…
Yêu thì yêu quá ngập ngừng
Xa thì xa đến quá chừng là xa!
Lời đá cuội
Lòng đá cuội cũng mềm như nước mắt
xếp trong veo như những tiếng thầm thì
Nằm im ắng bên bờ suối cạn
đợi trượt dài theo mỗi bước chân đi
em không biết
thật mà
em không biết
đã yêu anh tự buổi mai nào
chỉ thấy gió cồn cào mải miết
những lá vàng xô dòng chảy xôn xao
Mà anh cũng hững hờ vô tình lắm
Vội yêu em rồi lại vội vàng xa
Mưa tháng Giêng còn chưa kịp ấm
Đã đầy trời gió lạnh tháng Ba
Đã hẹn nhau đi đầu non cuối bể
Lại lạc nhau giữa ngã ba đường
Sông quá rộng mà sao lòng quá hẹp
Trời bao la mà gió chật khu vườn…
Lời đá cuội rơi trong lòng suối cạn
Vang lên trong vòm lá một thanh âm
Tiếng đá vỡ
Trong veo
Đau đớn
Lời yêu chỉ nói một lần...
Ta đi cuối đất cùng trời
Ta đi cuối đất cùng trời
Chỉ mong gặp gỡ được người tri âm
Lòng xanh biếc một giọt mầm
Tim rền như tiếng phím cầm chiều rung…
Ta về giữa ngã ba sông
Sậy dài hun hút
Buồn không bóng người
Dang tay
Ngửa mặt mà cười
Thấy con sẻ trắng ngang trời bay đi
Muốn làm một gã Trương Chi
Mà không biết hát những gì.
Ô hay!
Thôi đành uống rượu quên say
Cạn buồn
Ta lại đổ ngày vào đêm
Trời chung chiêng
Đất chung chiêng
Ta đi trên đất đổ nghiêng mà về…