Tạo hình bàng quang bằng ruột theo phương pháp Padua

HỒNG DUNG| 28/06/2013 12:53

Padua là một trong những phương pháp tạo hình bàng quang bằng ruột sau phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc cho những trường hợp ung thư bàng quang. Tại hội thảo chuyên đề “Phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột”, được tổ chức tại BV Bình Dân vừa qua, BS. Nguyễn Văn Ân, khoa niệu A, BV Bình Dân cho biết một số vấn đề về phương pháp này.

Có rất nhiều phương pháp tạo hình bàng quang bằng ruột sau khi cắt bàng quang toàn phần. Trong đó, thông dụng là phương pháp Camey, Studer, Hautmann, Mainz, T pouch... Khi cắm lại niệu quản vào bàng quang tân tạo, cũng có nhiều phương pháp khác nhau nhưng phổ biến là phương pháp Le Duc - Camey và Studer. Nhưng chưa có phương pháp nào chứng tỏ vượt trội hoàn toàn.

Điểm mấu chốt của kỹ thuật cắm lại niệu quản là tránh hẹp và chống ngược dòng, nhằm tránh biến chứng lâu dài lên đường tiểu trên như chướng nước thận, viêm thận ngược dòng, thậm chí suy thận. Qua nghiên cứu y văn cho thấy, Padua là phương pháp vừa có cách xếp ruột non tạo hình bàng quang độc đáo, vừa có cách cắm lại niệu quản với đường hầm dưới thanh mạc để chống ngược dòng gần giống với cơ chế chống ngược dòng của khúc nối niệu quản - bàng quang nguyên thủy.

Phương pháp phẫu thuật: sau khi cắt bàng quang tận gốc, bệnh nhân được chọn một đoạn hồi tràng dài 40 cm, có mạch máu nuôi tốt và cách van hồi manh tràng khoảng 20 - 25 cm. Cắt hai đầu đoạn ruột đã chọn. Mạc treo ruột giải phóng đủ dài để không căng khi nối bàng quang mới vào niệu đạo. Khâu phục hồi ruột tận, khâu lại mạc treo ruột. Phần đoạn ruột đã cô lập được xẻ dọc theo bờ tự do, sau đó được khâu gấp lại 2 lần. Tiếp theo tạo hình phần cổ bàng quang.

Cắm niệu quản vào bàng quang: hai bờ tự do của đường hầm bên phải được khâu dính thanh mạc với nhau bằng 3 - 4 mũi (vicryl 3.0) để tạo thành nền cho phần cắm niệu quản. Sau đó phần niêm mạc của 2 bờ tự do ngay nền niệu quản được khâu với nhau để niêm mạc che phủ toàn bộ niệu quản. Kế tiếp, khâu nối cổ bàng quang tân tạo với niệu đạo.

Bệnh nhân sau khi phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột sẽ được theo dõi và ghi nhận các biến số trong mổ như thời gian mổ, thời gian tạo hình bàng quang, lượng máu trung bình bị mất, các tai biến phẫu thuật. Hậu phẫu, bệnh nhân được ghi nhận thời gian nằm viện, thời gian rút dẫn lưu, thời điểm rút thông niệu đạo, biến chứng hậu phẫu. Sau đó, bệnh nhân sẽ tái khám sau mổ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm.

Qua nghiên cứu, từ tháng 3/2008 - 3/2013, BV Bình Dân đã áp dụng phương pháp thay thế bàng quang bằng ruột kiểu Padua cho 21 bệnh nhân, cho thấy thời gian phẫu thuật trung bình là 413 phút (từ 390 đến 525 phút), lượng máu mất trung bình 280 ml. Thời gian theo dõi trung bình từ 6 - 14 tháng. Kết quả ban đầu cho thấy, phương pháp Padua an toàn, hiệu quả tốt về mặt chức năng của bàng quang tân tạo. So với các kỹ thuật Hautmann, Studer, phương pháp Padua có cách xếp ruột đơn giản và hình ảnh bàng quang tân tạo đạt được sau tạo hình rất giống với bàng quang nguyên thủy. Tuy nhiên, thời gian nghiên cứu còn ngắn và số lượng bệnh nhân còn ít nên nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu để sau này có báo cáo với những kết luận đáng tin cậy hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo hình bàng quang bằng ruột theo phương pháp Padua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO