Kinh doanh

Tạo động lực cho TP.HCM chuyển đổi công nghiệp, phát triển kinh tế

Võ Liên 12/09/2024 - 13:08

Chuyển đổi công nghiệp là nhu cầu cấp thiết của TP.HCM nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, tăng khả năng kết nối và nâng cao vị thế của TP.HCM.

Ngày 12/9, UBND TP.HCM tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Đối thoại Hữu nghị TP.HCM và Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2024.

hop-bao-12-9.jpg
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (đứng) phát biểu tại họp báo.

Hai sự kiện quy tụ loạt chuyên gia quốc tế

Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển" sẽ diễn ra từ ngày 23-24/9.

Tại họp báo, ông Lê Trường Duy - Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM - cho biết sự kiện được tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa TP.HCM với các địa phương trên khắp thế giới. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội nhằm quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đến bạn bè quốc tế.

Nổi bật trong chuỗi hoạt động là Hội nghị Thị trưởng sáng 24/9, các đại biểu sẽ nghe báo cáo tổng quan về chuyển đổi công nghiệp tại TP.HCM. Sau đó, các đại biểu cùng nhau thảo luận quá trình chuyển đổi công nghiệp của các địa phương quốc tế, bao gồm: kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở địa phương; những đổi mới về công nghệ; huy động nguồn lực (PPP, tài chính, nhân lực…).

Các đại biểu cũng sẽ đánh giá những khó khăn, thách thức của TP.HCM trong quá trình chuyển đổi công nghiệp và đề xuất các nhóm lĩnh vực có thể hợp tác với thành phố.

Tính đến thời điểm hiện tại, sự kiện đã có 36 đoàn địa phương và bộ ngành quốc tế xác nhận tham dự, đến từ 16 quốc gia, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Úc, Ý, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay.

Còn Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24-27/9 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM", thu hút hơn 40 đoàn địa phương và bộ ngành quốc tế và chuyên gia xác nhận tham dự.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - cho biết Diễn đàn kinh tế các năm 2022, 2023 mang tính chất định hướng còn năm nay sẽ đi sâu vào tổ chức triển khai để biến các định hướng đó thành hành động.

Diễn đàn xoay quanh các chủ đề chính: Xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM gắn liền với chuyển đổi công nghiệp.

Đặc biệt, Phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ buổi chiều ngày 25/9 sẽ diễn ra với phần phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sau đó là phần hỏi đáp với các bộ ngành địa phương.

Động lực tăng trưởng mới

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết TP.HCM không chỉ chuyển đổi xanh và chuyển đổi số mà còn chuyển đổi sang công nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao để nâng cấp chuỗi giá trị.

Trong thời gian qua, vị thế và vai trò trung tâm của TP.HCM so với cả nước chưa tương xứng và có xu hướng giảm sút. Trong đó, tỷ trọng kinh tế thành phố so với cả nước giảm; số lượng doanh nghiệp đông, gần 300.000 nhưng chưa mạnh; tỷ trọng xuất khẩu giảm nhanh, chỉ còn 12% cả nước vào năm 2023.

Lý giải điều trên, ông An cho rằng, những năm qua kinh tế thành phố phát triển cơ bản theo chiều rộng, nên động lực tăng trưởng cạn dần. Hạ tầng công nghiệp hạn chế và không đáp ứng phát triển theo chiều rộng, diện tích đất khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đạt 5.921 ha, chỉ chiếm 2,81% so cả nước.

"TP.HCM cần tái cơ cấu nền kinh tế hay chuyển đổi công nghiệp với nội hàm chuyển đổi kép và nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, từ đó tìm kiếm động lực tăng trưởng mới", ông Phạm Bình An chia sẻ.

Theo đó, chuyển đổi công nghiệp là nhu cầu cấp thiết của TP.HCM nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, tăng khả năng kết nối và nâng cao vị thế của TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực cho TP.HCM chuyển đổi công nghiệp, phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO