Dây sâm lông
Dây sâm lông (vì lá dây có nhiều lông), tên khoa học là Cyclea peltata, thuộc họ Tiết dê - Menispermaceace. Loại này có dây dài đến 5 m, cuống lá dài hơn, phiến lá hình tim, hoa trái mọc thành chùm dài, loại này có khá nhiều chất pectin. Cây này thấy mọc hoang và được trồng nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung, đến mùa hè nắng nóng thường có bán lá sâm lông ở các chợ, được người dân mua về làm sương sáo.
Dây sâm lông vị ngọt, đắng, tính mát. Tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, hành ứ, lợi tiểu… trị nóng nhiệt, đầy bụng, chậm tiêu, sỏi tiết niệu, táo bón, mụn nhọt… Tài liệu gần đây còn cho biết, sâm lông có các alcaloid như cissamparein, hayatin, hayatidin... Vỏ rễ chứa menismin, cissamin, pereirin. Trong rễ đã chiết được 1 alcaloid có vị đắng gọi là cissampelin hay pelosin với tỷ lệ 0,5%. Năm 1952, từ rễ cây tiết dê người ta chiết được 1 alcaloid gọi là hayatin và 1 alcaloid nữa gọi là hayatinin.
Chữa tiểu tiện khó khăn, sốt, lỵ: lá tiết dê tươi 50 g, vò nát hay giã nhỏ, thêm một ít nước chín nguội, vắt lấy nước, để một chốc cho đông lại mà uống. Có thể thêm đường cho dễ uống. Ngày 40 - 100 g lá tươi.
Chữa chậm tiêu, đau bụng: rễ tiết dê 4 phần, hạt tiêu 5 phần, gừng 6 phần. Tất cả trộn đều, thêm mật ong vào nhào thành bột nhão, viên thành viên. Ngày uống 0,2 - 0,3 g.
Hồng đằng lông
Tên khoa học Cissampelop pareiravar, thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae. Cây thảo hàng năm cao 15 - 45 cm hay hơn, ít phân nhánh, có lông thô rậm. Lá mọc đối, nguyên, dày, hình trứng hoặc hình thuôn dài dạng trứng, thon hẹp ở gốc, nhọn ở chóp, dài 2 - 4 (6) cm, rộng 1 - 1,5 cm, mép có răng; cuống dài 0,8 - 2 cm. Cụm hoa ở ngọn, khá dày đặc vào lúc hoa nở, kéo dài ra và dài tới 10 (13) cm, có lá bắc màu hồng ở gốc, hoa có cuống dài, có lông; đài có lông, 3 răng ở môi trên; tràng trắng hay hồng nhạt, môi trên 3 thùy, môi dưới to; nhị 2, thò dài, chỉ nhị tím. Trái bế nhẵn, thuôn, dài 0,7 mm. Cây này ở ta có trồng ở một số nơi, như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang)... Thu hái cây toàn năm nhưng chủ yếu vào mùa xuân hè, rửa sạch, cắt đoạn, phơi khô để dùng dần. Loại hồng đằng lông thường được trồng có khi phơi khô bán từng bó số lượng để làm nguyên liệu chế sương sâm có vị ngọt đắng, tính mát, hơi có độc. Tác dụng thanh nhiệt, tiêu trệ, lợi tiểu tiện…
Còn được dùng làm thuốc chữa: cảm mạo do nắng; huyết áp cao; đau cơ và các khớp xương; tiểu đường; viêm gan cấp. Liều dùng 30 - 60 g, bằng cách vò lá lấy nước làm sương sâm hoặc sắc nước uống thuốc sắc.
Người dân còn phối hợp sương sáo 30 g, biển súc (rau đắng) 30 g, rung rúc 45 g. Đun sôi lấy nước uống chữa tiểu đường, miệng khô khát, táo bón.
Dây mối trơn
Còn gọi hồng đằng tiết dê. Tên khoa học Cissampelos pareira, thuộc họ Tiết dê - Menispermaceace. Lá trơn láng hình tim cuống lá ngắn, ở gốc lá hoa mọc thành chùy dài, phân nhánh ở nách lá, thường được nhiều người trồng sử dụng, bán ở chợ.
Theo y học cổ truyền, mối trơn vị ngọt, tính mát, hơi có độc. Tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, tiêu độc, giảm đau. Chữa nóng nhiệt, lỵ trực trùng, tiểu đường, chống co thắt giảm đau, mỗi lần dùng 20 - 30 g lá tươi, loại này không nên dùng nhiều vì trong cây có chứa các loại alcaloid độc, ăn nhiều có thể gây độc.
Dùng ngoài giã nhỏ bó nơi sưng trặc chấn thương. Loại này ít dùng hơn.
Chữa đau bụng khó tiêu, sỏi thận.
Lưu ý, sương sâm bán ở chợ thường không biết làm từ loại lá nào, chế biến theo cách thủ công, thường không đảm bảo vệ sinh, nên mua lá về nhà làm thạch, ăn tốt hơn.