Sinh viên CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM lấy nước mắt khán giả trong ngày thi tốt nghiệp

Trương Quốc Phong. Ảnh: Quốc Khánh| 17/09/2022 23:06

Với vở kịch "Gia Vũ Yên Đăng" của tác giả Hứa Mẫn - Đăng Nguyên (cảm tác từ tiểu thuyết Thê Thiếp Thành Quần của nhà văn Tô Đồng), 4 sinh viên Nguyễn Trương Thảo Vy, Trương Thị Như Ngọc, Nguyễn Thị Bích Phượng và Đỗ Đang Trường với sự trợ diễn của các nghệ sĩ Võ Thành Đạt, Đặng Tuấn Kiệt, Trần Thiên Phước, Nguyễn Thị Yến Nhi cùng sự hỗ trợ của các sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM đã lấy nước mắt khán giả trong ngày thi tốt nghiệp.

"Gia Vũ Yên Đăng" là một vở diễn "nặng ký" về mặt nội dung khi câu chuyện kể về cuộc sống của Trần Gia với những con người và số phận đặc biệt. Ở đó có Ông Trần là đại diện cho một hình mẫu quý tộc năm thê bảy thiếp cùng cuộc sống tình dục khác lạ, một kiểu nhân vật biến thái vê mặt tâm lý đáng kinh tởm. Ông Trần không từ mọi thủ đoạn để có được những người phụ nữ mà ông cảm thấy vừa mắt và xem họ như một món hàng, thứ đồ chơi mà ông không ngần ngại bày ra những trò kinh tởm khi cánh cửa phòng khép lại.

Khung cảnh vở diễn nhuốm màu ma mị. Ở đó có chiếc giếng lâu năm được người ta đồn đại có hồn ma vất vưởng

Vở diễn có màu sắc kinh dị nhưng trên chính nền ma mị đó, câu chuyện của những con người sống trong Trần Gia mới thật đáng sợ. Đó là sự xuất hiện của Bà Cả Cẩm Tú đầy xảo quyệt và tráo trở "miệng nam mô nhưng đựng bồ dao găm" do diễn viên Nguyễn Trương Thảo Vy đóng; là sự lạnh lùng đến bất cần và tỏ ra ác độc của Bà Ba Hồng Nhung do Trương Thị Như Ngọc thủ diễn và Bà Tư Quế Anh hồn nhiên tin người đến suýt hư thai, mất mạng do Nguyễn Thị Bích Phượng thể hiện. Ai cũng có những câu chuyện, số phận của mình. Nhưng trên hết, đó là đỉnh cao của sự lừa dối mà chỉ đến khi vở diễn khép lại, khán giả mới giật mình: thứ kinh khủng nhất không phải là sự đen tối như cái giếng  hoang trong nhà người ta thêu dệt có ma mà là sự tráo trở và lừa dối. Xem vở diễn, nhiều khán giả lạnh người trước những pha đấu đá của các bà vợ nhưng rồi kết lại, họ vẫn là những con người thật đáng thương hơn đáng giận bởi những định kiến, hà khắc của xưa cũ. Mọi bi kịch suy cho cùng cũng xuất phát từ chính suy nghĩ cổ hủ trọng nam khinh nữ và lề thói phong kiến gia trưởng, không xem trọng giá trị của người đàn bà.

Xét về mặt nội dung và tâm lý tính cách nhân vật, các vai diễn Bà Cả Cẩm Tú, Bà Ba Hồng Nhung và Bà Tư Quế Anh đều là những vai diễn cực khó, đòi hỏi kinh nghiệm diễn xuất và sự thẩm thấu tâm lý nhân vật thật sâu để mỗi cử chỉ diễn xuất được toát ra từ ánh mắt, cử chỉ và lời nói ở bên trong. Thế nhưng, vượt qua sự mong đợi về một thế hệ diễn viên trẻ trước ngưỡng cửa theo nghề, các sinh viên Thảo Vy, Như Ngọc và Bích Phượng đã hoàn thành vai diễn xuất sắc. Điều này một phần cũng nhờ sự chỉ dạy tận tâm và hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, đặc biệt là giáo viên bộ môn - thầy Lê Ngọc Tưởng vốn là một đạo diễn, diễn viên trong nghề rất nổi tiếng và giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Bích Phượng.

Các diễn viên trẻ với diễn xuất bản lĩnh trong ngày tốt nghiệp

Đỗ Đang Trường là nam diễn viên duy nhất tốt nghiệp trong khóa K24B của lớp diễn viên kịch điện ảnh lần này. Vai Tùng Bách của Đỗ Đang Trường vừa đủ chạm vào sự thành công nhưng có thể nói, đó là một nỗ lực không hề nhỏ của chàng trai trẻ. Trong "Gia Vũ Yên Đăng", Đỗ Đang Trường đóng vai con của Trần Gia có mối tình chớm nở Bà Tư Quế Anh vốn là vợ Tư của người mà anh phải gọi là cha. Sự hồn nhiên, trong trẻo của Đỗ Đang Trường thích hợp với vai diễn cần sự tươi trẻ.

Sự thành công của vở diễn "Gia Vũ Yên Đăng" còn có sự góp phần rất lớn của những nghệ sĩ trẻ nổi tiếng và bản lĩnh như Võ Thành Đạt trong vai vai Ông Trần, Đặng Tuấn Kiệt trong vai Tứ Hải, Trần Thiên Phước vai Tư Nha và Nguyễn Thị Yến Nhi trong vai Tiểu Thảo. Nếu Võ Thành Đạt thể hiện xuất sắc vai Ông Trần khiến khán giả lạnh xương sống bởi những trò biến thái và đa dạng tính cách thì Trần Tuấn Kiệt cho thấy một nội lực diễn xuất chắc chắn với vai Tứ Hải luôn hết lòng vì người mình yêu và sẵn sàng phản bội ông Trần để cứu Bà Ba Hồng Nhung ra khỏi nơi tăm tối không khác gì địa ngục được gắn biển Trần Gia. Cặp đôi Trần Thiên Phước và Nguyễn Thị Yến Nhi đủ hồn nhiên và duyên dáng trong hai dạng vai tính cách gây cười nhưng cũng đủ lấy cảm xúc rưng rưng từ phía khán giả.

Thầy giáo - đạo diễn Ngọc Tưởng (bìa cùng bên phải) và các học trò

Thầy giáo, đạo diễn - diễn viên Lê Ngọc Tưởng cho biết, anh rất mừng khi thấy các học trò ngày càng trưởng thành. Nghệ thuật là một đam mê và hành trình dài mà chỉ những con người thật sự đam mê, dám cống hiến và theo đuổi tận cùng với nó mới có thể ở lại và đi tiếp trong sự nghiệp. Anh luôn đặt niềm tin và sự yêu thương dành cho các bạn trẻ, đặc biệt là các thế hệ học trò thực sự nghiêm túc gắn bó với nghề.

Nguyễn Trương Thảo Vy gây bất ngờ với vai Bà Cả Cẩm Tú mưu mô xảo quyệt

Trương Thị Như Ngọc trong vai Bà Ba Hồng Nhung đầy cá tính nhưng thật đáng thương với mối tình không trọn cùng Tứ Hải do Đặng Tuấn Kiệt thể hiện

Nguyễn Thị Bích Phượng với vai Bà Tư Quế Anh có số phận đáng thương, lấy nước mắt và tình cảm của khán giả

Đỗ Đang Trường trong vai cậu ấm với mối tình nghịch thiên khi trót yêu mẹ kế

A

Trần Thiên Phước với vai Tư Nha duyên dáng, tạo không khí cho vở diễn vốn nặng chất bi

Các diễn viên trẻ xúc động sau khi thể hiện các vai diễn. Nguyễn Thị Bích Phượng đại diện các sinh viên tốt nghiệp chia sẻ cảm xúc và tỏ lòng tri ân đến các Thầy cô 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM lấy nước mắt khán giả trong ngày thi tốt nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO