Cộng đồng

Sắp diễn ra Chương trình 'Vui khỏe mỗi ngày' tại Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM

HOÀNG NGUYỄN 28/11/2023 11:06

Nhằm nâng cao kiến thức phòng tránh các bệnh lý về cơ xương khớp và stress trong môi trường học đường, Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp với Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM với sự đồng hành của Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO tổ chức chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” chủ đề “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp và stress”.

Theo đó, chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” chủ đề “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp và stress” sẽ diễn ra vào lúc 13h30 - 15h30 ngày 29/11/2023 (Thứ 4) tại Hội trường A1.409 Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TP.HCM (KP6, Phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP.HCM).

Chương trình sẽ có sự tham dự của các cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM.

Tham gia chương trình, bác sĩ, chuyên gia của Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ trình bày chuyên đề về "Nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp và stress”.

Trong đó, BS.CKII Nguyễn Thành Tâm - Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn (thuộc Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO) trình bày chủ đề: “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp”.

TS.BS. Nguyễn Nam Hà - Trưởng đơn vị truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ trình bày chủ đề về “Nhận biết, xử trí các vấn đề về stress”.

Sau khi hai bác sĩ trình bày xong phần báo cáo, người tham dự đặt câu hỏi và bác sĩ trả lời trực tiếp.

736d0ab754bdfde3a4ac.jpg

Bệnh cơ xương khớp cần phát hiện sớm và chữa trị kịp thời

BS.CKII Nguyễn Thành Tâm - Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Chấn thương chỉnh hỉnh Sài Gòn - trình bày chủ đề “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp”.

Theo BS.CKII Nguyễn Thành Tâm, bệnh cơ xương khớp là tình trạng suy yếu chức năng của hệ thống cơ, xương, khớp, dây chằng và thần kinh khiến người bệnh sẽ bị đau, giảm khả năng di chuyển, gây trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày và giảm chất lượng cuộc sống.

bs.ckii-nguyen-thanh-tam.jpg
BS.CKII Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn.

Các bệnh lý cơ xương khớp thường gặp rất đa dạng với nhiều triệu chứng khác nhau và có thể chia thành 2 nhóm: nhóm các bệnh lý liên quan đến chấn thương và nhóm các bệnh lý không hoặc ít liên quan đến chấn thương.

Đặc biệt, hiện nay, các loại bệnh nhiều người mắc phải là bệnh thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống – thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp, gout, các bệnh về gân cơ, loãng xương... nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Phần lớn những bệnh xương khớp đều có thể phát hiện và chẩn đoán từ rất sớm, vì vậy cần thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ.

Stress cần phương pháp kiểm soát

TS.BS. Nguyễn Nam Hà - Trưởng đơn vị truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ trình bày chủ đề về “Nhận biết, xử trí các vấn đề về stress”.

Theo TS.BS. Nguyễn Nam Hà, có 2 loại stress: stress sinh lý và stress tâm lý. Dưới góc độ Tâm lý học, stress tâm lý là một trạng thái đặc biệt của cảm xúc. Trong trường hợp stress kéo dài, cường độ thấp, nó có thể được xem như là một trong những biểu hiện của tâm trạng. Ngược lại, nếu stress diễn ra đột ngột, trong một khoảng thời gian ngắn thì nó lại là sự thể hiện của xúc động.

ts.bs-nguyen-nam-ha-1.jpg
TS.BS. Nguyễn Nam Hà - Trưởng đơn vị truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Có nhiều nguyên nhân gây ra stress cho giảng viên, sinh viên như: các yêu cầu và kỳ vọng đặt vào mình trong công việc, học tập kể cả làm việc nhiều giờ hoặc khi bị ốm; các mối quan hệ - xung đột tại nơi làm việc là nguyên nhân rất lớn của căng thẳng, bao gồm quản lý vi mô, phân biệt đối xử, quấy rối, bắt nạt và văn hóa tiêu cực; thay đổi - cảm thấy khó hòa nhịp hoặc mất quyền do thay đổi nơi làm việc, vị trí việc làm, kém thay đổi về cách quản lý…

Những biểu hiện khi bị strees là thực thể mệt mỏi, chán ăn (bỏ ăn), tim đập nhanh, suy nhược cơ thể, đau vai gáy; tinh thần; tinh thần bất an, mất tập trung, hay quên, khó ngủ hoặc ngủ nhiều, không kiểm soát cảm xúc, cảm giác tách rời và có hành vi, lời nói bạo lực..., để lại nhiều hậu quả cho người bệnh. Vì vậy, cần có trang bị kiến thức và các bài tập, phương pháp để kiểm soát stress. Stress không được kiểm soát sẽ có thể gây ra bệnh tật, do làm giảm miễn dịch.

Ngoài ra, trong kiềng ba chân bảo vệ sức khoẻ, tâm lý ảnh hưởng quan trọng đến tập luyện thể dục, hấp thu dinh dưỡng.

Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” là một sáng kiến vì sức khỏe cộng đồng, do Tạp chí Khoa học phổ thông khởi xướng, nhằm mục đích nâng cao kiến thức phòng tránh các bệnh lý thường gặp với người dân tổ chức định kỳ mỗi tháng/lần. Thời gian qua, chương trình đã đến với nhiều trường học và người dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp diễn ra Chương trình 'Vui khỏe mỗi ngày' tại Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO