Sống xanh

Quản lý tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Bùi Thiện Nhân 27/06/2023 10:52

Ước tính, để có 1 tấn lúa gạo cần đến 4000 m3 nước. Mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ xấp xỉ 100 tỉ m3 nước cho gần 25 triệu tấn lúa.

Ban tổ chức Diễn đàn SUMARE - Phát triển bền vững tài nguyên và môi trường vùng biển và đồng bằng đã phối hợp cùng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa tổ chức báo cáo chuyên đề “Quản lý tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. Báo cáo do PGS.TS. Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ) trình bày.

pgs-le-anh-tuan.jpg
PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Trường ĐH Cần Thơ (thứ 5 từ phải qua) trình bày “Quản lý tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Đồng bằng sông Cửu Long: “Vựa lúa gạo” dễ bị tổn thương

PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho biết, tuy nguồn nước là vô tận và khí hậu là một phần của tự nhiên, nhưng nếu không biết cách quản lý hiệu quả thì sẽ mang lại những tác động, hậu quả khôn lường.

Theo ông, bảo vệ nguồn tài nguyên nước bấy lâu nay thường được hiểu là để sử dụng cho sản xuất nông nghiệp là chính. Khi nói đến nước, mọi người thường nghĩ đến khối lượng hơn là chất lượng nước. Tuy nhiên, ở góc độ của một nhà chuyên môn nghiên cứu, ông thấy Đồng Bằng sông Cửu Long không chỉ đối mặt với vấn đề lượng mà còn là chất, đồng thời còn liên quan đến đồng thái nước.

Là hạ nguồn cuối cùng của hệ thống sông Mekong, mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long nhận xấp xỉ 500 tỷ m3 nước từ thượng nguồn đổ về. Lưu lượng trung bình của sông Mekong vào mùa lũ khoảng 39.000m3/giây nhưng vào mùa khô dòng chảy từ thượng nguồn đến đồng bằng giảm thảm hại, trung bình chỉ còn 2.500m3 /giây. Mùa khô lượng nước thiếu dễ gây nhiễm mặn, trong khi đó, mùa lũ hình thành trong mùa mưa có những diễn biến bất thường.

Mặc dù vậy, theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng không có nhiều lo ngại về an ninh lương thực bởi đây là nơi sản xuất lúa gạo lớn nhất Việt Nam.

Theo thống kê, Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng lúa từ 1,60 - 1,75 triệu ha/2,1 triệu ha tổng diện tích đất nông nghiệp. Cứ bình quân 100 ngày sẽ có đến 7 tấn gạo được sản xuất ra tại đây và không vùng đồng bằng nào có năng suất sinh học cao như vậy. Sản lượng năng suất liên tục tăng qua từng năm và cao nhất vào năm 2013 với 24.850.000 tấn.

lua-dbscl.jpg
“Vựa lúa gạo” Đồng bằng sông Cửu Long đang bị tổn thương. Ảnh minh họa

Để phục vụ cho nền nông nghiệp sản xuất lúa và sinh hoạt của hơn 18 triệu người dân hằng ngày, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh đào dày đặc. Tổng chiều dài các con kênh đã được đào ở Đồng bằng Sông Cửu Long là 91.064km, hơn 2 lần so với đường xích đạo Trái Đất (chu vi là 40.075km).

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải trả giá rất lớn. Vì theo ước tính, để có 1 tấn lúa gạo sẽ phải sử dụng đến 4000 m3 nước. Theo đó, mỗi năm vùng đất này sẽ tiêu thụ xấp xỉ 100 tỉ m3 nước cho gần 25 triệu tấn lúa. Đây là một con số lượng nước khổng lồ, đáng để suy ngẫm. Ông cũng cho biết, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng dễ bị tổng thương do tất cả cư dân đang sống trong vùng ven biển có cao độ dưới 10m.

Những thách thức trong an ninh nguồn nước

PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang đối diện với 3 thách thức lớn, trong đó có những yếu tố bên trong và bên ngoài. Đó là sự xuất hiện các đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong cùng việc biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động rất nhiều đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, sự phát triển không bền vững cũng gây ra nhiều ảnh hưởng, nhất là việc suy thoái tài nguyên thiên nhiên.

Cụ thể, theo ông, việc xây dựng các đập nước trên sông sẽ khiến cho hàng ngàn người dân bị mất chỗ ở, chế độ dòng chảy bị thay đổi, hàng triệu tấn phù sa bị lấy mất dẫn đến gia tăng sạt lở, sụt lún bờ sông, bờ biển. Ông cũng đưa ra cảnh báo, việc xây dựng các đập nước trên sông Mekong sẽ cắt đứt giao thông đường thủy, đe dọa nghiêm trọng nguồn cá, sút giảm tính đa dạng sinh học, thu hẹp các khu đất ngập nước quan trọng và nhiều rủi ro tiềm ẩn chưa thể dự kiến hết được.

Ông đánh giá, việc biến đổi khí hậu và nước biển dâng là một trong những thách thức vô cùng to lớn đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng lũ lụt, khô hạn, sạt lở, xâm nhập mặn, bão và lốc xoáy hằng năm diễn thất thường và khó lường.

Theo thống kê, tốc độ sạt lở bờ sông và bờ biển ngày càng mạnh. Bình quân mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long mất chừng 550 ha đất tự nhiên do sạt lở. Tình trạng sạt lở xảy ra nhiều trong giai đoạn chuyển mùa (từ mùa mưa sang mùa nắng).

nguon-nuoc-dbscl.jpg
Xu thế lũ lớn và lũ trung bình tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm đi, trong khi đó, lũ nhỏ lại tăng lên. Điều đó dẫn đến giảm nguồn nước cả về mùa mưa và mùa khô. Ảnh minh họa

So sánh mực nước đỉnh lũ tại Trạm Tân Châu cho 2 giai đoạn 2000-2009 và 2010-2021 cũng cho thấy, xu thế lũ lớn và lũ trung bình đang giảm đi, trong khi đó, lũ nhỏ lại tăng lên. Cụ thể, từ năm 2000 - 2009 có 3 trận lũ lớn, 6 trận lũ trung bình và 1 trận lũ nhỏ. Từ 2010 - 2021 có 1 trận lũ lớn, 3 trân lũ trung bình và 8 trận lũ nhỏ.

Các chuyên gia cũng lo ngại rằng tình trạng giảm nguồn nước cả về mùa mưa và mùa khô, cộng thêm mực nước biển dâng và lún sụt đồng bằng khiến xu hướng gia tăng sự xâm nhập mặn trong mùa khô, đặc biệt là những năm có sự quay trở lại của hiện tượng El-Nino như năm 2016 và năm nay, 2023.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn cũng bày tỏ sự lo ngại về việc thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, dẫn đến nạn khai thác nước dưới đất ở các vùng ven biển đang ở mức báo động, tạo hệ quả sụt giảm tầng nước ngầm, gây nên tình trạng sụt lún đất mặt và xâm nhập mặn vào các tầng nước dưới đất.

Sông Mekong cung cấp nguồn nước, nguồn thủy sản, nguồn phù sa hình thành hệ sinh thái đồng bằng cho vùng hạ lưu, là nơi cung cấp lương thực và thực phẩm cho hàng triệu người và các sinh vật khác.

Chính vì vậy, cần xem cả hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long như một cơ thể sống. Trong đó, dòng sông là các mạch máu bên trong, đất đai là xương thịt hình hài, cây trái sinh vật là diện mạo và nền văn minh sông nước chính là tâm hồn và tính cách.

Nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với 6 thách thức: Phát triển chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, thay đổi sử dụng đất, suy giảm chất lượng môi trường đất - nước, khai thác tài nguyên quá mức, gia tăng dân số và di dân, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đâu là giải pháp quản lý nguồn nước?

Về vấn đề quản lý nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, tùy từng vấn đề cụ thể mà đưa ra những giải pháp thích hợp, có thể là điều chỉnh, cải thiện, kiểm soát, ngăn chặn hoặc thích ứng.

Ông cũng đưa ra các giải pháp đáng lưu ý như: Cắt giảm công nghiệp xả thải thiếu kiểm soát; sự tham gia của người dân trong quản trị nước; tăng cường bảo tồn nguồn nước và sử dụng nước hợp lý; quan trắc và giám sát chất lượng nước; chia sẻ nguồn nước theo liên kết vùng; tiếp tục đối phó với các vấn đề nguồn nước xuyên biên giới, đặc biệt là thủy điện; siết chặt luật lệ về kiểm soát nguồn nước.

Để quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu một cách an toàn và hiệu quả, theo ông nên thiên về giải pháp dựa vào thiên nhiên, bởi đây là sự lựa chọn cho phát triển bền vững. Đơn cử, sự mất mát về vùng nước lợ hiện đang gây hệ quả suy giảm một số loại cây (như dừa nước), con (cá trắng) và sinh cảnh đặc trưng.

Hệ sinh thái sông ngòi (riverine ecosystem) đã bị chuyển sang hệ sinh thái hồ (lacustrine ecosystem). Thậm chí, các công trình cống, đập, đê bao ngăn mặn ven biển có thể làm nước mặn theo thủy triền đi sâu hơn vào nội đồng. Muốn vậy, cần sự chung tay, góp sức của một tập thể lớn để bảo vệ và gây dựng một hệ sinh thái nguồn nước sạch.

Phân vùng quản lý nguồn nước
Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có thể được chia thành 3 vùng chính với định hướng lâu dài và tầm nhìn đến 2050:
- Vùng nước ngọt: Lùi vùng ngọt vào khu vực an toàn tự nhiên, không can thiệp
- Vùng chuyển tiếp: Chấp nhận ngọt - mặn theo mùa, chỉ điều tiết, không ngăn mặn.
- Vùng mặn: Tuần hoàn nước biển, phát triển thuỷ sản và phục hồi sinh thái

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO