ThS. Thái Ngọc Thịnh, Trường đại học giao thông vận tải TP.HCM cho rằng cách “làm mát” lốp xe như vậy có tác dụng giảm nhiệt độ cho thân lốp và giữ cho áp suất hơi của lốp ở mức độ an toàn. Tuy nhiên, giải pháp này khó có tác dụng cho lốp xe đi trên đường dài, đi với tốc độ cao vì độ sinh nhiệt sẽ tăng rất nhanh. Hơn nữa, sự bào mòn lốp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, có liên quan đến chất lượng lốp, tình trạng mặt đường...
Về tình trạng nổ lốp xe trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, theo ông Nguyễn Hữu Trí, trưởng phòng kiểm định xe cơ giới, Cục đăng kiểm, lốp xe bị nổ là do nhiều nguyên nhân như tài xế sử dụng lốp quá thời gian sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất; sử dụng lốp có chỉ số tốc độ cho phép tối thiểu không phù hợp với tốc độ vận hành trên đường cao tốc; lắp đặt không đúng chiều hoa lốp với bánh dẫn hướng đối với một số loại lốp có yêu cầu; bơm hơi lốp quá áp suất tiêu chuẩn hoặc có nguyên nhân do nhà xe chở quá tải... Do vậy, phun nước vào bánh xe cũng chỉ là cách phòng ngừa “cho yên tâm”. Vấn đề là lốp xe phải đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật, phải được kiểm định an toàn.
Thay vì phun nước lốp xe trước khi cho xe vào đường cao tốc, tài xế và chủ xe nên kiểm tra toàn diện tình trạng của lốp. Có trường hợp lốp xe mới, chỉ chạy một thời gian ngắn trên đường cao tốc thì vẫn nổ. Điều này, ngoài yếu tố chất lượng lốp còn có liên quan đến áp suất lốp xe vì đây là nhân tố có tác động đáng kể đến độ bền của lốp. Khi áp suất lốp quá cao so với quy định, chỉ có phần giữa của lớp ta-lông tiếp xúc với mặt đường nên sẽ bị mòn rất nhanh. Hiện tượng này càng trầm trọng hơn khi xe chuyển động trên đường cao tốc do vận tốc góc của bánh xe khi đó rất lớn. Ngược lại, khi áp suất lốp quá thấp, khung lốp bị xẹp và vai lốp bị mòn rất nhanh. Sự biến dạng của lốp sẽ làm tăng mạnh nhiệt độ bên trong lốp. Khi chuyển động trên đường cao tốc, kết hợp với nhiệt độ cao trên bề mặt lốp sẽ làm cho lốp dễ bị nổ...