Phối hợp liên viện cứu sống sản phụ bị suy đa tạng sau khi mổ lấy song thai
Sau 10 ngày điều trị tích cực, sản phụ đã ổn định hoàn toàn chức năng tạng, phục hồi bình thường chức năng vận động, được xuất viện và vui mừng chào đón hai thiên thần nhỏ.
Đó là trường hợp của chị N.T.N, 34 tuổi, ngụ tại TP.HCM, mang thai lần thứ 2, song thai, với thai kỳ phát triển bình thường. Đến tuần 35, chị N. bị sốt, vàng da, có dấu hiệu chuyển dạ và được đưa đến bệnh viện chuyên khoa sản vào ngày 5/7. Tại đây, sau khi thực hiện các xét nghiệm, chị N được chẩn đoán mắc tiền căn viêm giáp tự miễn Hashimoto - tình trạng rối loạn tự miễn dịch gây suy giáp mạn tính.
Hậu quả sản phụ bị tăng men gan cao, chức năng thận suy giảm cấp tính mức độ nặng, giảm tiểu cầu, rối loạn các yếu tố đông máu. Các bác sĩ sản khoa đã nhanh chóng mổ lấy thai khẩn cấp. Cặp song sinh là hai bé gái chào đời khỏe mạnh tuy nhiên người mẹ rơi vào tình trạng nguy kịch và hội chẩn khẩn với các chuyên gia hồi sức của Bệnh viện Nhân dân Gia Định ngay trong lúc phẫu thuật để có kế hoạch hồi sức bệnh lý nguy kịch của chị N.
Sau khi mổ lấy thai, sản phụ N được chuyển đến Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định để tiếp tục hồi sức chuyên sâu. Lúc này, sản phụ trong tình trạng tri giác lơ mơ do suy gan cấp và tình trạng suy đa tạng diễn tiến rất nhanh với biểu hiện không có nước tiểu, phù toàn thân, suy hô hấp, vàng da, vàng mắt nặng.
Bên cạnh đó, sản phụ còn trong tình trạng đông máu nội mạch lan tỏa, máu âm đạo và máu vết mổ lấy thai vẫn tiếp tục chảy khó cầm. Với kết quả xét nghiệm ban đầu, sản phụ được chẩn đoán viêm gan tự miễn – nhiễm trùng huyết trên bệnh nền viêm giáp Hashimoto. Các bác sĩ tiến hành thay huyết tương, lọc máu liên tục, hỗ trợ hô hấp và tăng sức co bóp cơ tim cho chị N.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Văn Trắng, người điều trị chính cho sản phụ chia sẻ: “Sản phụ được hồi sức tổng cộng 1.000 ml hồng cầu lắng, 800 ml huyết tương tươi, 1.000 ml kết tủa lạnh, 4 khối tiểu cầu đậm đặc, thay huyết tương 4 liên tục chu kỳ, kết hợp lọc máu liên tục”.
Sau 7 ngày điều trị tích cực, tình trạng suy đa tạng và xuất huyết của sản phụ N dần ổn định. Đến ngày 22/7, bệnh nhân N ổn định hoàn toàn chức năng tạng, phục hồi bình thường chức năng vận động. Sau 14 ngày hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi, chị N vui mừng khôn tả khi lần đầu tiên gặp mặt hai thiên thần nhỏ đáng yêu kể từ khi sinh và được ra viện.
Viêm gan tự miễn trên bệnh nền viêm giáp Hashimoto trong thai kỳ gây biến chứng nguy hiểm nhiễm trùng huyết như chị N là tình trạng hiếm gặp. Bệnh diễn biến thầm lặng, thường không có biểu hiện rõ ràng, chỉ phát hiện khi tuyến giáp to hoặc qua xét nghiệm máu kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cho đến nay, vẫn chưa có cách nào để ngăn ngừa bệnh viêm gan tự miễn.
Vì thế, điều tốt nhất chúng ta có thể làm để cải thiện sức khỏe là: Thực hiện cách sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, khoa học; Tiêm phòng các loại vaccine ngăn ngừa viêm gan B, C; Hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia. Đồng thời, thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần để phát hiện và điều trị bệnh sớm. Đặc biệt với phụ nữ mang thai nên khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ khám, tư vấn, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.