Sống xanh

Phát triển du lịch xanh và bền vững ở Cần Giờ

PGS.TS Phạm Trung Lương - Viện Môi trường và Phát triển Bền vững (VESDI) 06/11/2023 14:03

Ở Cần Giờ, các loại hình du lịch xanh gồm: du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với du lịch thể thao; du lịch sinh thái ở sinh cảnh hệ sinh thái đất ngập nước ven biển; du lịch sông nước gắn với du lịch làng nghề, trải nghiệm cuộc sống người dân; du lịch văn hóa gắn với lễ hội tâm linh…

Với đặc điểm và tiềm năng tài nguyên du lịch, các loại hình/sản phẩm du lịch của Cần Giờ khá đa dạng và phong phú.

Cần Giờ: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn gắn với trang trại

Đối với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, việc phát triển “Du lịch xanh” có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Chính vì vậy một trong 3 mục tiêu cụ thể của Chiến lược đã xác định “Phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Khẳng định môi trường là yếu tố hấp dẫn du lịch, đảm bảo chất lượng và giá trị hưởng thụ du lịch, thương hiệu du lịch. Các dự án phát triển du lịch phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về môi trường.

khu-du-lich-can-gio.jpg
Lãnh đạo các cơ quan báo chí TP.HCM về nguồn ở Cần Giờ.

Trong những loại hình/sản phẩm du lịch trên, du lịch sinh thái được ưu tiên phát triển trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam bởi đó là loại hình “Du lịch xanh” điển hình, dựa trên lợi thế so sánh của Việt Nam với sự đa dạng về các kiểu sinh cảnh rừng, sinh cảnh biển - đảo, đồng thời đáp ứng được xu thế “cầu” về du lịch của khu vực và quốc tế; tiếp cận phát triển bền vững, góp phần vào bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam.

Bên cạnh du lịch sinh thái, du lịch nông thôn gắn với trang trại, miệt vườn cũng được xem là loại hình “Du lịch xanh” rất đặc thù của đất nước nói chung và ở Cần Giờ nói riêng, nơi có tới gần 70% dân số sống ở vùng nông thôn, thu hút được sự quan tâm của du khách.

Cùng với việc ưu tiên phát triển các loại hình/sản phẩm “Du lịch xanh” trên, các hoạt động phát triển du lịch cần tuân thủ các nguyên tắc của phát triển bền vững, đặc biệt trong khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, quản lý tác động của du lịch, đặc biệt là chất thải từ hoạt động du lịch ra môi trường, khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn môi trường, trong đó có tiêu chuẩn “Bông Sen xanh” trong dịch vụ du lịch và ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường.

Du lịch xanh Cần Giờ chưa xác định “độc đáo, duy nhất, nguyên bản và đại diện”

Mặc dù đã có được định hướng cho phát triển du lịch Việt Nam nói chung và hoạt động phát triển “Du lịch xanh” nói riêng nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, tuy nhiên trong thực tế việc phát triển “Du lịch xanh” ở Việt Nam nói chung và tại Cần Giờ - TPHCM thời gian qua còn chưa được như mong muốn.

can-gio.jpg
Ở Cần Giờ, một trong các loại hình du lịch xanh là du lịch văn hóa gắn với lễ hội…

Phát triển loại hình/sản phẩm “Du lịch xanh” còn thiếu những căn cứ khoa học cần thiết, đặc biệt trong việc xác định “tính hấp dẫn, độc đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện” của tài nguyên du lịch lồng ghép với các dịch vụ, hoạt động “xanh”.

Đây là nguyên nhân cơ bản của tình trạng cho đến nay du lịch Cần Giờ còn thiếu những sản phẩm du lịch “xanh” đặc thù ở cấp độ vùng và ở cấp quốc gia, để thu hút khách du lịch quốc tế đến với Cần Giờ.

Nhiều tài nguyên du lịch có được tất cả những đặc tính cần thiết để phát triển thành sản phẩm “Du lịch xanh” đặc thù của Cần Giờ và TPHCM đã không được khai thác một cách hợp lý, thậm chí còn bị “biến dạng” bởi những “ý tưởng” thiếu căn cứ khoa học.

Ví dụ, tính “xanh” trong các dịch vụ du lịch trải nghiệm ở Cần Giờ như “câu cá sấu”, vận chuyển khách trên sông... chưa đúng với bản chất của du lịch sinh thái; thiếu các tour du lịch trải nghiệm các sinh cảnh đặc thù rừng đước lớn nhất vùng cửa sông ven biển Đông Nam Bộ để tạo ra tính “xanh” của loại hình/sản phẩm “Du lịch xanh”.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ với diện tích tới 11,16% tổng diện tích rừng ngập mặn cả nước và 83,21% tổng diện tích rừng ngập mặn vùng Đông Nam bộ là môi trường tạo nên tính đa dạng sinh học cao.

Kết quả điều tra cho thấy về động vật đã phát hiện khoảng 700 hệ thủy sinh không xương sống, khoảng 89 loài côn trùng, 282 loài cá, hơn 36 loài lưỡng cư, 36 loài bò sát, trên 164 loài chim và 35 loài thú; trong đó có 11 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam, như: tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, cá sấu hoa cà… Về thực vật, hiện có khoảng 150 loài, trở thành nguồn thức ăn và nơi trú ngụ cho nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.

Phát triển sản phẩm với mục tiêu kinh doanh ngắn hạn: nhằm giảm chi phí và tăng thu, nhiều công ty du lịch thay vì phải tiến hành điều tra khảo sát xây dựng chương trình tour, đánh giá “cung - cầu”... để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế du lịch “xanh” đã tiến hành việc “sao chép” sản phẩm du lịch của các công ty khác. Đây là tình trạng khá phổ biến hiện nay ở các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch nói chung, sản phẩm “Du lịch xanh” nói riêng ở Cần Giờ.

rung-ngap-man-can-gio-anh-minh-hoa.jpg
Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ với diện tích tới 11,16% tổng diện tích rừng ngập mặn cả nước và 83,21% tổng diện tích rừng ngập mặn vùng Đông Nam bộ. Ảnh minh họa

Phát triển sản phẩm chưa đúng với bản chất do sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư. Thể hiện điển hình nhất của tình trạng này là việc phát triển các sản phẩm “du lịch sinh thái” - loại sản phẩm du lịch được xem là “xanh” điển hình, theo đó phần lớn các sản phẩm du lịch sinh thái hiện nay ở Cần Giờ đều chưa đúng với bản chất của loại hình du lịch này.

Việc thiếu nội dung về “giáo dục môi trường”; “có sự đóng góp cho nỗ lực bảo tồn”; và “có sự tham gia tích cực của cộng đồng” trong cấu thành sản phẩm du lịch sinh thái được xem là phổ biến trong phát triển du lịch sinh thái ở Cần Giờ. Kết quả của tình trạng này đã ảnh hưởng đến “hình ảnh” về sản phẩm du lịch Cần Giờ nói chung, về sản phẩm du lịch sinh thái nói riêng.

Trong nhiều trường hợp điều này đã làm thất vọng đối với những gì mà khách du lịch sinh thái kỳ vọng ở du lịch khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nơi có sự đa dạng về sinh cảnh với tính đa dạng sinh học cao, trong đó có nhiều loài sinh vật quý hiếm có giá trị toàn cầu.

Thực trạng về phát triển “Du lịch xanh” trên đây ở Cần Giờ cùng với tình trạng thiếu vắng những sản phẩm du lịch “xanh” đặc thù đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh, tính hấp dẫn du lịch của điểm đến “Du lịch Cần Giờ” - khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam.

Trong đó, yếu tố “sản phẩm” được xem là yếu tố có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, nếu không nói là quyết định. Tình trạng này cũng tương tự khi nói đến tính cạnh tranh, hấp dẫn du lịch của các địa phương, trong đó có TPHCM nói chung và Cần Giờ.

du-lich-can-gio-1.jpg
TPHCM đã có nhiều chương trình hành động cụ thể nhằm phát triển“Du lịch xanh” đặc thù cho Cần Giờ.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, tuy nhiên một trong những nguyên nhân cơ bản là nhận thức xã hội, đặc biệt nhận thức của các nhà quản lý, về tầm quan trọng của phát triển “Du lịch xanh” đối với việc nâng cao sức cạnh tranh của du lịch những điểm đến xanh như Cần Giờ cũng như như năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ chiến lược này còn nhiều hạn chế.

Giải pháp cơ bản để phát triển “Du lịch xanh” góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH ở Cần Giờ

Căn cứ vào những vấn đề lý luận đã phân tích và thực trạng phát triển “Du lịch xanh” ở Cần Giờ thời gian qua, một số giải pháp cơ bản cần được xem xét thực hiện bao gồm:

Nâng cao nhận thức xã hội

Trước hết là nhận thức của các nhà quản lý các cấp, về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển “Du lịch xanh”, nhất là các sản phẩm “Du lịch xanh” đặc thù, nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch TPHCM nói chung, đặc biệt là điểm đến Cần Giờ trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Nhận thức này cần được chuyển hóa thành hành động cụ thể trong hoạt động tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, trong thẩm định các dự án đầu tư phát triển sản phẩm “Du lịch xanh” ở TPHCM và Cần Giờ.

Xây dựng và phát triển sản phẩm “Du lịch xanh” đặc thù cho Cần Giờ

Trên cơ sở định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, TPHCM cần tổ chức xây dựng một số chương trình hành động cụ thể phát triển các sản phẩm “Du lịch xanh” đặc thù cho Cần Giờ.

Những chương trình này cần được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản có định hướng về tài nguyên du lịch tự nhiên đặc thù của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; khuyến khích và tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch và trong các dịch vụ du lịch với những điều kiện cụ thể ở địa phương Cần Giờ.

Ở đây cần đặc biệt chú trọng đối với việc khai thác các giá trị sinh cảnh của hệ sinh thái đất ngập nước ven biển rừng đước; các tri thức bản địa trong phát triển “xanh” của địa phương Cần Giờ.

Để có được hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện các Chương trình hành động trên đối với các nhà quản lý, các nhà đầu tư của thành phố, cần thiết phải có được đánh giá toàn diện có tính hệ thống về các sản phẩm “Du lịch xanh” ở TPHCM và Cần Giờ, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù.

Trên cơ sở những đánh giá này mới có thể xác định được sản phẩm du lịch nào cần được “nâng cấp” hoàn thiện và sản phẩm du lịch nào cần được phát triển mới theo hướng “xanh”.

202210101020494776.jpg
Chú trọng đối với việc khai thác các giá trị sinh cảnh của hệ sinh thái đất ngập nước ven biển rừng đước

Nâng cao hiệu quả quản lý và hướng dẫn đối với các dự án đầu tư phát triển “Du lịch xanh”

Đặc biệt là phát triển sản phẩm “Du lịch xanh” thông qua việc xây dựng các tiêu chí và đưa vào áp dụng trong thực tiễn; đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thẩm định các dự án đầu tư của các cơ quản quản lý có thẩm quyền, tư vấn du lịch. Ở đây vấn đề nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý và tư vấn du lịch cần được đặt ra một cách nghiêm túc.

Thực tế cho thấy năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý và tư vấn các dự án phát triển du lịch nói chung, phát triển “Du lịch xanh” nói riêng ở Việt Nam nói chung và ở TP. HCM nói riêng còn rất hạn chế. Tình trạng này đã và đang là một trong những nguyên nhân của những hạn chế đối với phát triển “Du lịch xanh” ở Cần Giờ như đã được đề cập ở trên.

Thẩm định các dự án phát triển “Du lịch xanh”

Cơ chế phân cấp xét duyệt các dự án đầu tư phát triển du lịch hiện nay đã tạo điều kiện để các địa phương chủ động, đẩy nhanh quá trình đầu tư phát triển du lịch nói chung, phát triển các sản phẩm “Du lịch xanh” nói riêng.

Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, khi năng lực thẩm định của các địa phương nhìn chung còn hạn chế, vì vậy đòi hỏi cần có sự hợp tác liên kết, tham vấn với các cơ quan quản lý, tư vấn vùng và Trung ương đối với những dự án phát triển “Du lịch xanh” nói chung và phát triển sản phẩm “Du lịch xanh” có ý nghĩa quan trọng, đặc thù hoặc nằm trong các khu vực nhạy cảm về môi trường sinh thái.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với TPHCM được xác định là trung tâm du lịch không chỉ của vùng Đông Nam Bộ mà còn của cả khu vực phía Nam đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường du lịch

Theo đó là nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích phát triển du lịch “Du lịch xanh” với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương ở Cần Giờ.

Việc thực hiện một số giải pháp cơ bản trên đây sẽ góp phần tích cực vào phát triển “Du lịch xanh”, đặc biệt là quá trình hình thành hệ thống các sản phẩm “Du lịch xanh” đặc thù của điểm đến Cần Giờ, góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH ở TPHCM và huyện Cần Giờ cũng như tạo ra sự khác biệt, nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Cần Giờ hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu.

Phát triển thị trường carbon từ rừng ngập mặn Cần Giờ

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, Cần Giờ có hơn 33.000ha rừng ngập mặn, chiếm hơn 45% diện tích tự nhiên... Trước đây, rừng ngập mặn Cần Giờ chỉ sử dụng để nghiên cứu, tham quan, học tập, kết hợp du lịch sinh thái, hiện nay với Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đã có cơ hội khai thác tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Trong thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ tích cực phối hợp với các sở ngành, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất thành phố những định hướng, giải pháp để vừa phát huy giá trị, vừa giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và tạo ra nền tảng, môi trường, điều kiện cho sự phát triển bền vững.

Liên quan đến phát triển thị trường carbon, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đã phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) thành lập Nhóm công tác chung giữa hai cơ quan về sự phát triển toàn diện, bền vững của TP.HCM.

Hai bên đã thống nhất triển khai thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm: nâng cấp công nghệ LED cho hệ thống chiếu sáng đường phố; chuyển đổi xe máy điện và thúc đẩy năng lượng tái tạo thông qua năng lượng mặt trời mái nhà.

Theo tính toán sơ bộ của ThS Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Ban Quản lý Rừng Phòng hộ huyện Cần Giờ, rừng ngập mặn Cần Giờ có thể hấp thụ gần 11 triệu tấn CO2/ha; cung cấp khoảng 8 triệu tấn CO2/ha; tích tụ khoảng 3 triệu tấn CO2/ha và có giá trị trao đổi CO2 khoảng 77 triệu USD/ha/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch xanh và bền vững ở Cần Giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO