Nông sản Việt Nam ít có nhãn mác, bao bì

Khởi Giao| 18/10/2022 12:11

Việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc xuất xứ trên thực tế là khó đáp ứng được bởi gần như toàn bộ hàng tươi sống xuất xứ Việt Nam nhập chợ (trừ thịt heo có đeo vòng) không có nhãn mác, không tên nhà sản xuất, ngày bao gói, trọng lượng…

Ngày 18/10/2022, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội thảo “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam.”

Nông sản Việt Nam đang không có nhãn mãc, xuất xứ

Theo TS NguyễnThị Hồng Minh - Chủ  tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), các chợ đầu mối như Thủ Đức, Hóc Môn đều có nội quy, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức cơ bản: không được kinh doanh hàng hóa có sử dụng chất cấm, hàng hóa nhập chọ phải có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hàng nhập khẩu phải có phụ đề bằng tiếng Việt.

“Ban quản lý chợ có tổ chức tập huấn, cập nhật các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và khám sức khỏe định kỳ cho thương nhân và nhân công tại chợ. Tuy nhiên việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trên thực tế là không đáp ứng được yêu cầu bởi gần như phần lớn hàng tươi sống xuất xứ Việt Nam nhập chợ (trừ thịt heo có đeo vòng) không có nhãn mác, không tên nhà sản xuất, ngày bao gói, trọng lượng…,” TS Hồng Minh cho biết.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chủ trì hội thảo “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam.”

Hàng nhập khẩu thường bao bì có ghi tên nhà xuất khẩu, trọng lượng, nơi xuất xứ nhưng rất chung chung. Các lô hàng nhập khẩu đều có giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu, tương đối đầy đủ các nội dung chứng nhận cần thiết.

Nhưng trên bao bì chưa thể hiện đầy đủ các thông tin cần thiết như tên nhà sản xuất, địa chỉ cụ thể của nhà sản xuất, không có dấu hiệu hay tên của hệ tiêu chuẩn tương đương tiêu chuẩn VN mà nhà sản xuất nước ngoài được chứng nhận.

Theo đại diện của AFT, ban quản lý chợ phản ánh rằng đội quản lý an toàn vệ sinh có lấy mẫu định kỳ kiểm nghiệm nhưng với hàng tươi sống, khi có kết quả kiểm nghiệm, hàng đã tiêu thụ xong.

“Thực phẩm an toàn cho người VN - một vấn đề tồn tại đã từ lâu, nhưng không được giải quyết rốt ráo, triệt để, làm cho người dân luôn thường trực nỗi bất an khi tiêu dùng thực phẩm. Tôi cho rằng đây là hội nghị lịch sử đánh dấu cột mốc quan trọng của sự chuyển hướng của ngành nông nghiệp Việt Nam sang thay đổi về chất thay vì lấy số lượng, sản lượng làm chỉ tiêu phấn đấu,” TS. NguyễnThị Hồng Minh - Chủ  tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), nói.

Trách nhiệm của chuỗi thương mại thực phẩm mà các chợ đầu mối, các chuỗi siêu thị, các chuỗi cửa hàng thực phẩm cao cấp đóng vai trò chính. Vậy ở bình diện chuỗi thực phẩm của quốc gia, đâu là đầu vào chính yếu để đảm bảo đầu ra được an toàn?

Tại hội thảo, các chuyên gia kiến nghị, các cơ quan quản lý cần tập trung vào kiểm soát quá trình, lấy mẫu kiểm tra sản phẩm cuối cùng. Theo đó, sớm ban hành quy định bắt buộc thời hạn áp dụng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh với các cơ sở trồng trọt chăn nuôi, chẳng hạn như VietGAP cho trồng trọt, HACCP cho chế biến, kho trữ, khu tập kết, bao gói thực phẩm; cũng như ban hành tiêu chuẩn điều kiện kinh doanh và nâng cấp tiêu chuẩn vệ sinh với các chợ đầu mối, cảng/chợ cá.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng Cao, cho biết nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam vẫn đang đối diện nỗi lo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí, cọng hành lá dùng làm gia vị trong gói mì tôm cũng không dễ đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của khách hàng nước ngoài như Hàn Quốc. 

Nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đang làm với tư tưởng đối phó; chưa có ý thức làm chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến tới xuất khẩu. 

Đối với các bao bì chứa rau củ quả, thực phẩm tươi sống đưa ra thị trường phải có nhãn mác với đầy đủ tên nhà sản xuất, ngày thu hoạch, trọng lượng với quy định thời hạn bắt buộc; số giấy chứng nhận và logo của giấy chứng nhận an toàn vệ sinh.

Tập trung xây thực phẩm sạch

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, chia sẻ, để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, chúng ta tập trung vào xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn.

“Ban Quản lý An toàn Thực phẩm tăng thanh kiểm tra xử lý vi phạm, tăng giám sát chất lượng, từ đó tăng thực phẩm sạch. Chúng tôi cũng đã ký kết với khoảng 15 tỉnh thành, và các Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn các tỉnh thành đã tổ chức tập huấn và giám sát tại chỗ. Gíam sát chất lượng với kiểm nghiệm 2.140 mẫu sản phẩm, trong đó 2126 đạt (99,34%),” Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đã kết nối tiêu thụ sản phẩm vào trường học, nhà hàng, siêu thị…; thực hiện quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, thịt heo vào các chợ đầu mối đã được kiểm tra nguồn gốc bằng cả giấy kiểm dịch và vòng truy xuất. Như vậy, chắc chắn chất lượng an toàn thực phẩm cải thiện hơn so với trước kia thịt heo được giết mổ thủ công, manh mún, chỉ kiểm soát giấy tờ.

Tuy nhiên, còn rất nhiều heo từ tỉnh chuyển về do đó, bà Phong Lan cho rằng chính sách quản lý an toàn thực phẩm, minh bạch nguồn gốc xuất xứ phải đồng bộ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đi kiểm tra an toàn thực phẩm, nông sản tại TP.HCM

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, yêu cầu  việc đảm bảo an toàn thực phẩm cần tránh tư duy khẩu hiệu. Trách nhiệm với an toàn thực phẩm là hằng ngày, hằng giờ và của toàn xã hội cũng như từng người dân.

“Đừng chờ tới “tháng hành động vì an toàn thực phẩm” mới vào cuộc. Nếu dồn hết gánh nặng pháp lý cho cơ quan nhà nước, trách nhiệm của xã hội ở đâu, trách nhiệm của doanh nghiệp ở đâu. Nhất là với nông dân, thành phần chính trong nền nông nghiệp vốn vẫn còn manh mún của Việt Nam,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo“Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam.”

Đằng sau câu chuyện an toàn thực phẩm, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, không đơn thuần chỉ là “mua đứt bán đoạn”, mà ở đó, cộng đồng doanh nghiệp hướng đến việc tạo ra giá trị xung quanh nông sản. Doanh nghiệp cần nhìn nông dân như “đối tác làm ăn qua thương vụ”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết một cái chợ đầu mối Bình Điền, mỗi buổi sáng có gần 20.000 người đến giao dịch hàng hóa, làm sao có lực lượng chức năng nào kiểm soát nổi. Vậy kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc sản phẩm phải đi từ khâu sản xuất, phải có mạng lưới liên kết và hợp tác và kiểm soát lẫn nhau.

Nhiều người và thậm chí các cơ quan quản lý nhà nước cũng có tâm lý “xem xem cái đó có phải trách nhiệm được phân công hay không”.

“Vì trách nhiệm đối với chính bản thân và con em chúng ta, chúng ta phải cùng làm. Nhà sản xuất phải có trách nhiệm với sản phẩm hàng hóa và uy tín, danh dự của mình; không nên xem các chứng nhận an toàn thực phẩm là giấy thông hành để lọt qua cửa nọ cửa kia mà phải làm ra sản phẩm vì sức khỏe và tạo niềm tin cho xã hội,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo TS NguyễnThị Hồng Minh - Chủ  tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), trên thị trường, nhà sản xuất lấy logo của đơn vị chứng nhận, có bao nhiêu đơn vị chứng nhận có bấy nhiêu logo, khiến người tiêu dùng không thể nhận diện logo VietGAP nào là đúng. Trong khi đó Global Gap chỉ có 1 logo.

Vì vậy bà kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét quy định thống nhất bộ nhận diện áp dụng chung cho doanh nghiệp được chứng nhận VietGAP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản Việt Nam ít có nhãn mác, bao bì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO