Nông nghiệp xanh và cánh đồng hạnh phúc

Diệp Khuê| 23/01/2023 14:50

Trên ruộng cây lúa hữu cơ trĩu hạt; dưới ruộng tôm càng, tôm sú, cua và cá đồng an lành sinh sôi; bên bờ rau màu khoe sắc… Đó là hình ảnh về cánh đồng canh tác theo hướng hữu cơ tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu - một mô hình nông nghiệp xanh tiêu biểu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chuyển đổi nông nghiệp xanh

Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCLlà nội dung đề án mà Thủ tướng Chính phủđã giao Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) thực hiện.

Tại hội thảo góp ý hoàn thiện đề án diễn ra tại Kiên Giang vào ngày 19/12/2022, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Tại COP26, Việt Nam đã cam kết giảm lượng phát thải bằng 0 vào năm 2050. Đối với ngành nông nghiệp, đây là dự án khởi đầu cho chương trình giảm phát thải, bắt đầu từ cây lúa. Đây cũng là bước đột phá thay đổi tư duy sản xuất, tập quán sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn, đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh”.

“Vùng lúa chất lượng cao phải đảm yếu tố đầu tiên là giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra đa giá trị gồm đảm bảo an ninh lương thực, tăng chất lượng với lúa dinh dưỡng, hữu cơ tốt cho sức khỏe; tận dụng làm nguyên liệu cho năng lượng tái tạo, nông nghiệp tuần hoàn… Đặc biệt là nâng cao giá trị, thu nhập của nông dân”, ông Nam cho biết thêm.

Vùng lúa chất lượng cao phải đảm yếu tố đầu tiên là giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra đa giá trị gồm đảm bảo an ninh lương thực, tăng chất lượng với lúa dinh dưỡng, hữu cơ tốt cho sức khỏe

Hiện tại ĐBSCL có 1,6 triệu ha lúa chuyên canh. Nếu xây dựng được 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao có thể làm ra trên 12 triệu tấn lúa/năm, tương đương khoảng 7 triệu tấn gạo.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng, thực tế hiện nay trồng lúa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong ngành nông nghiệp, với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn CO2 mỗi năm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu về sử dụng đất nông nghiệp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL cho thấy, có thể giảm 12-23 triệu tấn CO2 bằng việc thúc đẩy canh tác thích ứng biến đổi khí hậu và thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thay thế đất trồng lúa kém hiệu quả bằng hệ thống canh tác thông minh với khí hậu, giảm thất thoát sau thu hoạch và quản lý rơm rạ tốt hơn.

Các ý kiến trong hội nghị cũng đồng quan điểm, những vùng lúa chất lượng cao sẽ phải áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… Qua đó, góp phần vào thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp quốc (COP26) năm 2021.

Tại hội thảo, Bà Lê Hoàng Đài Trang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần GAVI (chuyên liên kết với nông dân sản xuất, xuất khẩu gạo hữu cơ, làm phân bón hữu cơ theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn), chia sẻ: “Công ty đặc biệt quan tâm và sẵn sàng tham gia Đề án. Bởi 4 năm qua, công ty đã thử nghiệm mô hình nông nghiệp tuần hoàn và cho kết quả rất tốt khi sản xuất lúa tận dụng được nguồn phế phụ phẩm từ đồng ruộng, chăn nuôi; phế phẩm từ nhà máy thủy sản, nhà máy chế biến nông sản để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh”.

Phân bón hữu cơ vi sinh được kỳ vọng trở thành chiếc chìa khóa mở cánh cửa nông nghiệp xanh, bền vững. Bà Lê Hoàng Đài Trang cho rằng: “Cùng với việc sản xuất lúa theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh, nếu khai thác tốt 160 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp hàng năm của cả nước sẽ có 40 triệu tấn phân bón hữu cơ vi sinh. Đây là con số rất lớn khi biết rằng nhu cầu phân bón hiện hữu của cả nước chỉ khoảng 11 triệu tấn/năm.

Có thể nói, nông nghiệp tuần hoàn sẽ là hướng đi có thể giúp nông dân tự chủ về phân bón, giảm thiểu rủi ro vào nguồn cung phân bón hóa học từ nước ngoài, giảm bớt chi phí đầu vào. Đồng thời giúp giảm thiểu những tác động về môi trường, thoái hóa đất, giảm phát thải đáng kể khí nhà kính so với phân bón hóa học…”.

Cánh đồng hạnh phúc

Thực tế chứng minh,sức sống trỗi dậy trên đám ruộng của anh Danh Tô Nít (ấp Kor Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) ngay vụ đầu tiên canh tác định hướng hữu cơ theo chương trình liên kết với doanh nghiệp.

Chống xuồng dọc con mương bao quanh ruộng lúa xanh mướt, anh Nít dỡ lú đặt từ đêm trước. Thoăn thoắt gỡ tôm bỏ vào lòng xuồng xâm xấp nước, người đàn ông Khmer mau miệng: “Mấy năm mần hóa học, cữ này lú treo. Bùn móc dưới mương lên đen thui, thúi nước”. Mạnh dạn thử nghiệm xen canh tôm lúa, anh Nít không rải thức ăn. Lú dỡ lai rai dư tiền chợ. Bờ mương cũng rải phân hữu cơ, trồng màu,xanh um dưa leo, bầu, bí đao, bí rợ… Bà con mua rần rần. Lá bầu trị sỏi thận, giá gấp đôi trái mà nhiều bữa không đủ bán. Ngày kiếm 600.000 đồng gọn hơ. Trả tiền phân bón cho doanh nghiệp vẫn dư chút đỉnh. “Sống khỏe vầy ai đi Bình Dươnglàm chi”, anh Nít bâng quơ.

Sức sống trỗi dậy trên đám ruộng của anh Danh Tô Nít (ấp Kor Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu)

“Đi Bình Dương” là cách nói của người miền Tây, hàm ý những lao động ly nông, làm công nhân trong các khu công nghiệp. Bão lạm phát khiến sức mua toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Thiếu hụt đơn hàng gia công, doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, sa thải bớt lao động, tạm dừng hoạt động, thậm chí giải thể. Bơ vơ tại đô thị, người “từ Bình Dương” lũ lượt quay lại quê nhà. Gánh an sinh xã hội trĩu nặng. Mẹ của Nít, bà Dương Thị Nhung, bất ngờ góp chuyện: “Ruộng đầy nhóc cá lóc, rô, sặc… Chưa kiếm được chỗ làm, xách cần đi câu. Siêng mần ngày cũng kiếm vài ba trăm ngàn. Khỏe ru”. Không ai đáp lời bà má. Nguồn lợi tự nhiên từ cánh đồng 100ha bao nuôi được bao nhiêu trong dòng người hồi hương? Trong bao lâu? Chưa có câu trả lời.

Hai cái điện thoại di động của anh Nít thay nhau đổ chuông. Người gần đặt mua thực phẩm. Người xa hỏi chuyện mần lúa hữu cơ, hẹn qua thăm. Anh rỉ rả giải đáp những thắc mắc của bà con trong suốt quá trình canh tác. Vướng đâu thì điện thoại hỏi “chú Mây”. Nít hiểu nhiều người chộn rộn trông đến ngày anh thu hoạch. Người ta muốn coi công ty thủ tín. Bao phen được mùa rớt giá, doanh nghiệp bẻ kèo xói mòn niềm tin của nông dân vào khế ước. 

Ông Trần Văn Mây, nhà sáng lập Công ty TNHH Nông nghiệp Hữu cơ Long An, cung cấp phân bón vi sinh hữu cơ và chế phẩm sinh học đuổi côn trùng cho cánh đồng 100ha. Ông Mây xác nhận gian nan vận động bà con tham gia mô hình liên kết khởi động từ 2018.

“Làm gạo phải thương hột gạo. Làm nông nghiệp phải thương nông nghiệp”,ông già 70 tuổi dễ xúc động khi chạm đến thực phẩm an toàn, tồn đọng nhiều năm từ khâu canh tác đến tiêu dùng. Ông miệt mài đi, để lại dấu chân trên bưng biền đồng bãi. Đi để lựa chọn vùng trồng thử nghiệm, để tâm tình cùng bà con, để tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương… Tài xế riêng báo công-tơ-mét đo quãng đường di chuyển hàng năm xê xích quanh mốc 100 ngàn cây số từ khi khởi động mô hình năm 2018. Phân hữu cơ vi sinh rải xuống, tôm cá ngược nước về đồng. Sinh sôi.

Nông nghiệp xanh: Chuỗi giá trị chữa lành

Cánh đồng liên kết là mảnh ghép còn thiếu trong chuỗi giá trị lúa gạo định hướng hữu cơ mà Công ty Cổ phần GAVI theo đuổi. Công suất thiết kế 3.000 tấn/năm, nhà máy ở Long An không có lợi thế mở rộng. Tuy nhiên, hoàn thành mục tiêu thử nghiệm là cơ sở để doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào hoạt động sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Ngoài việc khởi công một nhà máy công suất 50.000 tấn/năm tại Tiền Giang dự kiến đi vào hoạt động tháng 6/2023, doanh nghiệp nhanh chân thâu tóm một nhà máy công suất 30.000 tấn/năm tại Đắk Lắk. “Mua bán sáp nhập (M&A) giúp chúng tôi đi nhanh hơn”, bà Lê Hoàng Đài Trang bật mí.

Phân hữu cơ vi sinh rải xuống, tôm cá ngược nước về đồng

Đầu vào của nhà máy phân bón là phế phụ phẩm nông nghiệp từ trại chăn nuôi gia súc gia cầm, nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, trữ lượng hàng năm trên phạm vi cả nước khoảng 160 triệu tấn, theo số liệu công bố từ Bộ NN-PTNT. Khai thác hiệu quả tài nguyên này dư sức cung ứng cho nhu cầu của ngành trồng trọt quốc gia (khoảng 11 triệu tấn), chấm dứt lệ thuộc vào chuỗi cung ứng phân bón vô cơ toàn cầu vốn dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh cũng như bất ổn địa chính trị.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, urê là một phế phẩm của dầu hỏa. Giá năng lượng leo thang do chiến tranh Nga - Ukraine đẩy giá phân bón và cước vận tải vọt lên. Chịu tác động kép, nhà nông lỗ nặng, tác động truyền dẫn đến mạng lưới cung cấp tín dụng. Kể từ năm 1986, nông nghiệp có lẽ là ngành duy nhất liên tục tăng trưởng dương kim ngạch xuất khẩu. Hai năm đại dịch, nông nghiệp trở thành bệ đỡ của nền kinh tế bất chấp vị trí sau cùng theo thứ tự ưu tiên nguồn lực từ ngân sách.

Ngoài lợi ích trực tiếp của doanh nghiệp và nông dân, chuỗi giá trị định hướng hữu cơ còn tạo ra ngoại tác tích cực đối với môi trường. Canh tác hữu cơ giảm phát thải khoảng 36% khí nhà kính so với sử dụng phân bón vô cơ là kết luận rút ra từ một nghiên cứu khoa học do nhóm tác giả từ Cục Bảo vệ Thực vật và Đại học Quốc gia TP.HCM thực nghiệm tại ĐBSCL. Nội dung quan trọng này càng khẳng định mạnh mẽ lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26, cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Cánh đồng liên kết 100ha ở huyện Hồng Dân đã thu hoạch xong. Doanh nghiệp thực hiện cam kết mua lúa tươi cao với giá 8.000 đồng/ký. Anh Nít trồng hai hécta, thu 14 tấn, lãi ròng 72 triệu đồng. Niềm vui bội thu một phần, phần khác là những điều anh nói với hàng xóm láng giềng nay đã thành hiện thực. “Tui uy tín. Vụ sau, tui sẽ vận động bà con tham gia mô hình liên kết”, anh Nít cười sảng khoái.

Toàn huyện có 24.000ha luân canh tôm lúa (2 vụ tôm, 1 vụ lúa). Hai năm trở lại đây, người dân đã chuyển đổi được 5.000ha canh tác định hướng hữu cơ sử dụng giống lúa ST25. Con vi sinh trong phân bón chuyển hóa cặn bã trong vuông tôm thành chất dinh dưỡng, cải tạo đất tơi xốp. Rễ đâm sâu giúp cây lúa khỏe hơn, ít nhiễm sâu bệnh. Hạt gạo thơm, kiểm nghiệm sạch dư lượng. Thu hoạch lúa xong qua vụ tôm, thích nghi tốt, không bị ảnh hưởng hóa chất tồn dư như những năm trước (sử dụng phân bón hóa học - PV), năng suất tôm tăng trung bình khoảng 10%.

(Ông Võ Đăng Ký, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hồng Dân)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp xanh và cánh đồng hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO