KHPTO - Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm, nhất là nhóm dậy thì. Vậy thực sự có nên nặn mụn hay không và nặn như thế nào để an toàn?
Có bao nhiêu loại mụn?
Thông thường, trên gương mặt xuất hiện nhiều loại mụn, như mụn đầu đen, mụn đầu trắng, sẩn viêm, mụn mủ, nang, cục,… Cách gọi này dựa trên tình trạng “sức khỏe” của mụn như mụn viêm và không viêm. Mụn viêm là những mụn có tình trạng viêm, đau nhức như mụn mủ, nang, cục, sẩn đỏ…
Mụn không viêm thường là các loại mụn đầu đen, mụn đầu trắng…
Mụn đầu trắng, nhóm mụn nhỏ trên da, chứa bã nhờn và tế bào da chết và có màu trắng. Chúng có thể dễ dàng điều trị bằng tái tạo da hóa học.
Mụn đầu đen là nơi tích tụ bã nhờn, tế bào da và vi khuẩn. Đối với mụn đầu đen, khi mụn mở ra, dầu bị oxy hóa, khiến nó có màu sẫm hơn. Có thể xử lý chúng tương tự như mụn đầu trắng, làm sạch và kỹ, thường xuyên và tái tạo da bằng dưỡng chất tốt cho da.
Mụn sẩn viêm (papules), thực chất là mụn đầu đen hoặc đầu trắng khi bị viêm sẽ chuyển thành các nốt sẩn viêm có đường kính khoảng từ 1 – 3 mm. Loại mụn này có đặc điểm là đỏ, sưng nhẹ, đau khi chạm vào, có nhân là chất bã màu trắng ngà vàng. Nếu tự ý nặn hoặc ép mụn ra có thể làm nặng hơn, nguy cơ tạo sẹo rất cao.
Sẩn mụn mủ (pustules): Đặc thù của nhóm mụn này là có mủ và quầng viêm đỏ bao xung quanh, kích thước khoảng từ 1 - 5 mm. Không nên nặn loại mụn này cho đến khi mụn mủ khô lại, nhân mụn trồi lên. Nói cách khác, chỉ nặn khi mụn khi đã “chín”.
Nang, bọc, nốt, cục là những dạng mụn nặng hơn nhiều so với mụn nhọt thông thường. Chúng nằm sâu trong da, xảy ra khi các lỗ chân lông bị nghẽn và dẫn đến nhiễm trùng gây đau và chậm lành. Đây là dạng mụn viêm nghiêm trọng nhất. Chúng được phát triển từ các loại mụn trên. Do đó, cách trị chúng cũng trở nên khó khăn hơn. Mụn tiến triển sâu bên trong da và gây đau, có đường kính từ 1 – 3 cm. Nếu mắc các loại mụn này, bạn nên đi khám da liễu để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, không nên tự chữa vì có thể gây viêm nhiễm, nguy cơ để lại sẹo cao.
Bí quyết nặn mụn đúng cách
Trước khi nặn mụn, bạn hãy cân nhắc các lựa chọn khác như đến bác sĩ da liễu khám, loại bỏ mụn bằng các dụng cụ lấy mụn chuyên dụng và vô trùng, để giúp giảm nguy cơ tái nhiễm, an toàn, ít để lại sẹo...
Tiếp theo, bạn chườm nóng, giúp làm giãn lỗ chân lông. Khi các lỗ chân lông được mở ra bằng cách chườm nóng, mụn tự mở và tự bong ra.
Sử dụng phương pháp điều trị tại chỗ không kê đơn như dùng acid salicylic, lưu huỳnh và benzoyl peroxide có nồng độ thấp với thành phần hoạt tính phù hợp. Bạn cũng có thử phương pháp điều trị gia truyền, đặc biệt là các nốt mụn sưng tấy, như dùng muối nở (baking soda), mặt nạ dầu cây chè, mặt nạ than hoạt tính, dùng hydrogen peroxide…
Để tránh việc nặn mụn bị sưng hay nặn mụn bị thâm, tốt nhất là bạn nên để mụn tự lành. Nếu buộc phải xử lý, bạn có thể áp dụng quy trình nặn mụn đúng cách. Chẳng hạn, chỉ nặn với những mụn không viêm hay những mụn đã “chín”, mọc riêng, sờ không thấy đau.
Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết như cây nặn mụn, bông gòn, tăm bông, nhíp gắp mụn. Dùng cồn để vệ sinh cây nặn mụn và nhíp gắp mụn. Tiếp đến, bạn rửa sạch mặt bằng sữa rửa mặt, lau khô da. Xông hơi da mặt để các lỗ chân lông giãn nở, giup nặn dễ dàng và ít đau.
Bạn cũng có thể bổ sung thêm vài giọt tinh dầu tràm trà, oải hương… vào nước xông để tăng hương vị và kích thích lỗ chân lông rộng ra.
Bạn dùng đầu ngón tay trỏ và giữa có kèm bông gòn cố định vùng da cần nặn mụn, rồi dùng dụng cụ chuyên nặn mụn ấn nhẹ để đầu mụn ra ngoài dễ dàng. Bạn cần lấy sạch hết nhân mụn, sau đó dùng bông gòn lau sạch dịch và máu chảy ra.
Làm gì sau khi nặn mụn?
Sau khi nặn mụn, bạn cần vệ sinh sạch da để ngừa viêm nhiễm, như sử dụng thuốc có chứa benzoyl peroxide bôi lên vùng da vừa nặn mụn. Nó sẽ giúp kháng viêm, hồng ban, thâm mụn, và giúp đốm mụn mau khô hơn.
Nếu mụn tái phát nhiều lần, không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn và xử lý kịp thời.
Sau khi nặn mụn, bạn nên vệ sinh da mặt sạch sẽ, chăm sóc da bằng một chế độ vệ sinh khoa học, lành mạnh… để phòng ngừa mụn chính là cách điều trị mụn tốt nhất.
Tổng thể, sau khi nặn mụn, bạn nên duy trì tốt các bước: Luôn làm sạch da; sử dụng kem hoặc thuốc đặc trị; hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời; không chạm tay lên mặt; duy trì cuộc sống vận động, năng tập thể dục thể thao; hạn chế trang điểm và nên tẩy tế bào chết định kỳ.