Nhiều ý kiến tại hội thảo 'TP.HCM – 50 năm triển khai đường lối đối ngoại Việt Nam'
Sáng 11/4, Sở Ngoại vụ TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “ TP.HCM – 50 năm triển khai đường lối đối ngoại Việt Nam”. Đây là Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiến tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9 và 80 năm Ngày thành lập ngành ngoại giao
Tham dự có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan và Quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Phạm Dứt Điểm đồng chủ trì Hội thảo.

Cùng tham dự có nguyên Chủ tịch UBND Thành phố, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội thuộc Trường Đại học Sài Gòn Nguyễn Thành Phong cùng nguyên lãnh đạo Sở Ngoại vụ các thời kỳ, các chuyên gia, các học giả trong lĩnh vực ngoại giao.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Anh Tuấn đánh giá cao vai trò tiên phong của TP.HCM trong công tác đối ngoại cả nước. Trong quá trình 50 năm phát triển đất nước, kể từ khi thống nhất đất nước, TP.HCM luôn là biểu tượng của tinh thần đổi mới năng động và hội nhập. Đặc biệt, trong giai đoạn 20 năm gần đây, TP đã từng bước phát triển mô hình ngoại giao đa tầng, phối hợp linh hoạt giữa ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, thúc đẩy ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó nâng tầm hình ảnh TP.HCM trên trường quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ nhìn lại 50 năm để thấy rõ những thành tựu đã đạt được mà còn đánh giá đúng những yêu cầu đặt ra trong hiện tại và tương lai để xác định phương hướng hành động. Hội thảo là không gian cần thiết để các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu và các cơ quan đối ngoại địa phương cùng trao đổi định hình cách tiếp cận mới, tư duy mới và công cụ triển khai mới cho hoạt động đối ngoại trong bối cảnh đầy biến động, khơi gợi nhiều ý tưởng mới, mở ra định hướng quan trọng và thiết thực trong công tác đối ngoại của Thành phố trong chặng đường 50 năm tiếp theo.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu khai mạc, khẳng định hội thảo là dịp để cùng nhìn lại chặng đường 50 năm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước tại TP.HCM, một trong những địa phương năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong công tác đối ngoại. Đồng thời, cùng nhau trao đổi, thảo luận, đề xuất những định hướng chiến lược cho giai đoạn phát triển mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, năm 1985, khi cả nước còn đang trong thời kỳ bao cấp, TP.HCM đã mạnh dạn đón đoàn gần 70 doanh nhân Hoa Kỳ đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Đó là một sự kiện “mở đường” mang tính biểu tượng cho tư duy đối ngoại đổi mới, chủ động, dám nghĩ dám làm của TP.HCM.
Từ đó đến nay, TP.HCM không ngừng khẳng định vai trò là nơi khởi nguồn của nhiều mô hình hợp tác quốc tế mới mẻ, từ Khu chế xuất Tân Thuận đến Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, từ xúc tiến đầu tư quy mô lớn đến các hình thức giao lưu văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, sau gần 50 năm phát triển, TP.HCM đã thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với 58 địa phương trên thế giới, là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế như CityNet, C40, LUCI, World Cities Summit...
Đặc biệt, từ giai đoạn Đổi mới (1986) đến nay, TP.HCM đã thể hiện vai trò “cánh chim đầu đàn” trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng ở cấp địa phương. Từ việc thử nghiệm các mô hình kinh tế đối ngoại đầu tiên, đến những bước đi vững chắc trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổ chức các diễn đàn quốc tế, phát triển mô hình “ngoại giao đa tầng” kết hợp hài hòa giữa ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Những kết quả đạt được về kinh tế, xã hội của TP.HCM trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại, từ định hướng chiến lược đến các hoạt động triển khai cụ thể. Đối ngoại ngày càng trở thành một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa TP.HCM trở thành trung tâm giao lưu quốc tế, kết nối nguồn lực tri thức, công nghệ, đầu tư, văn hóa… Các mô hình hợp tác cấp địa phương với đối tác như Vientiane, Champasak, Phnom Penh, Busan, Osaka, Lyon, Rotterdam… đã minh chứng cho tầm vóc và chiều sâu của quan hệ ngoại giao địa phương, đúng như tinh thần “ngoại giao vì phát triển bền vững” mà TP.HCM đang hướng tới.
Hội thảo gồm ba phiên chuyên đề: Phiên thứ nhất nhìn lại chặng đường 50 năm với những đóng góp nổi bật của thành phố đối với công tác đối ngoại của cả nước. Phiên thứ hai tập trung thảo luận về chiến lược đối ngoại trong kỷ nguyên mới (2025-2045), đặt trong bối cảnh các xu hướng lớn như chuyển đổi số, phát triển xanh và an ninh phi truyền thống. Phiên thứ ba là không gian trao đổi học thuật cởi mở, với những ý kiến phản biện sắc sảo từ các chuyên gia, nguyên lãnh đạo, nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực để Thành phố triển khai hiệu quả công tác đối ngoại địa phương trong giai đoạn tới.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Đào Minh Hồng, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM nhận định, TP.HCM có vai trò đặc biệt trong việc định hướng hội nhập quốc tế, định hướng trong vai trò là “phòng thí nghiệm chính sách” về đối ngoại, góp phần định hình khung pháp lý và cơ chế điều hành, tạo “cú huých” cho các địa phương khác tham gia hội nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thúc đẩy hoàn thiện chính sách đối ngoại và hội nhập kinh tế… góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội thuộc Trường Đại học Sài Gòn Nguyễn Thành Phong khẳng định, công tác đối ngoại không chỉ là công cụ để mở rộng quan hệ quốc tế mà còn trở thành một trụ cột chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của TP.HCM. Do vậy, trong thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa và tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế để phát triển nhanh hơn. Ông Nguyễn Thành Phong cũng lưu ý, công tác đối ngoại của Thành phố phải xứng tầm với vai trò và tiềm năng của Thành phố, chủ động hơn, sáng tạo hơn, và “dẫn dắt” hơn, nhất là cả nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới như hiện nay.
Nguyên Phó Trưởng Ban Đối ngoại Thành ủy, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM Dương Đình Bá chia sẻ, 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và UBND Thành phố, Sở Ngoại vụ và các cơ quan có liên quan, hoạt động đối ngoại nhân dân của Thành phố đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố mang tên Bác. Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của nền ngoại giao Việt Nam, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò của ngoại giao, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển đất nước và đưa vị thế của Việt Nam ngày càng nâng cao.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố đã phân tích những thành quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố, từ đó đề xuất xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại phù hợp với với xu thế phát triển và hội nhập.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng đã đề cập về những thành tựu của công tác đối ngoại của TP.HCM trong hơn 50 năm qua; đồng thời, trao đổi đề xuất những giải pháp, định hướng chiến lược của ngành ngoại giao, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM Phạm Dứt Điểm cho rằng, những tham luận sâu sắc và các ý kiến thảo luận đa chiều đã cho thấy công tác đối ngoại luôn là một bộ phận hữu cơ, đóng góp thiết thực và không thể thiếu vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển TP.HCM trong suốt nửa thế kỷ qua, từ thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập đến giai đoạn chủ động vươn ra toàn cầu.