Y học

Nhân viên y tế, cần trang bị kỹ năng truyền thông góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng

HỒNG DUNG 06/07/2024 16:58

Các chuyên gia y tế, cần trang bị kỹ năng truyền thông để trở thành những người có khả năng thay đổi nhận thức và hành vi của xã hội, giúp ngăn chặn và đẩy lùi thông tin sai lệch

Ngày 6/7, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BVĐHYD) đã tổ chức chương trình Khai mạc và Tọa đàm “Phương thức mới trong truyền thông y tế”, thu hút gần 300 đại biểu tham dự.

Vì sao cần truyền thông y tế trên mạng xã hội?

a-thang.jpg
Nhà báo Vũ Mạnh Cường phát biểu tại sự kiện

Tại lễ khai mạc, Nhà báo Vũ Mạnh Cường – Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế, chia sẻ: “Qua đại dịch Covid-19, chúng ta nhìn nhận rằng, không gian mạng là không gian lý tưởng để các thầy thuốc làm truyền thông y tế. BVĐHYD dẫn đầu trong việc áp dụng các xu hướng truyền thông mới, sử dụng mạng xã hội và phát huy vai trò của các thầy thuốc trong bệnh viện.

Theo tôi, bác sĩ làm truyền, rất tuyệt vời. Thứ nhất, cộng đồng được nghe kiến thức đúng trong vấn đề chăm sóc sức khỏe; thứ hai, mang lại lợi ích cho cơ sở y tế - nơi các chuyên gia y tế đó làm việc. Vì nếu, người bác sĩ có uy tín trên trang mạng xã hội, dịch vụ y tế của bệnh viện được nhiều người biết hơn; và thứ ba, mang lại danh tiếng cho người thầy thuốc đó. Thực tế, nhiều vlogger chỉ qua một đêm đã nổi tiếng như một KOLs”.

Giáo sư Robert McClelland – Trưởng khoa Kinh doanh Trường Đại học RMIT Việt Nam, cũng cho biết: “Chuỗi hội thảo KMOLs sẽ giúp các chuyên gia y tế phát triển kỹ năng truyền thông, đối mặt với thách thức và tận dụng cơ hội trong giao tiếp y tế.”

a.-hoi.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hồi: "Mỗi một chuyên gia y tế nên tạo một kênh mạng xã hội, để họ kể câu chuyện của chính mình để người dân hiểu rõ công việc của mình hơn"

Phân tích thêm về tầm quan trọng truyền thông y tế, ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhận định: “Trong thời gian qua, công tác truyền thông y tế đã thể hiện vai trò quan trọng góp phần vào những kết quả phòng chống dịch bệnh của ngành y tế, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để tự bảo vệ, nâng cao sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tuy nhiên, theo tôi, mỗi một chuyên gia y tế nên tạo một kênh mạng xã hội, để họ kể câu chuyện của chính họ cho người dân nghe, để người dân hiểu hơn về công việc của một bác sĩ hay điều dưỡng, nhân viên y tế… từ góc nhìn đó, dân có thể hiểu vì sao bác sĩ có thể không thể trả lời hết các câu hỏi của bệnh nhân? Vì sao bác sĩ có thể tiếp bệnh nhân có vài phút? Hiểu được bác sĩ phải đứng suốt mấy giờ liền, phẫu thuật cứu bệnh nhân... Tôi tin rằng, qua những câu chuyện từ người thật việc thật, sẽ có sự tương tác tốt giữa người bệnh và chuyên gia y tế, cũng như sự cảm thông lẫn nhau hơn”.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Văn Thăng Long – Giảng viên cao cấp chương trình Quan hệ công chúng – Khoa Truyền thông và Thiết kế, Trường Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, truyền thông rất quan trọng với y tế cộng đồng. Theo TS. Long, truyền thông không chỉ hiểu đơn thuần là quảng cáo dịch vụ mà là mang đến sự hiểu biết lẫn nhau. Người làm truyền thông phải cập nhật công việc thường ngày của bác sĩ, điều dưỡng bệnh nhân… để khai thác những thông tin khô khan biến nó thành một câu chuyện y tế để đăng tải, kịp thời chính xác, để lan tỏa giúp bảo vệ và hỗ trợ các chuyên gia y tế trong việc lan tỏa tri thức y khoa đúng đắn.

Ở góc độ quản lý, GS. TS. BS. Trương Quang Bình – Nguyên Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học BVĐHYD nhìn nhận, trên đà phát triển mới, việc bệnh viện phát triển sáng kiến xây dựng đội ngũ KMOLs cũng là chủ trương của bệnh viện, nhằm giúp thúc đẩy các y bác sĩ, nhân viên y tế chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn trong việc lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp truyền thông, tạo ảnh hưởng của mình trong việc cung cấp thông tin y khoa chính thống, thiết thực đến với đông đảo người dân.

Tọa đàm tạo cảm hứng để mỗi bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đều có thể trở thành KMOLs

cac-dien-gia.jpg
Các diễn giả tại sự kiện

Chương trình, Tọa đàm “Chuyên gia y tế và vai trò tạo ảnh hưởng trong xã hội” do ThS. Đỗ Thị Nam Phương – Trưởng Trung tâm Truyền thông BVĐHYD dẫn dắt đã mang đến những chia sẻ thực tế, tạo cảm hứng để mỗi bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đều có thể trở thành KMOLs, phụng sự cộng đồng tốt hơn.

Nhà báo Vũ Mạnh Cường đã nêu các thách thức mà truyền thông y tế đang đối mặt trong thời đại số, đặc biệt là sự lan truyền của thông tin sai lệch. Ông đánh giá cao sáng kiến KMOLs của BVĐHYD, coi đây là bước tiến quan trọng giúp các chuyên gia y tế truyền tải thông tin chính xác và hiệu quả. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới KMOLs toàn quốc để liên kết và chia sẻ kiến thức giữa các chuyên gia y tế, nâng cao nhận thức cộng đồng.

ThS. Huỳnh Bảo Tuân, Giảng viên Trường Quản trị - Học viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam, phân tích đưa ra sự khác biệt và tương đồng trong quản trị truyền thông tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân, đề xuất các giải pháp cải thiện hiệu quả truyền thông. Trong đó, vai trò lãnh đạo các cơ sở y tế rất quan trọng trong việc phát triển truyền thông tại bệnh viên, cần đầu tư vào công nghệ và đào tạo nhân lực để nâng cao hiệu quả truyền thông.

Trong khi đó, theo PGS TS BS. Lê Minh Khôi – Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo BVĐHYD, với vai trò là KOLs trong lĩnh vực y tế, nhấn mạnh: cần phải phân biệt giữa truyền thông và quảng bá, cần phải làm rõ. Ví dụ điều trị thành công một ca bệnh, đưa hình ảnh bác sĩ, bệnh viện lên các kênh truyền thông – đây là quảng bá, nhiều bác sĩ sẽ không tham gia. Vì đối với người bác sĩ, chỉ cần 1 nụ cười, một cái nắm tay đối với bệnh nhân, đã là niềm hạnh phúc hơn nhiều so với việc quảng bá. Chính vì vậy, nhiều người hiểu sai truyền thông là quảng bá.

“Truyền thông là làm vì cộng đồng, mang được thông tin đến cộng đồng và phục vụ cho cộng đồng nhiều hơn. Chính vì vậy, khi bác sĩ, điều dưỡng thấy được truyền thông làm vì lợi ích chung, họ sẽ tham gia nhiều hơn. Do vậy, tầm quan trọng của việc đào tạo kỹ năng truyền thông cho bác sĩ và điều dưỡng để họ có thể chia sẻ thông tin chính xác và tạo sự tin tưởng từ người bệnh, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực của họ vào mạng lưới KMOLs”, PGS. Khôi nói.

Cũng tại tọa đàm, PGS. Phạm Công Hiệp – Chủ nhiệm nhóm Bộ môn Kinh doanh sáng tạo, Phó trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và sáng tạo, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam đã thảo luận về vai trò của truyền thông số và AI trong truyền thông y tế, nêu rõ những kỹ năng cần thiết mà các KMOLs cần có để tối ưu hóa việc truyền tải thông tin y tế. Ông cũng giới thiệu về chuỗi hội thảo nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cho các chuyên gia y tế, giúp họ trở thành những KMOLs có tầm ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.

PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc BVĐHYD khẳng định: “Sáng kiến KMOLs với sự hậu thuẫn từ bệnh viện là một ý tưởng đột phá. Chúng tôi chào đón tất cả những ai có nhiệt tâm với xã hội tham gia vào mạng lưới KMOLs để tạo ra giá trị cho cộng đồng.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân viên y tế, cần trang bị kỹ năng truyền thông góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO