Do tình hình dân số thế giới ngày càng gia tăng, việc cung cấp đủ lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang trở thành một vấn đề rất lớn. Trong các giải pháp được nhiều nước quan tâm có việc mở rộng nghiên cứu và triển khai các loại cây trồng chuyển gen. Đến năm 2011 đã có 29 nước tham gia trồng cây trồng chuyển gen. Mặc dù công nghệ sinh học là công cụ hữu hiệu đã tạo ra các cây trồng chuyển gen để giải quyết các vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về mặt tiêu cực có thể có của chúng. Nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ta hiện nay được nhập khẩu chủ yếu từ các nước có nền công nghệ sinh học và công nghệ gen rất phát triển. Do đó, những nguyên liệu thô như bắp, đậu nành, lúa mì mang yếu tố chuyển gen là không thể tránh khỏi. Khi ở dạng nguyên liệu thô thì có thể dễ dàng nhận diện bằng nhiều phương pháp định lượng hay định tính, như sử dụng các phương pháp phân tích phân tử. Tuy nhiên, một khi những nguyên liệu này được phối trộn thành dạng hỗn hợp gồm nhiều loại nguyên liệu như đậu nành, khô dầu đậu nành, bắp, cám mì... thì việc nhận diện là không dễ dàng.
Vấn đề nhận diện sản phẩm chuyển gen ở Việt Nam còn khá mới, chỉ được nghiên cứu trong một số phòng thí nghiệm của các viện, trường. Nghiên cứu này đã bước đầu khảo sát và đánh giá hiệu quả của phương pháp PCR trong việc nhận diện các sản phẩm chuyển gen trên các mẫu thức ăn chăn nuôi thương phẩm, sử dụng 4 cặp mồi nhận diện gồm gen Lectin, 35S promoter, gen Bt và Nos terminator. Bốn cặp mồi này đều hoạt động hiệu quả trong phản ứng PCR và có thể sử dụng để nhận diện các mẫu thức ăn chăn nuôi có chứa sản phẩm chuyển gen lưu hành trên thị trường. Hiệu quả nhận diện của các cặp mồi khá cao: Lectin hoạt động chuyên biệt với đậu nành ở liều lượng trên 25%; 35S promoter cho phép nhận diện ở tỷ lệ chuyển gen trên 1% ; gen Bt nhận diện ở tỷ lệ trên 5%.