Dòng chảy

Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam: Nghĩ về giá trị của hòa bình

Nguyễn Minh Hải 27/04/2025 - 07:58

Ngày 30/4/1975, một mốc son lịch sử không thể nào quên trong lòng người dân Việt Nam và thế giới, khi cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài hàng chục năm trên đất nước Việt Nam kết thúc, dẫn đến sự kiện giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.

Đây là thắng lợi của chính nghĩa, là kết quả của sự hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân và quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ sự kiện này, một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập và tự do đã được tái sinh, mở ra một thời kỳ mới của hòa bình và phát triển.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta cùng suy ngẫm về giá trị của hòa bình – một giá trị thiêng liêng mà dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi bằng xương máu, mồ hôi và cả những mất mát, đau thương không thể đong đếm. Hòa bình không chỉ là mong muốn của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mà còn là đích đến mà mọi thế hệ cần phải nỗ lực bảo vệ và gìn giữ.

Sự hy sinh lớn lao vì hòa bình

Hòa bình không tự nhiên mà có được. Để có được ngày hôm nay, người dân Việt Nam đã trải qua những ngày tháng đau thương trong cuộc chiến tranh kéo dài hơn 30 năm, với những trận đánh ác liệt, những cuộc nô dịch văn hóa, các tổn thất về kinh tế và xã hội của đất nước… Mỗi bước tiến của cách mạng đều gắn liền với sự hy sinh lớn lao. Trong chiến tranh, bao nhiêu gia đình mất đi người thân, bao nhiêu làng mạc, thành phố bị tàn phá, kể cả những rạn nứt trong xã hội, nhưng quyết tâm giành độc lập và tự do cho Tổ quốc của hàng triệu đồng bào ở hai miền Nam Bắc vẫn vững vàng.

Mỗi người lính, mỗi chiến sĩ trong quân đội nhân dân Việt Nam đều mang trong mình một niềm tin mạnh mẽ vào thắng lợi sau cùng của sự nghiệp cách mạng. Cùng với nhiều lực lượng khác trong các giới trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh – sinh viên… đã sẵn sàng xả thân vì nền độc lập của đất nước, tự do của nhân dân. Hay những người bình dân cũng đã không ngại hiểm nguy để nuôi giấu, chở che các cán bộ cách mạng mà không đòi hỏi sự đền bù. Họ đấu tranh không chỉ vì sự sống còn của dân tộc mà còn vì một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau. Hòa bình mà chúng ta đang hưởng thụ ngày hôm nay là kết quả của sự hy sinh vô cùng to lớn đó. Những thế hệ đi trước đã sống và chiến đấu vì một lý tưởng cao đẹp – lý tưởng độc lập, tự do và hòa bình cho dân tộc.

Hòa bình là một thành quả to lớn của dân tộc

Ngày 30/4/1975 là ngày mà dân tộc Việt Nam kết thúc một chương sử đau thương, một cuộc chiến tranh vô cùng anh dũng trước những kẻ xâm lược và chính quyền tay sai. Từ đây, đất nước được thống nhất, một đất nước độc lập, không còn chia cắt, không còn sự thống trị của ngoại bang. Hòa bình lập lại là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự hồi sinh và khởi đầu mới cho một đất nước với vô vàn thử thách.

Cái giá của hòa bình mà dân tộc ta đã phải trả là rất đắt. Đất nước ta đã phải trải qua bao nhiêu mất mát, đau thương. Những vết thương của chiến tranh, từ thể chất đến tinh thần, vẫn còn lưu lại trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, với sự kiên cường và niềm tin vào một tương lai tươi sáng, chúng ta đã vượt qua tất cả để đứng vững và tiếp tục phát triển. Đó là thành quả to lớn của nhân dân Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc. Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm lần thứ 33 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 2/9/1975, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Việt Nam ta đã kiên trì cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ song cũng vô cùng oanh liệt, và cuối cùng chiến thắng hoàn toàn bọn Mỹ xâm lược, thanh toán vĩnh viễn chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, đẩy mạnh quá trình phá sản của chủ nghĩa thực dân mới dưới nhiều hình thức trên thế giới, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ…”.

Hòa bình là nền tảng để phát triển đất nước

Một đất nước muốn phát triển thì không thể thiếu sự ổn định và hòa bình. Sau khi đất nước được thống nhất, công cuộc xây dựng lại đất nước đã bắt đầu từ những khó khăn chồng chất. Hòa bình không chỉ tạo ra điều kiện cho đất nước ổn định mà còn mở ra những cơ hội phát triển về mọi mặt. Nhờ có hòa bình, Việt Nam đã có thể khôi phục lại nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh, tái thiết cơ sở hạ tầng và dần đưa đất nước hòa nhập với cộng đồng quốc tế.

Trong suốt 50 năm qua, đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, đất nước, Việt Nam đã không ngừng phát triển, với nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, mức sống của người dân ngày càng được cải thiện và đất nước đã từng bước khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Nếu không có hòa bình, nếu không có sự ổn định và đoàn kết của dân tộc, Việt Nam không thể có được những thành quả như ngày hôm nay. Hòa bình chính là nền tảng vững chắc để đất nước phát triển mạnh mẽ, giúp dân tộc ta vươn lên trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Hòa bình là tài sản quý giá cần được gìn giữ

Sau 50 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hòa bình vẫn là tài sản quý giá mà dân tộc Việt Nam luôn trân trọng. Để có được hòa bình, không chỉ cần nỗ lực từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ mà còn cần sự chung tay của toàn thể nhân dân. Mỗi công dân, mỗi gia đình, mỗi tổ chức phải luôn ý thức rằng hòa bình không phải là điều tự nhiên mà có mà là kết quả của sự đấu tranh không ngừng nghỉ, là thành quả của những hy sinh lớn lao.

Trong bối cảnh thế giới ngày nay, dù đã có hòa bình, nhưng các mối đe dọa từ xung đột, chiến tranh, khủng bố… vẫn hiện hữu. Thậm chí, khái niệm “chiến tranh” còn có thể được hiểu bằng những cách khác nhau chứ không phải chỉ có xung đột vũ trang. Do đó, hòa bình luôn cần được bảo vệ, gìn giữ và phát triển. Chính vì vậy, việc giáo dục thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình là vô cùng quan trọng. Họ cần hiểu rằng hòa bình không chỉ là không có chiến tranh, mà còn là sự phát triển ổn định, là sự đoàn kết giữa các dân tộc, là sự hợp tác và cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng.

Hòa bình đem lại sự hòa hợp dân tộc

Sau khi đất nước được thống nhất, vấn đề hòa hợp dân tộc trở thành một trong những vấn đề quan trọng cần phải giải quyết để xây dựng một đất nước hòa hợp và phát triển. Hòa bình không chỉ là sự chấm dứt chiến tranh, mà còn là sự hòa hợp giữa các dân tộc, giữa các thế hệ, giữa những con người có sự khác biệt về kinh tế, chính kiến, tôn giáo, văn hóa, địa lý... Bất kỳ thái độ nào hàm ý có “bên thắng cuộc” hay “bên thua cuộc” hay sự khơi gợi hận thù, khác biệt giữa các nhóm dân cư, giữa những người từng đứng ở hai bờ chiến tuyến… đều là rào cản cho sự hòa hợp dân tộc. Chính sách đại đoàn kết dân tộc mà Đảng ta đã đề ra là một chính sách đúng đắn, giúp chúng ta vượt qua những khác biệt để xây dựng một xã hội thống nhất, hòa bình, tôn trọng sự thật, tôn trọng lịch sử và đoàn kết với nhau vì sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, ở một khía cạnh mới, hòa bình còn là sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Chính sách bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu là những yếu tố không thể thiếu trong việc duy trì hòa bình lâu dài. Một đất nước phát triển bền vững chỉ có thể tồn tại trong một môi trường hòa bình và an lành, nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên và với nhau. Nếu chúng ta xâm hại đến tự nhiên chắc chắn sẽ nhận lấy hậu quả từ tự nhiên, thì rõ ràng khi đó không thể có hòa bình đúng nghĩa.

*

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta không chỉ nhớ về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà còn nhận thức sâu sắc về giá trị của hòa bình – một tài sản quý giá mà chúng ta phải gìn giữ và phát triển. Hòa bình không chỉ là điều kiện để đất nước phát triển mà còn là niềm hy vọng, là lý tưởng mà chúng ta cần bảo vệ, truyền đạt và nuôi dưỡng cho các thế hệ mai sau.

Những giá trị của hòa bình mà chúng ta đã đạt được hôm nay không phải là sự tự nhiên, mà là kết quả của những hy sinh, những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn dân tộc. Hòa bình là tài sản quý giá mà chúng ta phải gìn giữ, phải xây dựng và phát triển không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên trường quốc tế. Từ đó, chúng ta có thể nhìn về tương lai với niềm tin vững chắc rằng hòa bình chính là con đường đưa đất nước đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng. Đặc biệt, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hòa bình lại càng quý giá và càng phải được trân trọng, gìn giữ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam: Nghĩ về giá trị của hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO