Khoa học

Từ phòng thí nghiệm ra thị trường: Những mô hình thương mại hóa thành công kết quả nghiên cứu khoa học

Võ Liên 23/05/2025 - 14:11

Từ những phòng thí nghiệm tại các trường đại học, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM, nhiều đề tài khoa học không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà đã được ươm tạo, thương mại hóa thành công, góp phần giải quyết các bài toán thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Sôi động hoạt động ươm tạo, chuyển giao công nghệ

TP.HCM hiện là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tại thành phố ngày càng sôi động với sự tham gia tích cực của các trung tâm nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Một đơn vị tiêu biểu là Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TP.HCM (Trung tâm R&D). Trung tâm tập trung nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như công nghệ nano, công nghệ bán dẫn, cơ khí chính xác – tự động hóa, công nghệ sinh học và thực phẩm chức năng. Chỉ trong vòng một thập kỷ (2014-2024), Trung tâm R&D đã có 28 sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa và 14 bằng độc quyền sáng chế.

hinh-4-cac-dai-bieu-tham-quan-gian-hang-tai-techmart-2024..jpg
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Techmart 2024.

Theo TS Trịnh Xuân Thắng – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm R&D, các sản phẩm nổi bật như vật liệu nano curcumin, băng gạc vết thương dạng xịt Bio Urgo Spray, chip cảm biến áp suất, chip cảm biến pH,… đều đã đưa ra thị trường, góp phần giải quyết các vấn đề thực tế và mang lại giá trị cho cộng đồng.

Không chỉ các trung tâm nghiên cứu, nhiều trường đại học trên địa bàn TP.HCM cũng tích cực thành lập các vườn ươm doanh nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên và giảng viên khởi nghiệp, điển hình như: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Quốc tế (thuộc ĐHQG-HCM), Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Công Thương TP.HCM, Trường Đại học Luật TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM…

Theo PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi – Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM, các vườn ươm tại TP.HCM hoạt động theo tinh thần Đề án 1665 (Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025) và đóng vai trò trung gian giữa nghiên cứu và thị trường. Riêng trong năm 2024, trường đã hỗ trợ 34 dự án, trong đó ươm tạo thành công 9 dự án khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực: mỹ phẩm, chuyển đổi số, y tế, CNTT, AI, in 3D, cơ khí, nông nghiệp và hóa học.

Tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, các hướng nghiên cứu mang tính ứng dụng cao như: công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh, chế biến sâu nông sản, công nghệ sau thu hoạch, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững,.. được chú trọng trong những năm gần đây.

Theo TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, các kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân… tại nhiều tỉnh thành từ Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đến Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với sự phát triển của Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp, các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm trọng điểm và các phòng Lab liên kết doanh nghiệp. Đây là nền tảng quan trọng để trường không chỉ là trung tâm đào tạo mà còn là trung tâm khoa học – công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất.

Song song đó, Sàn Giao dịch Công nghệ TP.HCM cũng giữ vai trò quan trọng trong xúc tiến chuyển giao công nghệ. Từ năm 2013 đến nay, sàn đã tổ chức 23 kỳ Techmart chuyên ngành, quy tụ hơn 1.500 đơn vị (viện nghiên cứu, trường đại học, nhà sáng chế, doanh nghiệp…) trưng bày và giới thiệu hơn 6.000 công nghệ và thiết bị. Bên cạnh các hoạt động tại chỗ, hình thức trực tuyến và livestream cũng được đẩy mạnh, với hơn 300 buổi phát sóng, cùng chuỗi chương trình "Cà phê công nghệ" - điểm hẹn kết nối ý tưởng và hợp tác giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp.

Từ đề tài sinh viên đến doanh nghiệp thị trường

Một trong những ví dụ tiêu biểu cho quá trình chuyển hoá từ nghiên cứu học thuật đến sản phẩm thị trường là nhóm sinh viên năm 4, khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Từ đề tài khóa luận về chế phẩm vi sinh, nhóm sinh viên do Huỳnh Quí Nguyệt làm trưởng nhóm, dưới sự hướng dẫn của ThS Huỳnh Văn Hiếu, đã phát triển 5 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.

hinh-2-tu-de-tai-nghien-cuu-khoa-hoc-nhom-sinh-vien-truong-dai-hoc-nguyen-tat-thanh-thanh-lap-doanh-nghiep..jpg
Từ đề tài nghiên cứu khoa học, nhóm sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thành lập doanh nghiệp.

Tháng 10/2022, nhóm mạnh dạn thành lập Công ty cổ phần sinh học Sofa để thương mại hóa sản phẩm. Với khát vọng góp phần giảm thiểu hóa chất trong nông nghiệp, công ty đã tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp, liên tục cải tiến sản phẩm và hiện đang mở rộng hoạt động kinh doanh.

Một điển hình khác là sản phẩm tinh chất nghệ Nacur Vital, được thương mại hóa từ vật liệu nano curcumin do Trung tâm R&D nghiên cứu năm 2013 và chuyển giao năm 2016. Đây là sản phẩm có chứa 10% nano curcumin – hoạt chất nổi bật trong hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, tăng cường chức năng gan và hỗ trợ bệnh nhân ung thư.

Đặc biệt, năm 2022, hệ thống cảm biến áp suất silicon carbide do Trung tâm R&D nghiên cứu từ 2019 đã được lắp đặt tại hơn 20 vị trí trên địa bàn TP Thủ Đức để cảnh báo ngập. Thiết bị cảm biến áp lực nước tại giếng phụ cạnh cống thoát, truyền dữ liệu cảnh báo về trung tâm điều hành thông minh. Dữ liệu hiển thị trên ứng dụng di động và website giúp người dân theo dõi tình hình ngập úng và cơ quan chức năng có thể ra quyết định nhanh chóng, kịp thời.

Thành công nhờ gắn nghiên cứu với thực tiễn

Theo giới chuyên gia, mô hình liên kết "3 nhà": Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp chính là trụ cột then chốt giúp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và thương mại hóa nghiên cứu tại TP.HCM.

Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TP.HCM hiện đóng vai trò trung tâm của mô hình này. Trung tâm nhận kinh phí từ ngân sách Nhà nước để nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, sau đó phối hợp với doanh nghiệp để thương mại hoá.

TS Trịnh Xuân Thắng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm R&D - cho biết: "Tất cả các nghiên cứu của trung tâm đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp hoặc đơn vị của thành phố, nên có tính ứng dụng rất cao, khác với một số nghiên cứu thuần túy mang tính hàn lâm".

Bên cạnh đó, Sàn Giao dịch Công nghệ TP.HCM còn đóng vai trò tổ chức trung gian hỗ trợ phát triển thị trường khoa học – công nghệ. Các hoạt động kết nối cung – cầu, hỗ trợ thương mại hóa được triển khai ngày càng bài bản và sáng tạo hơn, góp phần rút ngắn con đường từ phòng thí nghiệm đến thị trường.

Ông Nguyễn Đức Tuấn - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết: "Thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Thành phố, từ năm 2021, Sàn Giao dịch Công nghệ TP.HCM đã chủ động, sáng tạo trong việc đa dạng hóa các hoạt động trên nền tảng công nghệ số. Từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu".

Từ các mô hình vườn ươm, sàn giao dịch công nghệ, đến sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, TP.HCM đang từng bước hình thành hệ sinh thái khoa học – công nghệ năng động, sáng tạo và hướng tới thị trường. Những thành công bước đầu trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu không chỉ chứng minh tiềm năng khoa học của thành phố, mà còn mở ra triển vọng xây dựng nền kinh tế tri thức bền vững trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ phòng thí nghiệm ra thị trường: Những mô hình thương mại hóa thành công kết quả nghiên cứu khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO