Triển lãm “Thơ Thiền cổ điển Việt Nam”: Hai thập kỷ lan tỏa tinh thần văn hóa Thiền
Triển lãm không chỉ là dịp để chiêm nghiệm vẻ đẹp của thi ca cổ điển mà còn truyền tải thông điệp về trách nhiệm giữ gìn và quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới.
Tại Trường Đại học Văn Lang (VLU) vừa khai mạc triển lãm “Thơ Thiền cổ điển Việt Nam”, đánh dấu chặng đường 20 năm gìn giữ và lan tỏa tinh thần Thiền từ dòng thơ Lý – Trần. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm bồi đắp chiều sâu tinh thần và văn hóa cho sinh viên.

Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang – nhấn mạnh ý nghĩa giáo dục toàn diện, trong đó văn hóa là một trụ cột quan trọng. Triển lãm không chỉ là dịp để chiêm nghiệm vẻ đẹp của thi ca cổ điển mà còn truyền tải thông điệp về trách nhiệm giữ gìn và quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới.

Triển lãm có sự tham dự của nhiều gương mặt nổi bật trong giới học thuật và văn hóa nghệ thuật: nhà thơ Nguyễn Duy – một tên tuổi lớn của văn học đương đại, nhà thơ – dịch giả Nguyễn Bá Chung – người Mỹ gốc Việt đã đồng hành cùng dự án suốt hai thập kỷ, nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc và nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng.
Điểm đặc biệt của triển lãm là không gian trưng bày 30 bản sao thơ Thiền từ hai tuyển tập: Thơ Thiền Lý – Trần và Thơ Thiền Lê – Nguyễn. Những bài thơ được chuyển ngữ công phu từ Hán tự sang thể lục bát, một thể thơ thuần Việt, vừa giữ nguyên tinh thần Thiền, vừa gần gũi với người đọc hiện đại. Các bản dịch tiếng Anh do Nguyễn Bá Chung và các nhà thơ Mỹ Kevin Bowen, Sam Hamill thực hiện, mở ra cầu nối giao lưu văn hóa quốc tế.

Tác phẩm trung tâm của triển lãm là tập Thơ Thiền Lý – Trần khổ lớn (80x110 cm, 80 trang), in thủ công trên giấy dó truyền thống. Mỗi bài thơ kèm theo tranh minh họa do chính Nguyễn Duy thực hiện tại các địa danh gắn liền với lịch sử và Thiền học như rừng trúc Yên Tử – nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông từng tu hành. Mỗi trang thơ là một lát cắt văn hóa, khơi gợi triết lý sống hài hòa, sâu sắc.
Suốt 20 năm, từ lần đầu ra mắt tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), rồi vươn xa đến Boston (Mỹ) và Potsdam (Đức), thơ Thiền Việt Nam đã vượt biên giới, kể câu chuyện văn hóa dân tộc bằng ngôn ngữ của tĩnh lặng và giác ngộ.
“Hy vọng triển lãm sẽ mang đến cho sinh viên sự am hiểu văn hóa dân tộc, từ đó thấm dần vào hành động: tôn trọng thiên nhiên, con người và nếp sống văn hóa – như thế mới là con người hoàn chỉnh”, nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ.
Được thành lập từ năm 1995, Trường Đại học Văn Lang luôn kiên định với triết lý “học tập thông qua trải nghiệm”. Mỗi năm, trường tổ chức gần 1.000 hoạt động nghệ thuật, học thuật và cộng đồng. Qua đó, sinh viên có điều kiện tiếp cận với các di sản văn hóa phi vật thể như Quan họ, Đờn ca tài tử, Cồng chiêng, Xòe Thái… góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong môi trường học đường.
Triển lãm kéo dài đến 26/5/2025 tại Cơ sở chính của Trường Đại học Văn Lang (69/68 Đặng Thùy Trâm, Q. Bình Thạnh, TP.HCM).