NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần: "Giáo dục đại học sẽ thay đổi theo sự phát triển của khoa học – công nghệ"
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ đang tác động sâu rộng đến xu hướng nghề nghiệp hiện tại và tương lai. Đây cũng là mối quan tâm lớn của học sinh, sinh viên và phụ huynh, nhất là khi mùa tuyển sinh đại học đang nóng lên trên khắp các diễn đàn.
Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần – Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định (GDU).

Phát triển GDU thành trường đại học đại chúng hàng đầu Việt Nam
Thưa PGS.TS Thái Bá Cần, ông có thể chia sẻ về tầm nhìn và chiến lược phát triển của Trường Đại học Gia Định trong 5-10 năm tới?
NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần: Chiến lược phát triển của GDU đã được thể hiện trong sứ mệnh và tầm nhìn của nhà trường. Trong đó, GDU hướng đến trở thành trường đại học đại chúng hàng đầu Việt Nam. Khái niệm "đại chúng" có nghĩa là đào tạo các nhóm ngành phổ biến, có nhu cầu nhân lực cao, phù hợp với số đông người học.
Phân khúc đào tạo này chủ yếu phục vụ các khu công nghiệp, doanh nghiệp và các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Nhà trường tập trung cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.
GDU có kế hoạch gì để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số?
- Chất lượng của một trường đại học phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Chương trình đào tạo (CTĐT), đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ thông tin. Trong đó, chương trình đào tạo đóng vai trò then chốt.
GDU đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, các nhà sản xuất để xây dựng CTĐT phù hợp với sự phát triển của công nghiệp và kinh tế số. Bên cạnh cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), nhà trường còn chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo nhằm giúp sinh viên thích nghi với thị trường lao động.
Hợp tác với doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên nâng cao tay nghề mà còn tạo cơ hội tiếp cận công nghệ, máy móc hiện đại, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế.

Ngoài kiến thức chuyên môn, GDU có chiến lược gì để phát triển kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng cho sinh viên, thưa thầy?
- Trước đây, kiến thức chuyên môn là thước đo chính của chất lượng đào tạo, nhưng hiện nay điều đó không còn đủ. Sinh viên khi tốt nghiệp cần phải có nhiều kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc.
Do đó, GDU đã tích hợp các kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo chính khóa. Trong năm qua, nhà trường đã đưa môn Kỹ năng khởi nghiệp vào giảng dạy và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ sinh viên. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, để có đổi mới sáng tạo, trước hết phải có tư duy sáng tạo. Đây vẫn là một điểm yếu trong đào tạo hiện nay. Trước đây, nhiều nhà khoa học, trong đó có tôi, đã nghiên cứu đưa phương pháp đào tạo tư duy sáng tạo cho giới trẻ, nhưng đến nay chưa có kết quả khả quan trên diện rộng. GDU có thể sẽ đi tiên phong trong việc đào tạo tư duy sáng tạo cho sinh viên trong thời gian tới.
Dự báo xu hướng nghề nghiệp trong tương lai
Theo thầy, những ngành nghề nào sẽ lên ngôi trong 5-10 năm tới? GDU có điều chỉnh nào để bắt kịp xu thế này không?
- Dự đoán xu hướng nghề nghiệp trong 5-10 năm tới là một thách thức lớn, nhưng có thể thấy một số lĩnh vực sẽ phát triển mạnh:
+Công nghiệp công nghệ số: Đây là lĩnh vực đang hình thành với các hoạt động như sản xuất tài sản số, cung cấp dịch vụ công nghệ số, phát triển AI, dữ liệu lớn (Big Data)… Điều này cho thấy một bước tiến cao hơn so với ngành Công nghệ thông tin truyền thống.
+Công nghiệp giải trí, văn hóa – truyền thông: Xu hướng này phát triển nhờ sự bùng nổ của công nghệ số và AI, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của con người.
+Công nghệ y khoa, chăm sóc sức khỏe: Ngành y khoa đang chuyển dịch thành một ngành công nghệ, ứng dụng AI và dữ liệu lớn trong chẩn đoán, điều trị.
GDU sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực này.

Hiện những ngành như Công nghệ thông tin, Khoa học sức khỏe đang rất thu hút. GDU có chiến lược đầu tư như thế nào?
- Công nghệ thông tin và Khoa học sức khỏe đều đang phát triển mạnh.
Với Công nghệ thông tin, GDU tập trung đào tạo chuyên sâu về AI, dữ liệu lớn, công nghệ phần mềm…
Với Khoa học sức khỏe, nhà trường sẽ kết hợp công nghệ y khoa để đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, giúp bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn sử dụng thành thạo các công nghệ hỗ trợ chẩn đoán và điều trị.
Những tâm huyết với giáo dục đại học
Là người gắn bó lâu năm với giáo dục và làm hiệu trưởng nhiều trường đại học, thầy có triết lý giáo dục nào tâm đắc và theo đuổi?
- Về triết lý giáo dục, chúng ta cũng đã bàn luận nhiều. Theo tôi thấy, triết lý giáo dục đã được Đảng và Nhà nước khẳng định từ lâu: Nâng cao dân trí – Đào tạo nhân lực – Bồi dưỡng nhân tài.
Trước đây, nhiều người cho rằng giáo dục đại học chỉ tập trung đào tạo nhân tài. Tuy nhiên, giáo dục đại học cũng đóng vai trò quan trọng trong nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực. Mỗi cơ sở giáo dục làm được phân khúc nào thì cũng tốt cho sự phát triển giáo dục. Vì vậy, mỗi cơ sở đào tạo, dù công lập hay tư thục, đều có giá trị riêng trong hệ thống giáo dục đại học.
Xin cảm ơn NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần!
NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần – Hơn 40 năm cống hiến cho giáo dục đại học

Với hơn 40 năm gắn bó với giáo dục đại học, NGƯT.PGS.TS. Thái Bá Cần đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò, trong đó có những cán bộ cấp cao, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp.
Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Hoa Sen, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Hiện tại, ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định.