Y học

Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, đánh giá mức độ lo âu và kết quả điều trị tại chỗ viêm da cơ địa mạn bằng E-PSORA (polyhydroxy acid, jojoba Oil, vitamin E) tại Thành phố Cần Thơ năm 2022-2023

Nguyễn Thị Kim Cúc - Huỳnh Văn Bá - Trương Lê Anh Tuấn - Đào Hoàng Thiên Kim - (Trường ĐH Y Dược Cần Thơ)

Nguyễn Thị Kim Cúc1*, Huỳnh Văn Bá1

Trương Lê Anh Tuấn2, Đào Hoàng Thiên Kim3

1.Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

28/10/2023 - 10:59

Viêm da cơ địa là một trong những bệnh viêm da mạn tính thường gặp, bệnh làm cho bệnh nhân mất ngủ, lo âu. Phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm da cơ địa giai đoạn mạn tính là sử dụng thường xuyên các chất dưỡng ẩm.

Viêm da cơ địa là một trong những bệnh viêm da mạn tính thường gặp, bệnh làm cho bệnh nhân mất ngủ, lo âu. Phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm da cơ địa giai đoạn mạn tính là sử dụng thường xuyên các chất dưỡng ẩm.

Chất dưỡng ẩm cung cấp một rào cản bao phủ da, giúp giữ độ ẩm và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây kích ứng, vừa có tác dụng kháng khuẩn, vừa chống ngứa và chống viêm. E-PSORA chứa các thành phần PHA, dầu jojoba, vitamin E mang lại lợi ích tiềm năng trong điều trị tại chỗ bệnh viêm da cơ địa.

Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng đánh giá mức độ lo âu và kết quả điều trị tại chỗ viêm da cơ địa mạn bằng E-PSORA (polyhydroxy acid, jojoba oil, vitamin E) trên địa bàn Thành Phố Cần Thơ từ tháng 6/2022 đến 6/2023 (địa điểm nghiên cứu là Viện nghiên cứu Da thẩm mỹ Quốc tế FOB).

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang trên 103 bệnh nhân viêm da cơ địa mạn điều trị bằng E-PSORA, theo dõi trong 4 tuần.

Viêm da cơ địa - một trong những bệnh viêm da mạn tính thường gặp

Bệnh kéo dài ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lí mặc cảm, lo âu. Đồng thời viêm da cơ địa gây ngứa tạo nên trạng thái không thoải mái, khó chịu, làm cho bệnh nhân mất ngủ, lo âu, trầm cảm. Ngược lại, mất ngủ, lo âu tác động lại làm khởi phát hoặc làm cho viêm da cơ địa nặng hơn, tạo thành vòng tròn bệnh lý. Tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều nghiên cứu về rối loạn lo âu trên bệnh nhân viêm da cơ địa.

Phương pháp điều trị chính cho viêm da cơ địa giai đoạn mạn tính là sử dụng thường xuyên các chất dưỡng ẩm. Chất dưỡng ẩm cung cấp một rào cản bao phủ da, giúp giữ độ ẩm và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây kích ứng, vừa có tác dụng kháng khuẩn, vừa chống ngứa và chống viêm. Từ đó, chúng đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện triệu chứng lâm sàng, kéo dài thời gian bùng phát bệnh, làm giảm lượng corticoid tại chỗ.

E-PSORA chứa các thành phần như PHA, dầu Jojoba, vitamin E, với tính chất chống oxy hóa, có thể có tác dụng chống viêm, làm chậm tác dụng của các gốc tự do và thể hiện được đặc tính giữ ẩm của nó, do đó, chúng có thể mang lại lợi ích tiềm năng trong việc kết hợp điều trị tại chỗ ở bệnh nhân viêm da cơ địa mạn tính.

Xuất phát từ những đặc điểm trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu với mục tiêu sau:

1 - Mô tả đặc điểm lâm sàng và xác định tỉ lệ mức độ lo âu trong bệnh nhân viêm da cơ địa mạn tại Thành phố Cần Thơ năm 2022-2023.

2 - Đánh giá kết quả điều trị tại chỗ viêm da cơ địa mạn bằng E-PSORA (polyhydroxy acid, jojoba oil, vitamin E) Thành Phố Cần Thơ năm 2022-2023.

Phân bố đối tượng nghiên cứu theo tuổi: Từ 0 đến trên 60 tuổi.

Phân bố đối tượng nghiên cứu theo giới tính: 65 nữ và 38 nam.

Phân bố đối tượng nghiên cứu theo nghề nghiệp: Nông dân, công nhân, cán bộ nhân viên, học sinh, sinh viên, nội trợ, buôn bán, nghỉ hưu.

Kết quả điều trị tại chỗ viêm da cơ địa bằng E-PSORA

Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân viêm da cơ địa mạn từ 12-35 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ nhiều nhất (38,8%), kế đến nhóm tuổi từ 36-59 chiếm tỷ lệ 37,9%. Tuổi trung bình 35,7±19,4, tuổi nhỏ nhất là 4, lớn nhất là 86.

Cũng trong nghiên cứu, bệnh nhân nam chiếm 36,9%, bệnh nhân nữ 63,1%. Tỷ lệ nam/nữ: 0,6/1. Bệnh nhân có nghề nghiệp cán bộ nhân viên, học sinh, sinh viên chiếm tỉ lệ cao nhất 45,6 %, đến nông dân, công nhân và nội trợ 24,3%, khác (già, hưu) 5,8%. Có thể thấy, đây là nhóm đối tượng tri thức, quan tâm nhiều đến bệnh lý, ảnh hưởng của bệnh viêm da cơ địa nên đến khám và điều trị.

Chúng tôi ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân viêm da cơ địa mạn có rối loạn lo âu là 1,9 %, cận lo âu là 40,8%. Phân bố mức độ nhẹ, trung bình, nặng ở bệnh nhân viêm da cơ địa có rối loạn cận lo âu lần lượt là 2,4%, 81%, 16,7%, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p <0,001).

Sau 4 tuần điều trị viêm da cơ địa mạn tính với dưỡng ẩm E-PSORA, điểm SCORAD giảm dần theo thời gian, giảm đáng kể có ý nghĩa thống kê. E-PSORA nên là liệu pháp được khuyến cáo thời gian điều trị tối thiểu 4 tuần để điều trị tại chỗ đơn độc hoặc phối hợp nhằm hạn chế tái phát bệnh.

Kết quả điều trị khá đến tốt tăng dần theo tần suất bôi E-PSORA (77,3% ở nhóm bôi 1 lần/ngày, 98,8% ở nhóm bôi 2 lần/ngày). Tỷ suất chênh chỉ ra sự khác biệt giữa hai tỉ lệ này là 23,529 (khoảng tin cậy 95% 2,581-214,470). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,001). Có mối liên quan giữa tần suất bôi E-PSORA và kết quả điều trị. Bệnh nhân có kết quả điều trị tốt hơn khi tần suất bôi E-PSORA nhiều lần hơn.

Hiệu quả kem dưỡng ẩm phụ thuộc vào liều lượng do đó kết quả điều trị cải thiện khi tăng tần suất sử dụng dưỡng ẩm. Sau khi bôi lên da, các thành phần của kem dưỡng ẩm trên bề mặt, hấp thụ vào da hoặc chuyển hóa bằng cách bốc hơi ra môi trường bên ngoài, bong ra hoặc tiếp xúc với các vật liệu khác (dính vào áo, quần…), chỉ có 50% các loại kem bôi vẫn còn ở trên bề mặt da sau 8 giờ. Vì vậy, cần hướng dẫn bệnh nhân viêm da cơ địa tuân thủ điều trị kem dưỡng ẩm bằng cách bôi đúng cách với tần suất từ 2 lần trở lên mỗi ngày, đặc biệt là sau khi tắm để đạt kết quả điều trị tốt nhất.

Tác dụng không mong muốn sau khi dùng E-PSORA chỉ gặp ngứa và đỏ da với tỷ lệ lần lượt là 4,9% và 2,9%. Thời gian xuất hiện tác dụng không mong muốn này ở tuần đầu tiên khi điều trị và sau đó không thấy xuất hiện mặc dù thuốc vẫn được sử dụng trong 4 tuần theo dõi điều trị tiếp theo nên đây chỉ là tác dụng không mong muốn tạm thời. Chủ yếu là bệnh nhân đỏ da và ngứa khu trú ở diện tích nhỏ sau khi bôi. Không có bệnh nhân phải ngừng điều trị vì tác dụng không mong muốn

Kết luận

Qua nghiên cứu 103 trường hợp viêm da cơ địa mạn, ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân lo âu 1,9%, cận lo âu là 40,8%. Bệnh nhân có mức độ lo âu càng nhiều thì mức độ bệnh càng có xu hướng nặng. E-PSORA là liệu pháp tại chỗ hiệu quả đối với bệnh viêm da cơ địa mạn. Sau 4 tuần điều trị, tỷ lệ đạt kết quả tốt 57,3%, khá 36,9%, điểm SCORAD giảm dần có ý nghĩa thống kê. Tác dụng không mong muốn ghi nhận 2,9% đỏ da và 4,9% ngứa ở tuần đầu tiên và không xuất hiện trong 3 tuần điều trị tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, đánh giá mức độ lo âu và kết quả điều trị tại chỗ viêm da cơ địa mạn bằng E-PSORA (polyhydroxy acid, jojoba Oil, vitamin E) tại Thành phố Cần Thơ năm 2022-2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO