Nắng nóng, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái đồng bằng
Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong những vùng sản xuất gạo lớn nhất thế giới. Biến đổi khí hậu đã gây ra các hiện tượng cực đoan như mực nước biển tăng và hạn hán, làm ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng của gạo.
Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tác động của biến đổi khí hậu.
Trong khi năng suất cây trồng như lúa và ngô dự báo sẽ giảm sản lượng, dịch bệnh dự kiến sẽ tăng do điều kiện khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn. Biến đổi khí hậu có thể làm giảm khoảng 12% diện tích sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng và 24% ở đồng bằng sông Cửu Long.
Thời tiết nắng nóng và khô hơn trên toàn khu vực đã khiến giá gạo ở các nước xuất khẩu chính là Thái Lan và Việt Nam tăng vọt khoảng 20%. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nếu nhiệt độ tăng thêm 1⁰C, năng suất lúa sẽ giảm 10%, thực trạng trên sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.
Sự biến đổi môi trường sống của các loài cá và động vật khác cũng tác động đến hệ sinh thái đồng bằng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Nuôi trồng thủy sản trong ao, hồ có thể bị thiệt hại hoàn toàn do nước biển dâng. Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm giảm tính đa dạng của các loại thủy sản và làm suy thoái chất lượng đất.
Thị trường nông sản gần đây ngày càng nhiều biến động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mùa mưa ở Ấn Độ cũng trở nên thất thường do đó mà chất lượng cũng như sản lượng lúa mì bị giảm sút nghiêm trọng, làm cho thị trường nông sản không ổn định và khó lường trước, ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Đồng thời, quốc gia này cũng phải hạn chế xuất khẩu gạo vì hạn hán. Trước đó, giá xoài cũng tăng cao vì thời tiết nắng nóng bất thường.
Hay một đợt nắng nóng gay gắt đổ bộ vào Tây Phi hồi tháng 2 vừa qua đã làm nhiệt độ tăng lên 4⁰C và có khả năng nhiệt độ sẽ cao gấp 10 lần do sự nóng lên toàn cầu. Khu vực này là nguồn xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới, các nông dân ở đây cho biết nắng nóng đã làm suy yếu cây trồng vốn dĩ đã bị hư hại do lượng mưa lớn vào tháng 12 năm ngoái.
Liên Hợp Quốc đã ước tính chi phí thích nghi với khủng hoảng khí hậu cho các nước đang phát triển là từ 215 tỷ đến 387 tỷ USD. Tuy nhiên, các cộng đồng khác trên toàn cầu chỉ hỗ trợ được 21 tỷ USD tính đến năm 2021.