Y học

Phòng ngừa say nắng, ngộ độc, nhiễm siêu vi khi vào mùa nóng

BS.CKII. Huỳnh Tấn Vũ – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Cơ sở 3 26/05/2025 - 15:37

Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải dễ dẫn đến say nắng, say nóng. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm nhanh bị ôi thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn - nguyên nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa.

nang-nong.jpg
Thời tiết năng nóng làm cơ thể dẫn đến say nắng, say nóng

Say nắng, say nóng

Khi nhiệt độ tăng cao, lên đến 38-39 độ C, bất kể đối tượng nào, dù là người lớn hay trẻ em đều có thể bị say nắng, say nóng. Nguyên nhân là do cơ thể mất nhiều nước (tiết mồ hôi nhiều, rối loạn điều hòa thân nhiệt khi gặp ánh nắng gay gắt chiếu vào người). Khi bị say nắng, người lớn thường có biểu hiện sốt, chóng mặt, thậm chí bị ngất xỉu. Trẻ nhỏ sẽ có biểu hiện quấy khóc, lờ đờ, chán ăn, nóng toàn thân, thậm chí bị co giật.

Say nóng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ do ảnh hưởng từ nhiệt độ môi trường xung quanh ở mức cao và/hoặc do hoạt động thể lực quá mức, gây ra các biến chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương khiến bộ phận này bị rối loạn và mất kiểm soát. Tình trạng say nóng có thể phát triển thành say nắng (sốc nhiệt). Say nắng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ cao (trên 40 độ C), thường kết hợp với mất nước. Hệ quả, hệ thống điều hòa nhiệt của cơ thể bị mất kiểm soát, gây ra những rối loạn hệ hô hấp, thần kinh, tuần hoàn…

Biểu hiện khi bị say nắng

- Sốt từ 40 độ C trở lên.

- Thay đổi về trạng thái tinh thần hoặc hành vi (như lú lẫn, kích động, nói lắp).

- Chóng mặt và choáng váng.

- Da khô, nóng hoặc tăng tiết mồ hôi.

- Buồn nôn và ói mửa.

- Da ửng đỏ.

- Mạch đập nhanh.

- Yếu cơ hoặc chuột rút.

- Thở nhanh.

- Đau đầu.

- Vô thức.

- Co giật.

Nguyên nhân gây say nắng, say nóng

Không uống đủ nước khi thời tiết nắng nóng, không khí lưu thông kém trong nhà, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nơi ở. Nếu tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều có thể làm tăng thêm chỉ số nhiệt cơ thể lên tới 15 độ.

Ngoài ra, sốc nhiệt cũng có mối liên quan với chỉ số nhiệt. Độ ẩm tương đối từ 60% trở lên sẽ gây cản trở sự bay hơi của mồ hôi và khả năng tự làm mát của cơ thể.

Những yếu tố thuận lợi khác bao gồm:

- Khả năng điều nhiệt, thích nghi kém với nắng nóng ở trẻ em hoặc người già.

- Tập luyện và làm việc quá lâu trong môi trường nắng nóng.

- Mặc trang phục quá dày, không thấm nước, dễ hấp thụ nhiệt…

- Không uống đủ lượng nước cần thiết khi ở trong môi trường quá nóng.

- Sử dụng thuốc có tác dụng phụ làm giảm tiết mồ hôi như lợi tiểu, chẹn beta, kháng histamin…

- Mắc các bệnh lý liên quan đến rối loạn nội tiết tố, béo phì…

Người lớn tuổi, người lao động ngoài trời… là đối tượng dễ bị say nóng, say nắng nhất

Xử trí khi gặp người bị say nắng, say nóng

- Bước 1: Nhanh chóng gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp 115 hoặc y tế địa phương.

- Bước 2: Trong thời gian chờ xe cấp cứu, di chuyển người bị say nắng đến nơi râm mát.

- Bước 3: Cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết.

- Bước 4: Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể.

- Bước 5: Làm mát cơ thể bằng bất cứ cách nào như: xịt mát cơ thể bằng nước, dùng quạt phun sương; đặt túi nước đá hoặc khăn mát lên vùng cổ, nách và bẹn; cho người say nắng uống nước mát để bù nước (nếu có thể)…

- Bước 6: Đánh giá mức độ tỉnh táo người say nắng (lay gọi, tiếp xúc…).

+ Nếu nạn nhân tỉnh táo, cho nạn nhân uống bổ sung nước, chất điện giải…

+ Nếu nạn nhân chưa tỉnh táo tiếp tục làm mát cơ thể trong khi chờ xe cấp cứu.

+ Nếu nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu tuần hoàn (thở, ho hoặc cử động) thì thực hiện hô hấp nhân tạo.

Phòng ngừa say nắng, say nóng trong mùa hè

Khi chỉ số nhiệt lên cao, tốt nhất nên ở trong môi trường có không khí mát mẻ. Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, có thể ngăn ngừa hiện tượng say nắng bằng cách:

- Bổ sung các loại nước trái cây giúp giảm nhiệt độ cơ thể trong những ngày nắng nóng.

- Mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, sáng màu và đội mũ rộng vành.

- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên.

- Uống thêm nước. Để ngăn ngừa tình trạng mất nước, nên uống ít nhất 1,5 lít nước lọc, nước trái cây hoặc nước ép rau củ mỗi ngày, cũng có thể dùng nước uống thể thao giàu chất điện giải trong những ngày nhiệt độ lên cao và độ ẩm xuống thấp.

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi tập thể dục hoặc làm việc ngoài trời. Khuyến nghị chung là uống khoảng 700ml nước vào thời điểm hai giờ trước khi tập thể dục và cân nhắc bổ sung thêm 250ml nước hoặc thức uống thể thao ngay trước khi tập. Trong khi tập thể dục, cứ sau 20 phút, nên uống thêm 250ml nước ngay cả khi không cảm thấy khát.

- Thay đổi hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, hãy chuyển thời gian hoạt động ngoài trời vào những thời điểm mát mẻ nhất trong ngày, sáng sớm hoặc sau khi mặt trời lặn.

- Tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu, vì các chất này có thể khiến tình trạng mất nước hơn trầm trọng hơn, cũng không nên uống viên muối khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Cách đơn giản và an toàn nhất để thay thế muối và các chất điện giải trong các đợt nắng nóng là uống đồ uống thể thao hoặc nước trái cây.

- Trường hợp mắc bệnh động kinh/ bệnh tim, thận/gan… đang ăn kiêng hạn chế chất lỏng; hoặc cơ thể có vấn đề về giữ nước, cần tư vấn bác sĩ trước khi tăng lượng nước cho cơ thể.

- Hạn chế ra ngoài đường khi thời tiết nắng nóng. Tạo không gian thoáng mát trong nhà, buông rèm cửa, che chắn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng vào thời điểm nóng nhất trong ngày.

Các biện pháp ngăn ngừa say nắng khác

Theo dõi màu sắc nước tiểu. Nước tiểu sẫm màu hơn là dấu hiệu của tình trạng mất nước. Do đó, nên đảm bảo uống đủ nước để duy trì nước tiểu có màu sáng.

Đo cân nặng trước và sau khi hoạt động thể chất. Theo dõi trọng lượng nước đã mất có thể giúp xác định lượng nước cần uống.

Ngộ độc thực phẩm

Thời tiết nóng bức cùng với độ ẩm cao chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại, nhất là trong đường tiêu hóa sinh sôi và phát triển. Trong khi đó nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm hoặc nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng, thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu…

Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực, là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, vượt quá liều lượng cho phép các chất bảo quản, chất phụ gia…

Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏe lại sau vài ngày; trong trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

ngo-doc-thuc-pham.jpg
Ngộ độc thực phẩm

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp

- Vi khuẩn Salmonella (vi khuẩn gây bệnh thương hàn) gây ra các triệu chứng buồn nôn, nhức đầu, choáng váng, sốt và tiêu chảy.

- Độc tố tụ cầu Staphylococcus có trong sữa, thịt gia cầm chưa nấu chín gây chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mạch đập nhanh, tiêu chảy.

- Độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum trong thịt cá bị ươn, ôi thiu phá hủy hệ thần kinh trung ương và hành tủy, gây tử vong.

- Độc tố vi nấm Aflatoxin trên các loại hạt như lạc, đậu nành, hướng dương, điều, ngô; các loại bột từ những hạt này khi bị nấm mốc.

- Các loại virus viêm gan A (HAV) và Norwalk trong các loại thực phẩm như rau sống, thức ăn chế biến nguội; các loại nhuyễn thể như sò, ốc, hến sống ở vùng nước bẩn.

- Sán lá gan nhỏ trong các món ăn chế biến từ gỏi cá sống, cá nướng, ốc chưa luộc chín.

- Các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân, selenium lẫn trong thực phẩm.

- Tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật.

- Các chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm không được phép sử dụng, hoặc dùng quá liều lượng, quá thời hạn…

Triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể từ 1-2 ngày sau khi hệ tiêu hóa tiêu thụ hết thực phẩm. Một số trường hợp người bệnh có thể nghĩ đến ngộ độc khi:

- Có những biểu hiện khác thường sau khi ăn uống một thực phẩm nào đó.

- Những người cùng ăn chung một loại thực phẩm có biểu hiện giống nhau, trong khi những người không ăn loại thực phẩm đó không có biểu hiện gì.

- Gặp phải những triệu chứng ngộ độc thực phẩm đặc trưng như đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy.

- Thực phẩm vừa ăn uống có mùi vị lạ, ôi thiu, thậm chí có thể có giun sán.

Bên cạnh đó, tùy theo nguyên nhân gây trúng thực, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:

- Ngộ độc do vi sinh vật: Các loại vi khuẩn, virus hoặc các độc tố từ vi sinh vật là một trong những nguyên nhân ngộ độc thực phẩm. Trường hợp này, người bệnh sẽ có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; các biểu hiện mất nước như khát nước, khô môi; hoặc nhiễm trùng gây sốt, liên tục vã mồ hôi.

- Ngộ độc do thực phẩm nhiễm hóa chất: Người bệnh sẽ có những triệu chứng khá phức tạp, không chỉ ở hệ tiêu hóa mà còn xuất hiện bất thường ở các cơ quan khác như đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường, trụy mạch,…

- Ngộ độc do thực phẩm chứa độc tố tự nhiên: Các thực phẩm vốn chứa sẵn độc tố như sắn, măng, có nóc, cóc,… nếu không được chế biến đúng cách khi ăn vào sẽ gây nên những triệu chứng bất thường.

Biến chứng của ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thức ăn (ngộ độc thực phẩm) nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

- Rối loạn thần kinh: Người bệnh nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, có thể nói ngọng; bị tê liệt cơ, gặp tình trạng co giật, đau đầu, chóng mặt.

- Rối loạn tim mạch: Người bệnh có thể tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở, đau ngực.

- Ảnh hưởng hệ tiêu hóa: Thấy máu và chất nhầy lẫn trong phân, đau bụng dữ dội và đau ở các vị trí khác như đau cổ, đau họng, đau ngực.

- Sức đề kháng giảm sút: Sức đề kháng của người bị ngộ độc suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người lớn tuổi hoặc những người đang điều trị bệnh phải sử dụng các thuốc gây ức chế miễn dịch (đối với các bệnh lý về khớp, ung thư, dị ứng), người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh lý dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố…, tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn.

Xử trí khi ngộ độc thực phẩm

Khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có những biểu hiện ngộ độc, cần bình tĩnh và áp dụng những biện pháp sơ cứu ngay lập tức để giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe người bệnh.

Gây nôn

Đối với những người có triệu chứng nôn mửa ngay sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc, hoặc những người bệnh còn tỉnh táo, chưa có triệu chứng ngộ độc cần lập tức dùng mọi biện pháp kích thích để nôn hết những thức ăn ra khỏi dạ dày. Có thể dùng ngón trỏ (đã được rửa sạch) để ép vào góc lưỡi người bệnh, hoặc pha nước muối hòa tan trong nước ấm để kích thích người bệnh nôn càng nhiều càng tốt, hạn chế các loại độc tố ngấm vào cơ thể người bệnh.

Trong quá trình gây nôn cần chú ý:

Khi kích thích người bệnh nôn, nên để người bệnh nằm nghiêng, kê cao phần đầu để chất độc không bị trào ngược vào phổi, hạn chế nguy cơ người bệnh tử vong do sặc hoặc ngạt thở. Đối với trẻ em, cần khéo léo tránh gây xước cổ họng trẻ.

Có thể giữ lại những mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, thậm chí giữ cả những mẫu thức ăn người bệnh vừa nôn để có thể xác định chính xác nguyên nhân.

Bù nước

Người bị ngộ độc thực phẩm có thể nôn và tiêu chảy nhiều lần dẫn đến mất nước, do đó cần cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Có thể bù nước cho người bệnh bằng dung dịch oresol được pha theo chỉ dẫn.

Lưu ý, nếu sử dụng dung dịch oresol phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, dùng đúng liều lượng chỉ định như không pha quá ít hoặc quá nhiều nước, không sử dụng dung dịch đã pha quá 24 tiếng, không đun sôi dung dịch… Nếu nhiều người ngộ độc thức ăn cùng một lúc cần chia dung dịch oresol riêng biệt, không cho uống chung vì có thể khiến tình trạng của những người ngộ độc nhẹ trở nên nghiêm trọng hơn.

Trường hợp người bệnh có những triệu chứng bất thường như co giật, rối loạn ý thức, suy hô hấp không được gây nôn vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Kể cả khi đã thực hiện các bước sơ cứu kể trên, người bệnh vẫn có nguy cơ gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Do đó, cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cũng như các biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần chọn lựa thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc ăn chín uống sôi.

Lựa chọn thực phẩm

- Chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không ôi thiu, kém chất lượng.

- Không chọn những thực phẩm nhiễm chất độc hóa học, hoặc các loại thực phẩm chứa độc như nấm lạ, khoai tây mọc mầm, cá nóc,…

Bảo quản thực phẩm

- Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp và trong thời gian cho phép.

- Không để thức ăn ở ngoài quá hai giờ; không quá một giờ đồng hồ vào mùa hè hoặc khi thời tiết nắng nóng vì có thể gây hư hỏng, ôi thiu.

Chế biến thức ăn

- Rửa tay trước khi tiếp xúc thực phẩm, trong và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống.

- Làm sạch các nguyên vật liệu trước khi chế biến món ăn.

- Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, ăn uống; rửa sạch bằng xà phòng và nên rửa bằng nước ấm.

Đảm bảo nguyên tắc “ăn chín uống sôi”: Thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi, chỉ ăn ở những nơi đảm bảo vệ sinh, tránh những nơi bụi bẩn, ẩm thấp; bảo quản, chế biến thức ăn đúng cách tránh nguy cơ vi khuẩn xâm nhập gây ngộ độc…

Nhiễm các bệnh do siêu vi

Thời tiết nắng nóng thường kèm theo việc chuyển mưa, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý truyền nhiễm do siêu vi như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, viêm não Nhật Bản... phát triển.

Con đường lây truyền nhiễm siêu vi

- Hít thở: Nếu một người bị nhiễm virus có ho/ hắt hơi ở gần, có thể hít phải những giọt bắn có chứa virus từ họ. Trường hợp này thường xảy ra đối với lây cúm hoặc cảm lạnh thông thường.

- Nuốt phải: Đồ ăn, thức uống cũng có thể bị nhiễm virus như virus norovirus và enterovirus. Nếu dùng phải những thực phẩm như vậy cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng.

- Bị cắn/đốt: Có thể bị nhiễm trùng virus nếu bị côn trùng và các động vật khác mang virus cắn/đốt. Ví dụ cho trường hợp này là bệnh dại hoặc sốt xuất huyết.

- Truyền máu: Nếu người hiến máu bị nhiễm virus như viêm gan B hay HIV có nguy cơ cao lây bệnh cho người nhận máu.

thoi-tiet-nang-nong-thuong-kem-theo-viec-chuyen-mua-la-dieu-kien-thuan-loi-cho-cac-benh-ly-truyen-nhiem-do-sieu-vi-nhu-sot-xuat-huyet-tay-chan-mieng-thuy-dau-viem-nao-nhat-ban...-phat-trien..jpg
Thời tiết nắng nóng thường kèm theo việc chuyển mưa, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý truyền nhiễm do siêu vi như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, viêm não Nhật Bản... phát triển.

Triệu chứng bị nhiễm siêu vi

Một khi virus xâm nhập vào cơ thể sẽ mất từ 16 giờ tới 48 giờ để chuyển sang giai đoạn nhiễm trùng, sau đó sẽ xuất hiện tình trạng sốt.

Người bị nhiễm siêu vi có thể sốt từ 37,2°C (nhiệt độ đo được ở nách) đến hơn 39°C tùy vào loại virus tiềm ẩn. Ngoài ra khi có hiện tượng sốt siêu vi, người bệnh còn có thêm các triệu chứng kéo dài trong vài ngày như:

- Ho.

- Hắt hơi.

- Ớn lạnh.

- Đổ mồ hôi.

- Mất nước.

- Đau đầu; đau nhức cơ thể; mệt mỏi.

- Ăn không ngon.

- Đau amidan.

- Chảy nước mũi.

- Khó thở; viêm họng.

- Buồn nôn, nôn ói

- Rối loạn tiêu hóa (thường gặp là tiêu chảy).

- Phát ban.

- Sưng mặt.

- Đỏ mắt.

Phần lớn các cơn sốt siêu vi kéo dài từ 3 - 4 ngày; một số ít kéo dài ít nhất 1 ngày. Ngoài ra có những cơn sốt khác như sốt xuất huyết có thể kéo dài từ 10 ngày trở lên.

Lưu ý: Nếu người bị nhiễm siêu vi đồng thời đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như steroid, methotrexate hoặc thuốc điều trị ung thư; người ghép tạng; nhiễm HIV… hoặc hay có dấu hiệu rối loạn tri giác thì cần thăm khám ngay lập tức.

Cả 2 bệnh lý nhiễm trùng do virus và vi khuẩn gây ra có nhiều triệu chứng tương tự. Vì vậy để chẩn đoán bệnh nhiễm siêu vi, bác sĩ có thể sẽ tìm cách loại trừ nhiễm trùng do vi khuẩn qua xem xét các triệu chứng và tiền sử bệnh cũng như thực hiện các xét nghiệm máu hoặc lấy các mẫu bệnh phẩm như nước bọt hoặc chất dịch cơ thể.

Cách phòng ngừa nhiễm siêu vi

Do virus thường lây lan qua đường hô hấp, côn trùng cắn/ đốt, dịch cơ thể và đường ăn uống cho nên nếu áp dụng 6 cách phòng tránh dưới đây sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh hiệu quả:

- Rửa tay đúng cách: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng/ nước rửa tay khô trước khi ăn, sau khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh… Tay là nơi tiếp xúc nhiều bề mặt có thể chứa virus. Giữ tay sạch sẽ giúp ngăn chặn virus đáng kể, từ đó ngăn ngừa sốt siêu vi.

giu-tay-sach-se-giup-ngan-chan-nhiem-virus-dang-ke-tu-do-ngan-ngua-sot-sieu-vi.-anh-minh-hoa.jpg
Thời tiết nắng nóng thường kèm theo việc chuyển mưa, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý truyền nhiễm do siêu vi như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, viêm não Nhật Bản... phát triển.

- Tránh ở gần/tiếp xúc với người bệnh: Nên duy trì khoảng cách an toàn với người bị sốt siêu vi - đặc biệt trẻ em và người lớn tuổi.

- Phòng ngừa muỗi đốt: Một số bệnh sốt siêu vi như sốt xuất huyết lây lan qua đường muỗi đốt. Do đó các sản phẩm chống muỗi như kem bôi, mùng màn, thuốc xịt… là vật dụng cần thiết. Ngoài ra chúng ta cũng nên đóng cửa vào buổi tối và đảm bảo không gian sống xung quanh thoáng đãng, che kín nơi đựng nước… để không tạo ra nơi sinh sản của muỗi.

- Che mũi, miệng: Đeo khẩu trang là cách đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa các giọt bắn chứa virus trong không khí. Nếu không có khẩu trang, chúng ta nên che miệng và mũi mỗi khi ở gần ai đó ho hoặc hắt hơi.

- Có thói quen ăn uống tốt: Ăn đồ ăn ấm cũng góp phần giảm nguy cơ bị nhiễm siêu vi bởi virus không tồn tại được ở nhiệt độ cao. Ngoài ra ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự lây nhiễm virus.

- Chủng ngừa: Có nhiều bệnh nhiễm trùng gây sốt siêu vi có thể ngăn ngừa bằng việc tiêm ngừa, ví dụ như cúm. Vậy nên nếu có thể hãy tiêm chủng các loại vắc xin cúm hiện có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa say nắng, ngộ độc, nhiễm siêu vi khi vào mùa nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO