Nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong cộng đồng
Ngày 25/12, Cục Phổ biến giáo dục (Bộ Tư pháp) phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức hội thảo “Hành lang pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa có thể nắm bắt được những quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tính đến nay Việt Nam đàm phán và ký kết thành công nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại song phương và đa phương , trong đó đã ký kết và thực thi 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Khi Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày càng nhiều thì hàng rào thuế quan gần như được gỡ bỏ theo nguyên tắc chung là tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, các vấn đề về thuế, hải quan, hạng ngạch cũng như các thủ tục hành chính.
Do đó, điều kiện gia nhập thị trường không còn là trở ngại lớn với các nhà đầu tư, nhà sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vì nhiều mục tiêu như bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật, các vấn đề môi trường, lợi ích quốc gia bao gồm an ninh quốc phòng, lợi ích kinh tế thì các nước đã tăng cường việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại cũng như các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm.
Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng
Việc hội thảo “Hành lang pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm” được tổ chức đã góp phần quan trọng trong việc định hình lại những nhận thức và hành động của tất cả mọi người trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Sự kiện là bước tiến quan trọng trong việc gắn kết doanh nghiệp và người tiêu dùng, hướng đến mục tiêu đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho tất cả mọi người.
Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự của cơ quan chức năng, luật sư, luật gia và đông đảo các doanh nghiệp đến cùng cập nhật các quy định của pháp luật, đặc biệt là hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam nhận định: Vệ sinh an toàn thực phẩm là một chủ đề không bao giờ hết nóng, là vấn đề nhức nhối, cấp bách, xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
“Luật An toàn thực phẩm đã được ban hành vào tháng 6/2010, có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, theo tôi thì hành lang pháp lý cơ bản khá đầy đủ. Tuy nhiên việc triển khai quy định của pháp luật vào thực tiễn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trong thực tế, đã có những vụ việc vi phạm khá "nghiêm trọng”, điển hình như vụ ngộ độc bánh mỳ xảy ra gần đây. Đây là vấn đề liên quan đến các cơ quan, trường học, khu công nghiệp hay những tổ chức đông người. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế” - TS Vũ Hoài Nam bày tỏ.
Vị này chia sẻ thêm, biện pháp tuyên truyền là khâu rất quan trọng trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong cộng đồng. Thời gian qua Báo Pháp luật Việt Nam, Cục Phổ biến giáo dục (Bộ Tư pháp) cùng các đơn vị có liên quan đã có nhiều cuộc trao đổi, thảo luận, tổ chức các diễn đàn để nâng cao nhận thức an toàn vệ sinh thực phẩm trong cộng đồng.
Buổi hội thảo này nhằm giúp các đơn vị, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý liên quan bày tỏ những vấn đề băn khoăn, mang tính cấp bách hằng ngày, hàng giờ ảnh hưởng đến cuộc sống để ban tổ chức có những phản ánh, kiến nghị đến cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách cũng như nâng cao nhận thức người dân.
Hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Hội thảo mở đầu bằng phần trình bày chuyên đề của ThS Trần Nhật Nam - Phó Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm đã giới thiệu về Nghị định số 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo ông Nam, qua 5 năm triển khai thực hiện, ngoài những cái đạt được vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc gây khó khăn. Trong thời gian tới, ông hy vọng rằng sẽ có nhiều góp ý đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để chỉnh sửa, hoàn thiện hơn.
Tiếp đến, TS Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính đã trình bày chuyên đề về các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tránh những rủi ro pháp lý không mong muốn.
Theo TS Nguyễn Thị Minh Phương, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta hiện nay vẫn còn biểu hiện một số tồn tại và hạn chế: Tình trạng trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra, đặc biệt vi phạm trên môi trường mạng, mạng xã hội và các trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài, hoặc là trên các sàn thương mại điện tử, nơi bán hàng đa cấp,…
Ngoài ra, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm đã gây bức xúc trong nhân dân thời gian qua như: Sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục lợi dụng mạng xã hội để bán hàng online, quảng cáo sai sự thật, lừa đối người tiêu dùng, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
"Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn vi phạm, từ tăng cường kiểm tra, xử phạt hành chính đến phối hợp với các nền tảng mạng xã hội để gỡ bỏ nội dung vi phạm. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp, và người tiêu dùng” - TS Nguyễn Thị Minh Phương bày tỏ.
Bên cạnh đó, TS Phương cũng đưa ra 8 lưu ý đó là: Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Về quyền giải trình; Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính; Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử phạt vi phạm hành chính; Hoãn thi hành quyết định phạt tiền; Giảm, miễn tiền phạt; Nộp tiền phạt nhiều lần và Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong phần thảo luận, các đại diện doanh nghiệp đã đưa ra nhiều câu hỏi, bày tỏ những thắc mắc và chia sẻ tâm tư nguyện vọng với ban tổ chức. Các ý kiến tập trung vào một số vấn đề quan trọng như ý thức của doanh nghiệp và người dân trong việc tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm, hành lang pháp lý liên quan đến quản lý chất lượng thực phẩm trên không gian mạng, cũng như tình trạng tràn lan của hàng giả, hàng nhái, và hàng kém chất lượng,.. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo uy tín và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Cùng với đó, các đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm cải thiện công tác quản lý an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả giám sát và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.
Hội thảo “Hành lang pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm” không chỉ là cơ hội để trao đổi, cập nhật thông tin về các quy định pháp luật mà còn góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức xã hội, đảm bảo rằng mỗi cá nhân, tổ chức đều hiểu rõ và tuân thủ quy định, hướng tới mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chất lượng cuộc sống.