Đời sống

Mùa quét lá điều

Nguyễn Minh Hải 01/02/2024 - 13:19

Không hiểu sao trong bao nhiêu việc nhọc nhằn của mẹ, tôi vẫn cứ nhớ nhiều hơn cả là việc quét lá điều.

ladieu.jpg
Khi kết thúc mùa điều thay lá, cũng là vào lúc điều bắt đầu có trái

Cách đây chừng hơn chục năm, bước vào mùa khô, khi điều ở khu vực Định Quán, Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) thay lá, đơm hoa, bỗng có một số người đến mua lá điều khô. Thế là nhiều người hăng hái vô các rẫy điều để quét lá bán cho các thương lái. Giá bán lá điều khô lúc đó chỉ 1.000 đồng/kg nhưng nhiều người cũng tích cực làm công việc này. Lý do là vào lúc không có việc làm, nếu ai chịu khó mỗi ngày cũng kiếm được khoảng trên dưới 200.000 đồng, dù họ không có rẫy điều. Chính vì vậy, những chủ vườn điều lo ngại một số người trong lúc quét lá sẽ bẻ luôn nhánh điều đang trổ hoa để bán lá, khiến năng suất điều bị ảnh hưởng. Cũng may việc đó chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Sau khi được chính quyền địa phương cảnh báo, tình trạng này không còn diễn ra nữa.

Việc tận thu lá điều khi mục đích của người mua không rõ ràng quả là việc đáng nói. Trên thực tế, lá điều có thể góp phần giữ ẩm cho đất và sẽ trở thành phân bón khi rã mục. Do đó, việc thu bán lá điều với một số người chỉ là lợi nhỏ trước mắt nhưng có thể để lại những hậu quả sau này…

Thực ra, với người trồng điều, khi kết thúc mùa điều thay lá, cũng là vào lúc điều bắt đầu có trái, thì nông dân hay quét dọn vườn sạch sẽ để chuẩn bị cho mùa thu hoạch. Bởi trong mùa thay lá, vườn được phủ một lớp lá dày che cả đám cỏ còn sót lại từ cuối mùa mưa và cũng che luôn những trái điều vừa rụng xuống. Nếu không dọn vườn, sẽ phải mất công vạch lá, làm giảm nhịp độ nhặt trái. Với những vườn điều nhỏ, người ta còn tích cực hái trái khi hạt vừa già nhằm “lợi ký” vì hạt điều chưa khô mà giúp cây điều đỡ phải “nuôi” trái. Nhưng với những vườn điều lớn, người ta để mặc cho trái rụng, có khi trái đã mục rã thì mới lượm hạt, do đó nếu để còn lớp lá, xác trái điều có thể bám vào lá, lúc thu hoạch phải bới lá để nhặt cho được trái điều để vặn lấy hạt.

Vườn điều của nhà ba mẹ tôi trước đây cũng được chăm sóc theo cách đó. Những tháng cuối năm, mùa điều cũng vậy, mẹ tôi lại tỉ mẩn quét lá. Hồi còn làm rẫy, với đám điều mấy trăm gốc, mẹ tôi tự tay bỏ phân, quét lá, lượm hạt, chỉ có việc chở đi bán là phải nhờ người khác. Khi lá điều vừa rụng hết, trên cành chi chít những chồi non mơn mơn và những chùm bông phớt hồng bắt đầu hé nụ thì lúc nào rảnh là mẹ tôi lại lọ mọ quét lá. Bà dùng một cái chổi cọng lá dừa đi quét hết khu này sang khu khác. Bầy chó gồm ba con cứ thay phiên nhau nằm bên cạnh, lặng lẽ quan sát…

Lá điều được gom lại thành từng đống nhỏ nằm giữa các tán cây để đốt đi. Mẹ tôi cẩn thận vun thành từng đống lá vừa phải, uốn lượn theo khoảng trống giữa các tán lá rồi mới đốt, để lửa không quá lớn có thể làm hư lá, hư bông. Lâu lâu, bà lại khơi các đống lá cho lửa cháy hết những chiếc lá còn sót lại mới đi sang chỗ khác. Có lần mẹ tôi nói rất có căn cứ khoa học: “Đốt lá lấy tro bổ sung kali cho cây mà còn diệt mầm rệp sáp bám trên lá…”.

Với mẹ tôi, tuổi tác có tỷ lệ nghịch với vóc dáng của người. Hồi chưa đầy bảy mươi tuổi, mẹ tôi đã còng lưng, có đứa cháu mới mười tuổi khi đứng cạnh đã bảo “con cao hơn nội rồi!”. Bởi vậy, có khi nghe tiếng chổi xạc xào trong vườn mà thoáng nhìn thì không thấy người đâu, nếu nhìn thấy một con chó nào đó nằm gần đâu đó thì biết chắc là mẹ tôi đang ở cạnh bên. Suốt nhiều năm đã diễn ra đều đặn như vậy. Mãi đến khi ba tôi tạ thế, mẹ tôi thì đau yếu, vườn nhà không còn ai chăm nom nữa thì mới được cho người ta thuê trồng chuối…

Tôi nhớ lại, trong mùa điều, việc vặn hột điều cũng góp phần làm tay mẹ tôi thêm thô ráp, chai sần. Có khi, con gái tôi “cắc cớ” đặt bàn tay thiếu nữ của nó bên cạnh bàn tay bà nội để so sánh. Mẹ tôi cười rung rung đôi vai nhỏ: “Tay của nội già rồi sao mà so với tay con được…”. Chắc con tôi ít nhiều cũng biết bàn tay đó mấy chục năm qua làm lụng vất vả, nuôi lớn các con, tức là ba và các cô chú của con tôi, thành người.

Không hiểu sao trong bao nhiêu việc nhọc nhằn của mẹ, tôi vẫn cứ nhớ nhiều hơn cả là việc quét lá điều. Có lẽ hình ảnh quét lá đã rất thân thuộc với tôi từ thuở ấu thơ, cũng như hình ảnh bà ngoại tôi ngày ngày quét lá tre để nhóm bếp. Ngày xưa, ngoại tôi chưa tới tuổi của mẹ tôi ngày nay đã còng lưng, hom hem và trông già hơn mẹ tôi rất nhiều. Đã vậy, bà còn ghiền trầu nữa; mỗi khi quét lá quanh nhà hay quấn cái khăn ca rô đỏ. Đã gần bốn mươi năm ngày ngoại tôi tạ thế, hình ảnh quét lá ấy trong tôi vẫn còn nguyên vẹn và nhiều năm qua được chuyển sang hình ảnh của mẹ tôi.

Những năm trước, mỗi mùa điều là thêm một lần mẹ tôi vất vả, dù bây giờ người không cần phải nhọc nhằn lo cho con cháu nữa; nhưng khi đó tôi cũng có chút an ủi là thấy mẹ còn quét lá điều tức là mẹ tôi còn khỏe… Còn bây giờ, người đã thực sự “nghỉ hưu” sau gần 60 năm làm ruộng, làm rẫy, thì tôi biết rằng “ngày tôi xa mẹ càng gần”. Nên đâu đó thấy một người quét lá tôi lại nghĩ giá như đó là mẹ tôi, vẫn còn mạnh khỏe, vẫn còn hay lam hay làm mà không than đau lưng mỏi gối… Thế nên với tôi, hình ảnh quét lá điều của mẹ trở thành “biểu tượng” cho cuộc đời làm nông dân của người!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa quét lá điều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO