Kỷ niệm 25 năm thành lập Làng tre lớn nhất Đông Nam Á
Làng tre Phú An là nơi sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gene cây tre, với mục đích phủ xanh đất trống, đồi trọc và bảo vệ môi trường, đưa tre Việt Nam vào danh lục tre thế giới.
Sáng 11/5, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trực thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, đã tổ chức chương trình kỷ niệm 25 thành lập Làng tre Phú An - Trung tâm bảo tồn tre lớn nhất Đông Nam Á.
Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Minh Triết - Nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, Ủy Viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Chủ tịch nước; ông Nguyễn Văn Lợi - Bi thư tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; ông Grégory Charles Robert - Phó tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM; PGS.TS Phan Thanh Bình - Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM; GS. TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Trung tá Nguyễn Tài Huy - Phó Tham mưu trưởng - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước; Trung tá Trần Sỹ Giáp - Đồn trưởng - Đồn Biên phòng Lộc Tấn - Bộ Chi huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước và các đại biểu khác....
Phát biểu khai mạc sự kiện, TS Diệp Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Làng tre Phú An, nguyên giảng viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, cho biết, đây là sự kiện quan trọng và là dấu ấn đáng nhớ của Làng tre Phú An sau 25 năm hình thành và phát triển.
Theo TS Hạnh, Việt Nam hiện nay phát thải 600 triệu tấn CO2 mỗi năm. Trong khi đó, tre gai sẽ hấp thu được bình quân 190 tấn/ha. Theo nghiên cứu, nếu tại các vùng đất trống, các đồi trọc từ Bắc chí Nam, dọc theo hệ thống kinh rạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trồng thêm 80 triệu cây tre, qui ra tương ứng với 200.000 ha, sẽ hấp thu được 38 triệu tấn CO2. Cộng với sự chăm sóc và khai thác hợp lý 1,5 triệu ha hiện có, tre sẽ đóng góp tích cực vào việc giúp giảm phát thải tới 30% CO2 tính riêng nước Việt Nam.
"Chúng ta không trồng độc canh tre, mà trồng thành một ecosystem, hệ sinh thái tre nhiều tầng và đa dạng tùy theo vùng khí hậu và thổ nhưỡng.
Với số lượng tre thu được từ việc cắt tỉa hàng năm, chẳng những không làm giảm sinh khối, mà còn có thể chế biến các sản phẩm từ tre, thân thiện môi trường, gián tiếp cắt giảm việc sử dụng polymer từ nguyên liệu hóa thạch cũng như tạo công ăn việc làm phù hợp với việc phát triển Bền vững", TS Diệp Thị Mỹ Hạnh nói thêm.
Ông Grégory Charles Robert - Phó Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM, cho biết, đây là lần đầu tiên ông tới Làng tre và rất ấn tượng với cảnh quan nơi đây. Ông cũng sẽ cố gắng để góp phần phát triển làng trong tương lai.
"Pháp và Việt Nam cùng đồng lòng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường, hướng tới Net Zero và hướng nghiên cứu của cô Hạnh về tre cũng đang đi đúng theo hướng chúng ta mong muốn", ông Grégory Charles Robert nói.
Không chỉ là tài nguyên giúp bảo vệ đất, phục hồi hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo... tre còn gắn liền với những tri thức, văn hóa bản địa quý giá cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
"Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, tre càng trở nên có giá trị gắn bó mật thiết với các phát minh về nguyên vật liệu mới, các hoạt chất sinh học mới trong dược liệu và mỹ phẩm, mở ra cơ hội mang lại nhiều lợi ích cho các cộng đồng dân tộc và đất nước", TS Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên, chia sẻ.
Trung tâm bảo tồn tre lớn nhất Đông Nam Á
GS. TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Hiệu Trường ĐH Khoa hoc Tự nhiên TP.HCM, cho biết, Làng tre Phú An được sáng lập từ năm 1999, bởi TS Diệp Thị Mỹ Hạnh và các cộng sự viên với ý tưởng biến "Tam Giác sắt thành Tam giác xanh", tại tỉnh Bình Dương. Đây được xem là trung tâm bảo tồn tre lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.
Làng tre là kết quả của chương trình hợp tác 4 bên: vùng Rhône- Alpes châu Âu, tỉnh Bình Dương, Vườn Thiên nhiên Pilat, và Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc Gia TP.HCM. Đến năm 2008, Làng tre đã chính thức trở thành Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trực thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM.
"Làng tre là nơi sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gene cây tre và vùng trồng tre tại các địa phương như Đồng Tháp, Đắk Nông, Ninh Thuận... với mục đích phủ xanh đất trống đồi trọc và bảo vệ môi trường, đưa tre Việt Nam vào danh lục tre thế giới; nghiên cứu chế tạo những sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường từ tre, thông qua những chương trình hợp tác nghiên cứu với các tổ chức trong và ngoài nước, hoạt động đào tạo đại học và sau đại học", GS Nguyễn Thị Thanh Mai nói.
Đến nay làng tre đã tham gia giáo dục kỹ năng sống cho hơn 60.000 trẻ nhỏ, lồng ghép trong đó tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường.
Với những hoạt động trên, Làng tre Phú An đã nhận được giải thưởng Xích Đạo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc về bảo vệ đa dạng sinh học phục vụ cho phát triển cộng đồng và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2010, thành viên vườn thực vật của các nước nói tiếng Pháp và thành viên của Hiệp hội tre thế giới năm 2016.