Y học

Khi nào trẻ cần tầm soát hormon tăng trưởng?

An Quý 02/06/2024 - 18:42

Trẻ cần tầm soát hormon tăng trưởng khi tốc độ tăng trưởng chiều cao dưới 4cm/năm; hoặc giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở trẻ nam...

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa khởi động chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em” lần thứ 8. Chương trình nhằm mục đích phát hiện kịp thời những trẻ em gặp vấn đề chậm tăng trưởng chiều cao, đặc biệt do thiếu hormone tăng trưởng (GH). Đồng thời, chương trình cũng cung cấp kiến thức và hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, theo dõi quá trình tăng trưởng của trẻ để đảm bảo sự phát triển toàn diện và khỏe mạnh cho trẻ.

bs.ck-ii.-vo-duc-chien-gd-bv-nguyen-tri-phuong-phat-bieu-khai-mac.jpg
Theo BS.CKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các yếu tố ảnh hưởng chiều cao thường được phân thành các nhóm lớn gồm: di truyền, các yếu tố môi trường, dinh dưỡng, bệnh lý mạn tính và các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết như thiếu hormon tăng trưởng GH.

Chương trình cũng nằm trong mục tiêu giúp cải thiện chiều cao cho trẻ em - một phần trong nỗ lực “nâng cao tầm vóc Việt” của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Chậm tăng trưởng là tình trạng xảy ra khi tốc độ phát triển của trẻ không đạt được các mốc về cân nặng và chiều cao bình thường đối với từng độ tuổi. Thông thường, trẻ có tầm vóc thấp được định nghĩa là trẻ có chiều cao dưới 2 độ lệch chuẩn trung bình (-2SD) so với trẻ cùng tuổi, giới tính, chủng tộc.

bang-tieu-chuan-can-nang-chieu-cao-cua-be-theo-to-chuc-y-te-the-gioi-who.jpg
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định, chiều cao và cân nặng của trẻ em theo từng giai đoạn tuổi và theo giới tính

Theo BS.CKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các yếu tố ảnh hưởng chiều cao thường được phân thành các nhóm lớn gồm: di truyền, các yếu tố môi trường, dinh dưỡng, bệnh lý mạn tính và các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết. Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được.

Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu hormon tăng trường GH (nằm trong nhóm các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết), theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 - 1/4.000 nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết.

bs-lap-bieu-do-tang-truong-de-danh-gia-toc-do-phat-trien-chieu-cao-cua-tre.jpg
Bác sĩ khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, lập biểu đồ theo dõi tăng trưởng cho trẻ.

BS.CKI Trần Thị Ngọc Anh - Bác sĩ điều trị tại khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chia sẻ: “Tại Việt Nam, một thực tế là trẻ thường chỉ được cha mẹ phát hiện chậm cao khi đến tuổi đi học, tức khi có điều kiện so sánh chiều cao với các bạn đồng trang lứa. Đôi khi, tình trạng chậm cao của trẻ cũng có thể được phát hiện tình cờ khi trẻ đi khám một bệnh lý khác.”

BS Ngọc Anh chỉ ra hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm. Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình).

“Riêng đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam...

Một số trẻ thiếu GH có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm dù tỷ lệ cơ thể bình thường. Trẻ thiếu GH cũng có thể sẽ thường xuyên thấy mệt mỏi. Ngoài ra, một số các triệu chứng về tâm lý cũng có thể xảy ra với trẻ thiếu GH như thiếu tập trung, trí nhớ kém…,” BS Ngọc Anh hướng dẫn.

Theo đó, BS.CKI Trần Thị Ngọc Anh khuyến cáo, cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của bé, nếu thấy tốc độ tăng trưởng dưới 4cm/năm nên đưa bé đi khám ngay. Nếu đường cong biểu diễn chiều cao của trẻ nằm ngang hoặc đi xuống và đã loại trừ vấn đề suy dinh dưỡng, rất có thể, trẻ rơi vào trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH.

phu-huynh-dua-tre-den-kham.jpg
Nếu tình trạng tăng trưởng chậm ở trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm, đặc biệt trước tuổi dậy thì (12 - 13 tuổi), trẻ hoàn toàn có thể đạt được chiều cao gần với mức bình thường hoặc thậm chí phát triển bình thường như những đứa trẻ cùng tuổi khác

"Triển vọng điều trị cho trẻ bị chậm tăng trưởng do thiếu GH phụ thuộc nhiều vào thời điểm bắt đầu điều trị cho trẻ. Nếu tình trạng tăng trưởng chậm ở trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm, đặc biệt trước tuổi dậy thì (12 - 13 tuổi), trẻ hoàn toàn có thể đạt được chiều cao gần với mức bình thường hoặc thậm chí phát triển bình thường như những đứa trẻ cùng tuổi khác,” BS Ngọc Anh nói.

Trẻ chậm tăng trưởng do hormon cần điều trị sớm trước tuổi dậy thì

Thông thường, trẻ chậm cao do thiếu GH có thể được chỉ định tiêm GH. Phương pháp điều trị này có thể được thực hiện liên tục trong vài năm khi trẻ đang trên đà phát triển. Trong quá trình điều trị, trẻ sẽ được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa để đánh giá mức độ hiệu quả của việc tiêm GH và có thể điều chỉnh liều lượng khi cần thiết.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm GH đối với những trẻ bị chậm tăng trưởng do nhiều bệnh lý khác như: nhỏ so với tuổi thai, hội chứng Turner, bệnh thận mạn.

tre-duoc-huong-dan-chup-x-quang-xuong-ban-tay.jpg
Trẻ được hưởng dẫn chụp X-quang xương bàn tay để tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao

Có thể nói, chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH không phải là bệnh lý gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ nhưng ít nhiều sẽ khiến trẻ gặp vấn đề về việc hòa nhập với trường học, cộng đồng và ảnh hưởng đến sự tự tin. Do đó, việc có thể giúp con cải thiện chiều cao kịp thời trước khi quá muộn là mong mỏi rất lớn của nhiều bậc phụ huynh.

Năm nay, chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em” lần thứ 8 dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 300 trẻ đến thăm khám với 8 buổi khám trong 4 tuần. Ngay trong tuần đầu tiên, số trẻ được tiếp nhận thăm khám là khoảng 80 trẻ, không chỉ tại TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Lăk, Phú Yên, Tiền Giang…

Triển khai từ năm 2017, tính đến nay, chương trình đã tầm soát miễn phí cho khoảng 2.400 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng thông qua chương trình là hơn 200 trẻ.

BS. CKII. Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết: “Sau 8 năm liên tiếp thực hiện chương trình tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận hàng ngàn ca đến thăm khám, không chỉ tại TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành khác, cho thấy sự quan tâm của các bậc phụ huynh tới việc phát triển chiều cao của con trẻ cũng như sức lan tỏa của chương trình.

Mặt khác, việc tầm soát nhằm giúp sớm phát hiện trẻ chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng - một bệnh lý khá hiếm gặp, khó nhận biết nhưng lại là nguyên nhân phổ biến gây chậm cao ở trẻ. Nhờ đó, trẻ được điều trị kịp thời và cải thiện chiều cao hiệu quả trước khi quá muộn.”

Khoa Nội tiết - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhận trẻ đăng ký khám tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao đến hết ngày 16/06/2024. Phụ huynh có thể gọi điện thoại đăng ký qua hotline: 0923.041.579 hoặc 0815.221.437 trong khung giờ 8h - 17h (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi nào trẻ cần tầm soát hormon tăng trưởng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO