Khoa học

Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản, nữ Tiến sĩ nhận 'Quả cầu vàng 2023'

Hoàng Nguyễn 28/10/2023 21:53

Đam mê nghiên cứu bệnh dị ứng – miễn dịch và chủ nhiệm đề tài “Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản” thành công, Tiến sĩ, Bác sĩ Trịnh Hoàng Kim Tú (35 tuổi) đã vào tốp 10 nhà khoa học trẻ tiêu biểu đạt giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023 lĩnh vực công nghệ y - dược.

Đây là giải thưởng thường niên, kể từ năm 2003 nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ không quá 35 tuổi có thành tích xuất sắc về nghiên cứu, phát triển đội ngũ nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú hiện là nghiên cứu viên, trưởng nhóm Nghiên cứu Dị ứng - Miễn dịch, Trung tâm Y Sinh học phân tử, Trường Đại học Y Dược TP.HCM.

ts.bs-trinh-hoang-kim-tu-nghien-cuu-khoa-hoc-qua-cau-vang-2023.jpg
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (bìa trái) và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - Bùi Quang Huy trao giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023 cho TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú (tối 27/10/2023).

Trịnh Hoàng Kim Tú sinh năm 1988, tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa, Khoa Y, Trường Đại học Y Dược TP.HCM (năm 2012), nhận bằng Tiến sĩ tại Bệnh viện Đại học Ajou, Hàn Quốc (năm 2018). Năm 2019, TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú công tác tại Bệnh viện Đại học Ajou và từ năm 2020 đến nay công tác tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM với vai trò nghiên cứu viên, trưởng nhóm nghiên cứu bệnh Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng tại Trung tâm Y Sinh học phân tử. TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú có 29 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế (trong đó là tác giả chính của 14 bài báo), 4 bài báo khoa học đăng trên tạp chí trong nước và tham gia nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng...

Chẩn đoán và quản lý dị ứng thức ăn cho người bệnh

Đề tài “Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản” do TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú chủ nhiệm được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đánh giá là một nghiên cứu khoa học nổi bật trong năm 2023. Đề tài này có mục tiêu nhằm phân lập và sản xuất được các dị ứng nguyên phù hợp, đặc trưng cho bệnh nhân Việt Nam và phát triển các kỹ thuật xét nghiệm in vitro giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán, tiên lượng dị ứng thức ăn, nguy cơ phản ứng của bệnh nhân với từng loại thức ăn tiêu thụ. Nhờ đó, có thể hỗ trợ giảm phản ứng dị ứng nặng cho bệnh nhân.

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú chia sẻ: “Tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi được nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2023 cho đề tài. Đây là một nguồn động viên rất lớn cho bản thân tôi và nhóm nghiên cứu Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Trung tâm Y Sinh học phân tử, Đại học Y Dược TP.HCM. Giải thưởng cũng tiếp sức để chúng tôi thực hiện thêm nhiều công trình, đóng góp vào việc chẩn đoán, điều trị bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh. Rất mong giải thưởng sẽ lan tỏa tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học đến các bạn trẻ, đặc biệt là đến đối tượng học sinh, sinh viên”.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Y Dược TP.HCM cùng thực hiện đề tài “Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản” do TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú chủ nhiệm là các nghiên cứu viên, kỹ thuật viên tại phòng thí nghiệm Trung tâm Y Sinh học phân tử (ThS. Lê Kiều Minh, ThS. Nguyễn Nhật Quỳnh Như, CN. Võ Văn Thành Niệm, CN. Trương Đinh Kiều Diễm,…) phối hợp cùng các Bác sĩ lâm sàng tại Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (TS.BS Phạm Lê Duy, ThS.BS Trần Thiên Tài).

ts.bs-trinh-hoang-kim-tu-2.jpg
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú (ngồi giữa) cùng các nghiên cứu viên tại Trung tâm Y Sinh học phân tử, Trường Đại học Y Dược TP.HCM.

Theo TS.BS Kim Tú, hiện nay, các test xét nghiệm chẩn đoán dị ứng - miễn dịch lâm sàng tại Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu để chuyển giao kỹ thuật, xây dựng test xét nghiệm dị ứng phù hợp, đặc hiệu, có thể ứng dụng tại Việt Nam. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là thiết lập công cụ hỗ trợ việc chẩn đoán và quản lý dị ứng thức ăn cho người bệnh, bao gồm phân lập và sản xuất dị nguyên phù hợp, đặc trưng cho bệnh nhân Việt Nam, và phát triển kỹ thuật “in vitro” giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán, tiên lượng nguy cơ phản ứng của bệnh nhân với từng loại thức ăn tiêu thụ.

Từ đề tài tiền thân là “Seafood allergy in Vietnam” (Dị ứng hải sản ở Việt Nam), hợp tác giữa Trường Đại học Y Dược TP.HCM và Đại học Quốc gia Cheng Kung (Đài Loan, Trung Quốc), nhóm đã thiết lập quy trình chiết xuất dị ứng nguyên từ thức ăn, phát triển kỹ thuật kích hoạt bạch cầu ưa kiềm với độ nhạy 90%, độ đặc hiệu 75% trong chẩn đoán dị ứng hải sản. Ở “Seafood allergy in Vietnam”, nhóm nghiên cứu đã thiết lập quy trình để chiết xuất và kiểm tra thành phần các protein có trong các loại thủy hải sản thường được tiêu thụ ở Việt Nam (tôm sú, tôm thẻ, tép bạc, cua đồng, cua biển, cá lóc, cá chép,..), có thể ứng dụng để tinh lọc protein từ các loại thực phẩm gây dị ứng cho bệnh nhân Việt Nam.

Chẩn đoán dị ứng hải sản với độ nhạy và đặc hiệu cao

TS.BS Kim Tú cho biết, trong đề tài “Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản”, nhóm nghiên cứu thực hiện hai kỹ thuật: kỹ thuật tạo chiết xuất dị nguyên thô từ thức ăn và kỹ thuật kích hoạt bạch cầu ưa kiềm.

Với kỹ thuật tạo chiết xuất dị nguyên thô từ thức ăn, các dị nguyên đang được sử dụng hiện nay đa phần nhập từ nước ngoài. Do đó nguồn dị nguyên thức ăn có khác biệt so với loại thức ăn người Việt Nam tiêu thụ (người phương Tây thường tiêu thụ cá tuyết, cá hồi, trong khi đó, người Việt Nam lại có thói quen ăn cá lóc, cá diêu hồng,…). Nhóm trực tiếp tách dị nguyên từ chính thức ăn bệnh nhân có phản ứng, nhờ vậy giúp cá thể hóa người bệnh.

Kỹ thuật kích hoạt bạch cầu ưa kiềm (Basophil activation test, BAT) là một kỹ thuật tương đối mới ở Việt Nam, nhưng đã được ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới, cho độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Kỹ thuật BAT được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới, đặc biệt trong chẩn đoán quá mẫn (trước đây hay gọi là dị ứng) thuốc. Tiêu chuẩn vàng của chẩn đoán dị ứng là nghiệm pháp thử thách, có nghĩa là cho bệnh nhân ăn lại thức ăn gây dị ứng để xem phản ứng của họ. Nghiệm pháp này không phải lúc nào cũng thực hiện được, và có thể gây khó chịu cho bệnh nhân. Đối với BAT, người bệnh sẽ được lấy máu và ủ với các dị nguyên để xem bạch cầu ưa kiềm của người bệnh phản ứng với các dị nguyên khác nhau, và đánh giá mức độ phản ứng để chẩn đoán và tiên đoán nguy cơ dị ứng của người bệnh.

Đối với BAT, người bệnh sẽ được lấy máu. Nhóm nghiên cứu chọn lọc các tế bào bạch cầu ưa kiềm bằng cách đánh dấu tế bào, cho ủ với các dị nguyên để mô phỏng lại cách tế bào máu của người bệnh phản ứng với các dị nguyên thức ăn khác nhau. Từ đó, đánh giá mức độ phản ứng để chẩn đoán và tiên đoán nguy cơ dị ứng của người bệnh.

“Các kỹ thuật này tôi đã được học tại Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Ajou (Hàn Quốc) trong thời kỳ học nghiên cứu sinh, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Hae-Sim Park. Và ở nghiên cứu này, tôi quyết định sẽ tìm cách triển khai tại Việt Nam. Đầu tiên là về hóa chất, máy móc, cơ sở vật chất với phòng labo như ở Hàn Quốc, nhóm đã bàn nhau tìm cách sử dụng hóa chất thay thế tương ứng, điều chỉnh quy trình để phù hợp với các dụng cụ ở tại Đại học Y Dược TP.HCM. Tiếp theo, để chuẩn hóa quy trình, nhóm thực hiện thí nghiệm lặp lại nhiều lần, chỉnh sửa từng bước một để đảm bảo điều kiện tối ưu. Đối với kỹ thuật tạo dị nguyên thô, các nghiên cứu viên thử phân tách trên nhiều loại hải sản với điều kiện thí nghiệm, bảo quản khác nhau. Còn đối với kỹ thuật BAT, tôi cùng nhóm đã ‘xin’ máu của nhau không biết bao nhiêu lần để chạy thí nghiệm chuẩn hóa trước khi thử trên mẫu bệnh nhân”, TS.BS Kim Tú chia sẻ.

TS.BS Kim Tú cho biết, nhóm đã thực hiện các kỹ thuật trên cho các bệnh nhân dị ứng hải sản tại TP.HCM và khi phân tích, kỹ thuật BAT cho thấy khả năng chẩn đoán dị ứng hải sản với độ nhạy 90%, độ đặc hiệu hơn 70%. Ngoài ra, kỹ thuật chiết xuất dị nguyên thô có khả năng tách chiết protein trực tiếp và phù hợp với nguồn thức ăn phong phú ở Việt Nam.

d3352608-61db-4fe8-8572-fb1e7e5b7573.jpeg
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú (giữa) và nhóm Nghiên cứu Dị ứng - Miễn dịch, Trung tâm Y Sinh học phân tử, Trường Đại học Y Dược TP.HCM.

“Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thử trên các nhóm đối tượng dị ứng thức ăn khác và tiến tới thực hiện BAT trong nhóm bệnh nhân có phản ứng quá mẫn với thuốc” - TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú cho biết.

Với đề tài “Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản” thành công, nhóm nghiên cứu Dị ứng – Miễn dịch, Trung tâm Y Sinh học phân tử, Trường Đại học Y Dược TP.HCM là một trong những nơi đầu tiên nghiên cứu và triển khai BAT trong dị ứng thức ăn tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản, nữ Tiến sĩ nhận 'Quả cầu vàng 2023'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO