Hội Sáng chế Việt Nam: Thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm từ sáng chế
Trong 9 năm thành lập, Hội Sáng chế Việt Nam đã tổ chức đa dạng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các nhà sáng chế ở nhiều tỉnh, thành phố nhằm thúc đẩy quá trình thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp.
Ngày 26/10, tại TP.HCM, Hội Sáng chế Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 9 năm ngày thành lập Hội Sáng chế Việt Nam (26/10/2015-26/10/2024) và tọa đàm với chủ đề “Vượt vũ môn dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ”.
Nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ sáng chế
Phát biểu tại chương trình, TS Bùi Văn Quyền - Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam cho biết, chương trình được tổ chức nhằm khẳng định vai trò và tôn vinh những đóng góp, thành tựu của hội trong 9 năm hoạt động và phát triển. Đồng thời mong muốn khơi dậy, khuyến khích và phát triển tinh thần đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực công nghệ của đời sống.
“Đây cũng là diễn đàn, cơ hội để kết nối cộng đồng và gắn kết các nhà sáng chế với các doanh nghiệp, startup, cơ quan ban ngành và các tổ chức, cá nhân trong mạng lưới đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế. Chương trình góp phần xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ để đảm bảo sự phát triển bền vững trong hoạt động đổi mới sáng tạo của đất nước”, TS Bùi Văn Quyền chia sẻ.
Trong 9 năm qua, các hoạt động chuyên môn của Hội được tiến hành khá tích cực và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sáng chế Việt Nam, Hội đã tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nhà sáng chế trên 150 trường hợp. Đồng thời tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội thảo khoảng 40 lượt.
Hội cũng đã thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong nước như Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, cũng như các nước khác như Hàn Quốc, đảo Đài Loan (lãnh thổ thuộc CHND Trung Hoa), Hội Sáng chế và Hiệp Hội các doanh nghiệp nước ngoài…
Riêng năm 2024, Hội Sáng chế Việt Nam phối hợp Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo Techfest Việt Nam tổ chức Vinh danh Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2024 nhằm ghi nhận và tôn vinh thành tích của các tổ chức, cá nhân có những hoạt động nghiên cứu, sáng tạo; tổ chức các hoạt động tôn vinh Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4: bàn tư vấn SHTT.
“Mặc dù có những khó khăn, hạn chế do sự kiện bất khả kháng chung trong hoạt động, nhưng Hội đã đạt được một số kết quả và thành công trên tất cả các mặt kể cả hoạt động chung, cũng như các nỗ lực tìm kiếm đưa sáng chế vào sản xuất của các Hội viên. Những thành công này đang có chiều hướng phát triển, tạo đà đi lên để phù hợp với xu hướng phát triển của Hội”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Định hình tương lai phát triển của quốc gia
Tại chương trình, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định sáng chế không chỉ là sản phẩm của trí tuệ cá nhân mà là nguồn lực chiến lược để định hình tương lai phát triển của quốc gia.
Theo ông Cường, sáng chế là yếu tố quyết định giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, những sáng chế mang tính đột phá sẽ giúp Việt Nam không chỉ trở thành người tiêu thụ công nghệ, mà còn là nơi sản xuất và phát minh ra công nghệ mới.
Các sáng chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, từ đó thúc đẩy quá trình đổi mới sản phẩm và dịch vụ. Sự hợp tác giữa các nhà sáng chế, tổ chức R&D và doanh nghiệp sẽ mở ra những con đường mới cho thương mại hóa sáng chế, biến các ý tưởng thành sản phẩm hữu ích, góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, các sáng chế tập trung vào công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, và giải pháp bảo vệ môi trường có thể góp phần quan trọng vào việc xây dựng một nền kinh tế phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là nhiệm vụ của chính phủ mà còn là cơ hội cho các nhà sáng chế.
Theo ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, sáng chế là tinh hoa của tinh hoa. Doanh nghiệp không có sáng chế thì sẽ như cái vỏ rỗng, không có cái mới, khó có thể tồn tại vì không có nhà đầu tư.
Do đó, các doanh nghiệp cần làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi để chính bằng sáng chế giúp các doanh nghiệp Việt phát triển. Từ đó thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ tại Việt Nam cần xây dựng, cung cấp các công cụ và dịch vụ thông tin sở hữu trí tuệ, bản đồ công nghệ cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sử dụng các chỉ số đo lường về sở hữu trí tuệ làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, doanh nghiệp tiên phong làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền, sản xuất sản phẩm, công nghệ cao “Make in Vietnam” đang gặp phải là thiếu nguồn nhân lực, thiếu vốn, thiếu năng lực cạnh tranh.
Các linh kiện, phụ kiện đều phải nhập khẩu. Số lượng sản xuất sản phẩm quy mô nhỏ chưa thể cạnh tranh về giá thành với thiết bị nhập khẩu tương đương về chất lượng theo chuẩn quốc tế...
Do đó, ông kiến nghị cơ quan nhà nước xây dựng Quỹ đầu tư công nghệ cao của Nhà nước để đầu tư cùng với Doanh nghiệp vào các dự án trọng điểm nghiên cứu thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao "Make in Việt Nam".
"Nhà nước đặt hàng, là khách hàng ứng tiền cho Doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế, sản xuất các thiết bị công nghệ cao đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng thay thế cho các sản phẩm phải nhập khẩu", ông Thắng nhấn mạnh.