Sống xanh

Hoa đinh hương

BS. Phan Minh Trí 15/09/2024 16:00

Nụ đinh hương có thể ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn như trực khuẩn lỵ, thương hàn và phó thương hàn, bạch hầu, bệnh than, E.Coli, tụ cầu vàng. Tinh dầu đinh hương được sử dụng trong nha khoa làm thuốc tê và diệt tủy răng, sát khuẩn.

Các tên khác của Đinh hương là Đinh tử hương, Chi giải hương, Công đinh hương, Hùng đinh hương…Tên khoa học là Syzygium aromaticum, họ Sim (Myrtaceae). Cây được trồng nhiều ở các nước châu Á và châu Phi từ thế kỷ 18, mọc nhiều ở nơi có khí hậu khô.

dinh-huong-1-.jpg
Nụ đinh hương có thể ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn như trực khuẩn lỵ, thương hàn và phó thương hàn, bạch hầu, bệnh than, E.Coli, tụ cầu vàng

Đinh hương là một vị thuốc thường dùng trong y học cổ truyền, thực chất là nụ hoa khô của cây Đinh hương, là cây gỗ nhỏ, cao 5 - 10m, lá hình ngọn giáo dài 8 - 12cm. Hoa đinh hương mọc ở đầu cành, nụ hoa trông giống hệt cái đinh, nhị hoa rất nhiều, xếp thành nhiều vòng.

Nụ đinh hương thơm, có màu hơi vàng nâu và rắn. Thu hái vào lúc hoa chuyển từ màu xanh sang đỏ gạch, phơi âm can (trong bóng râm) hoặc sấy nhẹ cho khô. Bảo quản nơi khô ráo và đậy kín.

Thành phần hóa học chính trong nụ hoa đinh hương là Tinh dầu (15 - 20%), là chất lỏng không màu hoặc màu vàng, chủ yếu là eugenol (64 - 85%), β - Caryophyllene, eugenyl acetate… Ngoài ra còn có sterol glucosid (sitosterol, sygmasterol, campestol), methyl este, acid oleanolic, quercetin, eugenin, methyl salicylat, methyleugenol, protid, lipid và các acid amin.

Tác dụng dược lý của đinh hương

Nụ đinh hương có các tác dụng dược lý đã được nghiên cứu sau đây:

Ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn như trực khuẩn lỵ, thương hàn và phó thương hàn, bạch hầu, bệnh than, E.Coli, tụ cầu vàng. Tinh dầu đinh hương được sử dụng trong nha khoa làm thuốc tê và diệt tủy răng, sát khuẩn.

Chống viêm loét đường tiêu hóa, kích thích tiết mật và dịch vị, nhờ đó thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giảm đau, kháng viêm, ức chế co bóp cơ trơn thành ruột và khí phế quản, ức chế họat động của amib (in vitro), kháng virus, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, nâng cao khả năng chiu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu oxy…

Ở Trung Quốc, Ấn Độ, đinh hương đã được sử dụng từ lâu làm hương liệu tự nhiên, phổ biến là điều chế bột cà-ri. Đinh hương còn được dùng như một loại gia vị quý, kích thích tiêu hóa, chống đau bụng, ợ hơi, nấc cụt. Ngoài ra đinh hương còn dùng ngoài để nắn bó gãy xương, chế biến các loại dầu xoa chữa nhức mỏi, lạnh tay chân…

Tính vị và công dụng theo đông y

Tinh dầu đinh hương có vị cay ngọt, mùi thơm, tính ấm, vào 4 kinh Phế, Tỳ, Vị, Thận, có công dụng ôn trung (làm ấm bụng), giáng nghịch, kiện Tỳ Vị (kích thích tiêu hóa), thường được dùng chữa các chứng như ách nghịch (nấc cục), ẩu thổ (nôn), tiết tả (tiêu lỏng), kiết lỵ, đau bụng do lạnh, đau răng, chứng phản vị (ăn vào, bụng đầy chướng, ăn vào nôn ra, đầy bụng khó tiêu), chứng hoắc loạn (dịch tả)…

tinh-dau-dinh-huong.jpg
Tinh dầu đinh hương có vị cay ngọt, mùi thơm, tính ấm

Vài bài thuốc có sử dụng nụ hoa đinh hương

Chữa chứng đau bụng đi lỏng (phúc tả)

Đinh hương 30g, Hạt mã đề sao 20g, Tiêu lốt 10g, Hồ tiêu 5g, Nhục quế 5g, tất cả tán thành bột mịn đựng trong lọ kín để dành dùng dần. Mỗi lần lấy 100mg bột thuốc hòa với nước đắp vào rốn, dùng băng dán cố định. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Cũng với công dụng như trên, có vài công thức khác có chứa đinh hương như (1) Đinh hương 5 - 10g, Nhục quế 4 - 6g, Mộc hương 5 - 10g và (2) Đinh hương 3g, Sa nhân 6g, Bạch truật 12g, tất cả tán bột uống mỗi ngày 2 - 4g, 2 - 3 lần/ngày, uống với nước nóng.

Hoắc loạn thổ tả (trên nôn dưới đi lỏng)

Nụ đinh hương 2 cái, rượu tốt khoảng 50ml, cả hai cho vào chén hấp cách thủy trong 10 phút, bỏ bã uống rượu.

Nấc và nôn do hư hàn

Đinh hương 9g, Thị đế (tai quả hồng) 9g, Nhân sâm 9g, Sinh khương 9g sắc uống. Hoặc dùng đường trắng 250g thêm ít nước rồi đun nhỏ lửa cho chảy ra hết, thêm gừng tươi (Sinh khương) giã nát 30g, Đinh hương 5g, đun tiếp cho đến khi thành dạng sệt như keo, đổ ra khay có thoa ít dầu mè, đợi cho nguội rồi cắt thành miếng 50 miếng nhỏ, mỗi ngày ăn vài miếng sau bữa cơm.

Viêm loét miệng

Đinh hương 5g tán thành bột mịn, ngâm với ít nước đun sôi để nguội trong 4 giờ, lấy tăm bông thấm dịch thuốc bôi vào vết loét.

Sưng đau chân răng

Dùng Đinh hương và Xuyên tiêu lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, thêm ít băng phiến, trộn với mật ong, bôi hằng ngày vào chỗ đau.

Đau mỏi tay chân, phong thấp

Đinh hương 20g, Long não 12g, cồn 900 khoảng 250ml; ngâm trong 7 ngày đêm, lọc bỏ bã. Khi dùng, lấy bông thấm thuốc xoa bóp chỗ đau nhức, mỗi ngày 2 lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoa đinh hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO