Hiệu quả từ giải pháp “Cửa thu – thoát nước ống cống ngăn nghẹt rác và mùi hôi”
Vượt qua hơn 140 đề tài/giải pháp tham dự, giải pháp “Cửa thu – thoát nước ống cống ngăn nghẹt rác và mùi hôi” nhóm tác giả thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP.HCM đã đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP.HCM lần thứ 27.
Tại Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP.HCM lần thứ 27, ngày 26/9, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho giải pháp: “Cửa thu – thoát nước ống cống ngăn nghẹt rác và mùi hôi” nhóm tác giả ThS Bùi Văn Trường, ThS Trần Văn Chí, KS Trần Minh Trí thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM - Trưởng ban tổ chức Hội thi cho biết, Ban tổ chức đã tiếp nhận 145 đề tài/giải pháp tham dự có hàm lượng khoa học có chất lượng cao hơn, có sự tham gia đông đảo của lực lượng người lao động, các nhà khoa học trên địa bàn TP.HCM.
Lĩnh vực cơ khí, tự động hóa có 5/18 giải pháp được Hội đồng giám khảo đề nghị giải, Ban Tổ chức đã quyết định trao 1 giải Nhất, 2 giải Ba, 2 giải Khuyến khích.
Trong đó, Giải Nhất thuộc về giải pháp “Cửa thu – thoát nước ống cống ngăn nghẹt rác và mùi hôi” của nhóm tác giả ThS Bùi Văn Trường,ThS Trần Văn Chí, KS Trần Minh Trí thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP.HCM.
ThS Trần Văn Chí (thành viên nhóm thực hiện giải pháp) cho biết, điểm nổi bật của đề tài này là nhóm giải pháp đã khắc phục được những bất cập của hệ thống thoát nước tại TP.HCM, giải quyết được tình trạng thường xuyên xả rác, gỗ ván… để che lấp miệng thu nước, ảnh hưởng đến công tác thoát nước gây ngập. Nguyên nhân này xuất phát từ mùi hôi của hệ thống cống thoát nước đô thị, cửa thu nước truyền thống hoạt động kém hiệu quả. Nguyên lý ngăn mùi bằng nước không còn phù hợp với một đô thị lớn như TP.HCM (Bởi vào mùa khô nước bốc hơi nên mất tác dụng ngăn mùi, kích thước cửa thu nước nhỏ thường xuyên bị tắc nghẽn, nước bị tù đọng là nơi phát sinh muỗi và các dịch bệnh… và bùn, đất tích tụ nhanh tại song chắn gây ngập, nghẹt cục bộ trên mặt đường).
Công trình được nghiên cứu và tính toán trên cơ sở khoa học lý thuyết về thủy lực, động lực học dòng chảy, có xét đến các điều kiện thực tế khi áp dụng cũng như phân tích hành vi, thói quen của cộng đồng để đảm bảo những yếu tố sau:
- Tiết diện thiết kế tối ưu, tận dụng được tối đa diện tích bó vỉa để thu nước, đảm bảo khả năng thu nước mặt đường;
- Không còn tình trạng bùn, đất, nước tù đọng tại cửa cống thoát nước và ngăn mùi hôi thoát ra từ hệ thống thoát nước;
- Ngăn chặn không cho rác chảy vào lòng cống;
- Phù hợp với kết cấu định hình bó vỉa, vỉa hè để tạo mỹ quan và an toàn giao thông;
- Đảm bảo ngăn mùi hôi và không bị tù đọng nước.
“Nguyên lý hoạt động của công trình: Khi có mưa, nước mưa chảy tràn trên mặt đường được tập trung vào cửa thu - thoát nước. Tại đây, rác sẽ được lưới chắn rác kết hợp bó vỉa và lưới chắn rác nằm giữ lại, chỉ cho nước, bùn và rác thải có kích thước nhỏ hơn mắt lưới đi qua, chảy vào hố thu nước. Nước từ hố thu nước chảy qua mương dẫn nước, áp lực nước sẽ đẩy cánh của van một chiều chảy vào hệ thống hố ga, ra cửa xả, theo các đường ống cống dẫn nước, rồi chảy ra sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch...” - ThS Trần Văn Chí chia sẻ.
Về hiệu quả của công trình, GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM - Trưởng ban tổ chức Hội thi cho biết, sáng chế “Cửa thu - thoát nước ống cống ngăn nghẹt rác và mùi hôi” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Độc quyền sáng chế số 20945 theo Quyết định số 25696/QĐ-SHTT ngày 09/4/2019.
Sản phẩm công trình đã được lắp đặt thực tế 29.071 vị trí cống thu nước với 205 công trình, dự án, Trong đó có: 18.135 vị trí cống thu nước với 183 công trình, dự án trên địa bàn TP.HCM, đem lại hiệu quả cao trong việc cải tạo đường phố, chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống. Giải pháp đã được các Sở, Ban, ngành đánh giá tốt và UBND TP.HCM cho phép triển khai tiếp tục trên địa bàn Thành phố.
10.936 vị trí cống thu nước với 22 công trình, dự án trên địa bàn tỉnh thành khác trên toàn quốc như: Phú Quốc, Bình Phước, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Long An, Hưng Yên, Quảng Bình, Kiên Giang, Khánh Hòa, Điện Biên, Bình Dương…