Đời sống

“Hành trình thú vị” ở phường Bến Thành, Quận 1

Nguyễn Minh Hải 21/03/2024 - 11:46

Quận 1 là trung tâm của TP.HCM, phường Bến Thành là một trong những phường trung tâm, nơi tập trung nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh của Thành phố. Đến với phường Bến Thành là khám phá “Hành trình thú vị”.

Chợ Bến Thành gắn liền với dân Sài Gòn xưa qua nhiều thế hệ

Ngược dòng lịch sử, khi vùng đất Sài Gòn xưa bắt đầu được khai phá và phát triển (khoảng giữa thế kỷ XVII), cư dân chủ yếu đến đây bằng ghe xuồng. Để có nơi neo đậu, người xưa đã tạo nên các bến, dần hình thành bến quy củ với nơi lên xuống, các cọc trụ để cột ghe xuồng, các ụ để ghe xuồng có thể neo đậu dài ngày…

Sau này, dọc theo bến và cặp bờ sông, người xưa đã xây dựng nhà cửa, các làng xóm, chợ búa, thị tứ, sau cùng là các thành trì vừa thực hiện việc quản lý chung vừa để bảo vệ người dân trước các nguy cơ tấn công. Thành ở đây vừa là các cơ sở, căn cứ có tính quân sự, hành chính vừa là những khu vực có tính đô thị, dần phát triển thành thị tứ và sau này là đô thị nhộn nhịp bậc nhất khu vực Nam bộ.

cho-ben-thanh.jpg
Chợ Bến Thành gắn liền với dân Sài Gòn xưa qua nhiều thế hệ. Ảnh minh họa

Cái tên Bến Thành ngày nay đọng lại ở khu chợ Bến Thành, vốn nằm ven rạch Bến Nghé và được ra đời từ trước khi người Pháp xâm lược. Đến năm 1911, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định dời chợ về vị trí hiện nay, khi ấy còn là một cái ao sình lầy. Chợ được khởi công từ năm 1912 cho đến cuối tháng 3/1914 mới hoàn tất và hoạt động liên tục kể từ đó cho đến nay. Ban đầu, người dân còn gọi là “chợ mới” để phân biệt với “chợ cũ” ven rạch.

Ngày nay, Bến Thành vừa gắn liền với khu chợ nổi tiếng bậc nhất của Sài Gòn vừa là tên một đơn vị hành chính cấp xã có nhiều hoạt động thương mại đông đúc, đồng thời còn ở tên một số doanh nghiệp, cửa hàng không chỉ ở phường này.

Chợ Bến Thành gắn với người dân Sài Gòn xưa qua nhiều thế hệ. Nên ca dao có câu:

Chợ Bến Thành mới

Kẻ lui người tới

Xem tứ diện rất xinh

Thấy em tốt dạng tốt hình

Chẳng hay em có chốn duơn tình hay chưa?

(Phương ngữ Nam bộ xưa: duơn nghĩa là duyên)

Từ ngày xây chợ Bến Thành mới, hoạt động buôn bán được tổ chức tốt hơn, khách đông hơn, cả bốn mặt đều sầm uất. Trong bối cảnh đó, người con trai băn khoăn không rõ cô gái ấy giữa chốn thị thành đã có ý trung nhân (có mối duyên nào) chưa…

Anh nhìn cho tỏ, thấy rõ đèn màu

Chợ Sài Gòn đèn xanh, đèn đỏ

Lấy anh, em đâu kể sang giàu

Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em…

Dẫu chợ Sài Gòn (Bến Thành) có rực rỡ, người con gái khi đã yêu và lấy ai, vẫn nguyện thủy chung và giữ vẹn nghĩa đá vàng.

Chợ Bến Thành dời đổi,

Người sao khỏi hợp tan,

Xa gần giữ nghĩa tào khang

Chớ tham quyền quý, phụ phàng duyên xưa.

Câu này nhắc nhở người đời dù mọi thứ có đổi thay (như chợ Bến Thành đã dời đổi sau hơn nửa thế kỷ), nghĩa tào khang xin mọi người giữ trọn…

Tâm thức ấy về Bến Thành nay chắc ít nhiều đã phai nhạt nhưng dấu ấn còn lại vẫn hằn sâu vết thời gian ở các công trình, kiến trúc.

Bến Thành với nhiều công trình xưa cũ

Thì đây, ngoài chợ Bến Thành đến năm 2024 này tròn 110 năm tuổi, vẫn còn rất nhiều công trình xưa cũ. Có lẽ lâu đời bậc nhất là Cung Văn hóa Lao động. Từ năm 1866, các sĩ quan Pháp đã chiếm một khu đất rộng để làm một sân thể thao không chính thức, dành cho các môn điền kinh, bắn súng và đua ngựa.

Năm 1896, một câu lạc bộ thể thao thượng lưu được thành lập tại đây, lấy tên là Cercle Sportif Saigonnais (Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn). Năm 1902, chính quyền thuộc địa cho xây dựng cơ sở của Câu lạc bộ Le Cercle Sportif Saigonnais ngay trong khuôn viên vườn hoa, bao gồm sân bóng đá, hồ bơi và sân quần vợt…

cong-vien-tao-dan.jpg
Nơi này có lúc còn được gọi là “Vườn Ông Thượng”; ngày nay hay được chung gọi là Công viên Tao Đàn. Ảnh minh họa

Nơi này có lúc còn được gọi là “Vườn Ông Thượng”; ngày nay hay được chung gọi là Công viên Tao Đàn bao gồm quần thể công viên, các sân thể thao, nhà hát…

Một công trình cũng ra đời rất sớm là Thư viện Khoa học Tổng hợp, nằm trên đường Lý Tự Trọng. Năm 1868, Thư viện các Đô đốc, Thống đốc Nam Kỳ (hay Thư viện Soái phủ Nam Kỳ) được thành lập theo sắc lệnh của Phó Đô đốc Ohier. Năm 1882, Thư viện đổi tên thành Thư viện Tư liệu Chính phủ Nam kỳ thuộc Pháp và là thư viện công cộng đầu tiên của Việt Nam.

Điểm này trước kia là xưởng đúc tiền, sau đó là Khám Lớn Sài Gòn được xây dựng từ năm 1886 đến năm 1890. Đến năm 1953, Khám bị phá bỏ, sau đó ngay trên nền khám cũ được xây dựng trường Đại học Văn Khoa (1948 - 1967) rồi Thư viện Quốc gia. Năm 1968, nơi đây được xây dựng thành Thư viện Quốc gia và hoàn thành vào cuối năm 1971. Sau ngày giải phóng, thư viện được đổi tên như hiện nay.

thu-vien.jpg
Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Ảnh minh họa

Phường Bến Thành còn nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt khác. Chẳng hạn, Chung cư số 1 Nguyễn Trung Trực là nơi ghi dấu sự kiện đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì Hội nghị thành lập An Nam Cộng sản Đảng (một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này) vào tháng 8/1929; Dinh Độc lập trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, từng là nơi ở và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trước sự kiện 30/4/1975; phòng số 5 nhà số 88 Lê Lợi là nơi vào năm 1928 đã diễn ra Hội nghị thành lập Kỳ bộ Nam kỳ của tổ chức Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh đó là trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố trên đường Nam Kỳ Khởi nghĩa, là công trình xây từ năm 1881, thời Pháp gọi là Tòa Đại hình Sài Gòn, thời Việt Nam Cộng hòa là Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, thường gọi là Pháp đình Sài Gòn; Đền bà Mariamman được xây dựng đầu thế kỷ XX - ngôi đền Hindu giáo của người gốc Ấn, tọa lạc trên đường Trương Định…

Phường Bến Thành – “Hành trình thú vị”

Tháng 5/2023, UBND phường Bến Thành, Quận 1, phát hành cẩm nang “Hành trình thú vị” để quảng bá du lịch, ẩm thực trên địa bàn. Việc thực hiện cẩm nang bao gồm cả bản giấy lẫn bản điện tử (tại địa chỉ https://benthanh.place/), bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Đây là cách làm ý nghĩa nhằm tạo điều kiện để du khách đến TP.HCM nói chung và phường Bến Thành nói riêng có thể tham khảo các địa điểm tham quan phù hợp, nhất là với khách nước ngoài.

Đương nhiên, một cẩm nang khó có thể giới thiệu được tất cả những nét đặc sắc của một địa phương vốn có nhiều di tích, công trình, địa chỉ… Chỉ đến trực tiếp nơi này, đi bộ trên những con phố sạch đẹp, bất chợt có thể dừng lại ghé vào một cửa hàng, một quán ăn, một địa chỉ bất kỳ, rồi hỏi thăm những người ở đó, để được hướng dẫn cụ thể.

Từ đây, du khách có thể được gợi ý để đến những công viên xanh mát trên địa bàn, những phố ẩm thực hoặc các hàng quán bán suốt đêm với đủ các loại món ăn độc đáo, những di tích mang dấu ấn lịch sử, văn hóa của Sài Gòn - Gia Định xưa và TP.HCM hiện nay…

dinh-doc-lap.jpg
Dinh Độc lập trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ảnh minh họa

“Hành trình thú vị” nên là những trải nghiệm, khám phá trực tiếp, cũng như phải lắng nghe, quan sát để dần cảm nhận những nét đặc sắc của một phường mà cũng có thể ít nhiều đại diện cho một thành phố sôi động, nhộn nhịp, giàu bản sắc, với những con người hiếu khách, có thể níu chân du khách, để họ đến rồi trở lại và giới thiệu cho nhiều người cùng đến nữa…

Đương nhiên, để “Hành trình thú vị” luôn thú vị, website giới thiệu phải luôn được cập nhật, bổ sung các nội dung mới, cũng như giới thiệu thêm các bài viết trên báo chí, trên internet về các địa chỉ đã được nêu trong web; cần có thêm nhiều video, audio và các hình ảnh sống động để trang ngày càng hấp dẫn và có thêm nhiều người xem, nhiều người chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hành trình thú vị” ở phường Bến Thành, Quận 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO