Kinh doanh

Gỡ 'điểm nghẽn' để logistics phát triển

Hoàng Nguyễn 11/08/2023 11:09

Cần gỡ những “điểm nghẽn” đến từ chính sách mặt hàng của các bộ ngành mà hải quan chỉ là cơ quan thực thi trong sự phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam.

Tọa đàm “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hoạt động logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu” được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2023 (VILOG 2023).

toa-dam-hai-quan-logistics.jpg
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm: Ông Nguyễn Bắc Hải, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan; ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương; ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và à Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Vũ Thị Ánh Hồng, TBT tạp chí Hải quan, Trưởng ban tổ chức cho biết, trong những năm qua, ngành hải quan đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng; đồng thời, nỗ lực cải cách, hiện đại hóa hoạt động hải quan.

Đặc biệt, ngành hải quan áp dụng rộng rãi thủ tục hải quan điện tử, soi chiếu container, tăng tỷ lệ luồng xanh (miễn kiểm tra hàng hóa) và luồng vàng (kiểm tra chứng từ), giảm tỷ lệ luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu), áp dụng quản lí rủi ro… Từ đó, góp phần quan trọng giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng, giúp cho các doanh nghiệp logistics đẩy nhanh được tốc độ vận chuyển, giao hàng, qua đó, nâng cao được uy tín với khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá, phát triển dịch vụ logistics hiện chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển. Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm và thiếu đồng bộ đang là “điểm nghẽn” khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng… Chưa có trung tâm logistics lớn, liên kết liên vùng chưa tốt; kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông trong vùng, giữa cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, khu công nghiệp còn hạn chế; tỷ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam còn cao (khoảng 18% GDP). Điều này hạn chế sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế. Vì vậy, kéo giảm chi phí logistics trở thành một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế.

TS. Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, ngành logistics Việt Nam đã có những thành công nhất định thể hiện qua chỉ số năng lực logistics (LPI) do Ngân hàng thế giới công bố trong 16 năm qua có xu hướng tăng. Đây là kết quả của những nỗ lực về cải cách thể chế chính sách, môi trường kinh doanh cũng như các dự án đầu tư về hạ tầng logistics, hạ tầng giao thông vận tải. 

bang-thong-ke-nang-luc-logistics-viet-nam.jpg
Bảng thống kê chỉ số năng lực logistics Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố.

“Rõ ràng, đây là một điểm nghẽn trong sự phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam. Chúng ta biết rằng rằng, điểm nghẽn này có 3/4 đến từ chính sách mặt hàng của các bộ ngành mà hải quan chỉ là cơ quan thực thi. Tuy nhiên, vấn đề của ngành hải quan được thể hiện rất rõ trong hoạt động vận tải hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam”, TS. Thành cho biết.

Đại diện VLA kiến nghị, cơ quan hải quan cần phải xác định rõ mục tiêu quản lý hàng quá cảnh là bảo vệ thị trường trong nước; xác định rõ ràng trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam của hoạt động vận chuyển quá cảnh theo các cam kết quốc tế; cần tập trung vào việc giám sát hải quan để đảm bảo hàng quá cảnh được vận chuyển “đúng thời gian quy định, đúng tuyến đường quy định và giữ nguyên niêm phong kẹp chì giám sát hải quan từ cửa khẩu nhập cho đến cửa khẩu xuất”; cần xây dựng tiêu chí phân loại rủi ro đối với hoạt động vận chuyển hàng quá cảnh.

Ông Nguyễn Bắc Hải, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh việc sử dụng trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi thương mại. Tổng cục hải quan sẽ tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến thế giới để triển khai các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan, thúc đẩy nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong hoạt động logistics của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ 'điểm nghẽn' để logistics phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO