Kinh doanh

Nguồn nhân lực logistics ‘vừa thiếu vừa yếu’

Hoàng Nguyễn 27/07/2023 06:02

Tại hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, các chuyên gia cho rằng nguồn nhân lực logistics Việt Nam hiện nay "vừa yếu vừa thiếu".

Ngày 26/7, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ (thuộc Thành đoàn TP.HCM) phối hợp cùng Trường Đại học Tài chính – Marketing tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

Ngành logistics được dự báo tốc độ tăng trưởng mạnh

Phát biểu tại sự kiện, TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, có thể nói ngành logistics Việt Nam phát triển từ những năm 1990 trên cơ sở dịch vụ giao nhận vận tải. Qua gần 25 năm, đến nay ngành logistics nước ta đã trải qua giai đoạn đầu của sự phát triển và đạt được những kết quả đáng kể được thể hiện qua chỉ số hoạt động logistics (LPI) do Ngân Hàng thế giới công bố. Theo đó, năm 2018 Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra (tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016) và năm 2023 xếp hạng 43/138 nước điều tra. Việt Nam có thứ hạng đứng đầu trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.

ts.le-trung-dao.jpg
TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing phát biểu tại hội thảo.
logistics.jpg
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, giảng viên, sinh viên tham dự.

Với tốc độ phát triển bình quân hàng năm là 16-20% (số liệu của Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương), logistics là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn cao, khoảng 20% GDP năm 2022. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 17,8%, trong khi với các nước phát triển chi phí này chỉ chiếm khoảng 10-14% (chẳng hạn như Singapore là 9%). Chỉ số này càng cao thì thể hiện trình độ phát triển của ngành càng thấp.

Theo số liệu của Cục xuất nhập khẩu, tính đến năm 2021, cả nước có hơn 43.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, trong số đó, hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics quốc tế, 69 trung tâm có quy mô lớn và vừa, thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực. Ngành logistics được dự báo tốc độ tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Tại hội thảo, PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh, Phó trưởng ban kiểm tra Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, dịch vụ giao nhận, chuyển phát, mô hình nhượng quyền phát triển mạnh và mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

pgs.ts-ha-thi-ngoc-oanh.jpg
PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh, Phó trưởng ban kiểm tra Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam.

Theo báo cáo của Allied market research tháng 9/2022, thị trường dịch vụ Express Việt Nam đạt giá trị 0,71 tỷ USD năm 2021 và ước tính sẽ tăng lên mức 4,88 tỷ USD vào năm 2030 (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 24,1%). Trong đó, 60% thị phần trong tay doanh nghiệp nước ngoài; 30% thị phần còn lại thuộc về EMS và Viettel Post.

Thiếu nguồn nhân lực Logistics

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ kết quả nghiên cứu và trao đổi học thuật nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể để cải thiện năng lực logistics của Việt Nam, giải quyết những thách thức liên quan đến vận chuyển và phân phối hàng hóa trong nước và quốc tế.

PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh cho biết, các doanh nghiệp Logistics nước ngoài có nhiều lợi thế như: kiểm soát 80% dòng chảy hàng hóa; làm chủ về công nghệ; nắm quyền chi phối thương mại điện tử xuyên biên giới; phân loại sản phẩm, đóng gói, dán nhãn, theo dõi bưu kiện trực tuyến, e-mail và cảnh báo SMS,…

Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam lại bộc lộ nhiều hạn chế như: quá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động độc lập, thiếu sự phối hợp và tiêu chuẩn hóa; hạ tầng logistics chưa đầy đủ; thiếu năng lực (công nghệ, tài chính và chuyên môn) nên khó cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Bên cạnh đó, thủ tục hải quan còn phức tạp nên kéo sự phát triển của ngành chậm.

Theo PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh, để cạnh tranh và phát triển, doanh nghiệp Việt cần cải thiện 8 yếu tố để nâng cao chất lượng vận tải là: ứng dụng công nghệ, giá cả cạnh tranh, chất lượng dịch vụ, độ tin cậy, sự đúng hạn, độ đáp ứng, chính sách hỗ trợ khách hàng, thương hiệu.

Theo kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực. Tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực hiện đạt khoảng 7,5% mỗi năm.

“Mức tăng trưởng nguồn nhân lực này được cho là thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của ngành dịch vụ logistics, từ 15-20% mỗi năm. Nếu tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực giữ ở mức 7,5%/năm trong giai đoạn 2016-2030, thì có khoảng 117.532 người sẽ cần được đào tạo và hiện đang xảy ra tình trạng thiếu nguồn nhân lực logistics đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao”, TS. Lê Trung Đạo cho biết.

nhan-luc-logistics.jpg
Nguồn nhân lực Logistics Việt Nam thiếu trầm trọng. (Ảnh minh họa: internet).

Bà Vũ Thị Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng cho biết, nguồn nhân lực logistics Việt Nam hiện nay vừa thiếu vừa yếu. Để giải bài toán nguồn nhân lực logistics, các cơ sở giáo dục cần tạo mối liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp, phát huy vai trò của Hiệp hội logistics. Bên cạnh đó, nhà trường cần chú trọng nâng cao chất lượng giảng viên chuyên ngành logistics và chuỗi cung ứng, tổ chức các lớp nâng cao kỹ năng cho sinh viên ngành logistics, trong đó ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh là yếu tố tiên quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn nhân lực logistics ‘vừa thiếu vừa yếu’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO