Kinh doanh

TP.HCM đốc thúc việc phát triển ngành logistics

Nhật Hòa17/04/2024 15:02

UBND TP giao các đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch gửi về Sở Công Thương trước ngày 15/10/2024 để tổng hợp báo cáo UBND TP.

Theo đó Kế hoạch Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 - 2025 vừa ban hành, UBND TP giao các đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí chi tiết, gửi về Sở Công Thương trong thời gian 45 ngày kể từ ngày kế hoạch được ban hành để tổng hợp, trình Hội đồng Phát triển ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, hệ thống cảng, logistics TP.HCM.

tphcm.jpeg
Lãnh đạo TP.HCM thường xuyên có mặt chỉ đạo trong các Chương trình phát lệnh làm hàng đầu năm tại các cảng

Hội đồng Phát triển ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, hệ thống cảng, logistics TP.HCM được giao chịu trách nhiệm thẩm định các kế hoạch chi tiết của các đơn vị và trình UBND TP xem xét, quyết định.

Các cơ quan, đơn vị trên cơ sở kế hoạch, chương trình được UBND TP phê duyệt chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND TP bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch này theo quy định.

UBND TP giao các đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch gửi về Sở Công Thương trước ngày 15/10/2024 để tổng hợp báo cáo UBND TP.

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực Cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (LCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam với thời gian khảo sát hơn một năm từ tháng 8/2022 đến tháng 11/2023, TP.HCM dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh logistics.

TP.HCM hiện có 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics, chiếm 36,7% số doanh nghiệp logistics cả nước. Thành phố cũng chiếm tỷ trọng 54% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của Việt Nam với khoảng 2.700 doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải, hậu cần, logistics, qua đó giúp TP.HCM duy trì vị thế là địa phương dẫn đầu về logistics trong khu vực và cả nước.

Nhu cầu về logictics và số lượng doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ logistics tại TP.HCM ngày càng tăng theo đúng quy luật cung-cầu.

Ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, cho rằng hệ thống logistics bao gồm 5 yếu tố là: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các nhà sử dụng dịch vụ logistics và khung thể chế-chính sách.

Đánh giá về hệ thống logistics TP.HCM, ông Trần Chí Dũng phân tích TP.HCM đang là địa phương tiên phong ở một số khía cạnh liên quan. Có thể kể đến như việc chấp thuận cho một số trường, cơ sở đào tạo đăng ký giảng dạy môn logistics từ thời điểm môn học này chưa có trong danh mục môn học trên cả nước. TP.HCM cũng là địa phương đi đầu trong việc đề xuất Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam viết đề cương, lập đề án phát triển hệ thống logistics TP.HCM từ khá sớm.

Thêm vào đó, trong danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của TP.HCM luôn có các hạng mục về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải liên thông, kết nối đường bộ, cảng biển, hàng không…

can-gio.jpg
Chính quyền TP.HCM luôn có các hạng mục về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải liên thông, kết nối đường bộ, cảng biển, hàng không…

Mặc dù được đánh giá cao về năng lực cạnh tranh logistics so với các địa phương khác song thực tế, hệ thống logistics của TP.HCM vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố nói riêng, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết giao thông vận tải TP.HCM gắn liền với các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam và được định hướng trở thành đầu mối giao thông kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống đường bộ, đặc biệt hệ thống đường vành đai 2, 3, 4 chưa hoàn chỉnh, thường tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, ICD Trường Thọ...

Do vậy, để phát huy hết tiềm năng, trong Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP.HCM xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10-15%.

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), dự kiến thành phố sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha, bao gồm: Cát Lái - Phú Hữu - Thành phố Thủ Đức (diện tích 292 ha); Long Bình – Thành phố Thủ Đức (diện tích 54 ha); Linh Trung – Thành phố Thủ Đức (diện tích 74 ha); Củ Chi - huyện Củ Chi (diện tích 15 ha); Tân Kiên - huyện Bình Chánh (diện tích 60 ha); Hiệp Phước - huyện Nhà Bè (diện tích 100 ha); xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (diện tích 150 ha).

Ngoài ra, các dự án có chức năng tương tự trung tâm logistics như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… cũng đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.

Hiện tại, thành phố đã phê duyệt đề án "Phát triển ngành logistics TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỉ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

Bên cạnh đó, giai đoạn năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM đóng vai trò là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ.

Do đó, các chuyên gia cho rằng đối với việc phát triển đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, cần tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.

Đồng thời, TP.HCM sẽ hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng; phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài – TP.HCM - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM đốc thúc việc phát triển ngành logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO