Kinh doanh

TP.HCM phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn

VGP16/11/2024 - 12:19

TP.HCM đặt mục tiêu phát triển logistics trở thành 01 ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

pct.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển logistics trở thành 01 ngành dịch vụ mũi nhọn. Ảnh: VGP/Anh Lê

Tại diễn đàn Logistics TP.HCM 2024 với chủ đề "Logistics trong bối cảnh toàn cầu" do Hiệp hội Logistics TP.HCM tổ chức ngày 15/11, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh: Trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế của mình, TP.HCM xác định ngành logistics là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế Thành phố. Vai trò quan trọng đó cũng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI xác định "Đề án Phát triển ngành logistics TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" là một trong 49 Chương trình, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế Thành phố.

Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu phát triển logistics trở thành 01 ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua số liệu tổng hợp cho thấy, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP.HCM năm 2023 đạt xấp xỉ 8,51%, quy mô đóng góp gần 140 nghìn tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan logistics hiện là một lĩnh vực "thời sự", đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có nhiều lợi thế về cảng biển, đường bộ và hàng không, tuy nhiên TP.HCM vẫn đối mặt với hàng loạt thách thức, hạ tầng chưa đồng bộ, chi phí logistics cao và khả năng kết nối vùng hạn chế.

Đẩy mạnh kết nối hạ tầng, số hóa quy trình để nâng cao năng lực cho ngành logistics

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP Cảng Tân Cảng Hiệp Phước, cho rằng vai trò hạ tầng logistics với chuỗi cung ứng cực kỳ quan trọng. TP.HCM hiện có khoảng 6.900 doanh nghiệp logistics, chiếm gần 37% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của ngành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo ông Sơn, hệ thống cảng biển như Cát Lái và Nhà Bè... tuy đạt sản lượng lớn nhưng vẫn bị giới hạn bởi sự kết nối chưa liền mạch giữa các khu vực kinh tế trọng điểm như Long An, Tây Ninh. Hơn nữa, dù đề án phát triển 8 trung tâm logistics TP.HCM đã được phê duyệt, việc triển khai vẫn chưa tạo được bước đột phá… Những vấn đề này làm tăng chi phí vận tải và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành một trung tâm logistics khu vực. Tuy nhiên, nếu không cải thiện hạ tầng, số hóa quy trình và hướng tới phát triển bền vững, chúng ta sẽ đánh mất lợi thế vào tay các đối thủ trong khu vực.

Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc ASL Logistics, cho rằng, sự bất ổn giá cước khiến doanh nghiệp khó dự đoán chi phí vận hành, làm giảm lợi nhuận và tính cạnh tranh. Đặc biệt, sự chi phối của các liên minh hãng tàu lớn càng làm thị trường khó kiểm soát.

Để ứng phó với những thách thức hiện tại, các chuyên gia và doanh nghiệp đề xuất các giải pháp chiến lược. Theo đó, DN Việt cần xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các hãng tàu lớn, đảm bảo giá cước ổn định và duy trì năng lực vận chuyển trong bối cảnh biến động. Số hóa và ứng dụng công nghệ thông minh.

Đầu tư mạnh vào đường sắt kết nối cảng biển, nâng cấp các tuyến cao tốc và vành đai, phát triển các trung tâm logistics hiện đại... Đồng thời cần đa dạng hóa nhà cung cấp vận tải, giảm sự phụ thuộc vào một nguồn cung, từ đó tăng tính linh hoạt khi thị trường biến động.

Theo dự báo, đến năm 2025 công suất vận chuyển container trên thế giới tăng 8%, trong khi nhu cầu tăng 3-5%. Điều này mở ra cơ hội ổn định giá cước, nhưng các tác động từ khủng hoảng năng lượng, chính sách thuế quan hay chiến tranh thương mại vẫn là những rủi ro tiềm ẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO