Cộng đồng

Vui khỏe mỗi ngày tháng 11/2024: Dinh dưỡng “xanh” hướng thế hệ trẻ phát triển bền vững

HOÀNG NGUYỄN 22/11/2024 10:24

Nhằm giúp giới trẻ, nhất là các sinh viên có chế độ dinh dưỡng khoa học và có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” tháng 11/2024 sẽ được tổ chức với chủ đề “Dinh dưỡng ‘xanh’ hướng thế hệ trẻ phát triển bền vững”.

Chương trình do Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp cùng Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân 115 và Công ty Cổ Phần Acecook Việt Nam. Sự kiện sẽ được diễn ra vào lúc 14h00 – 16h00 ngày 26/11 tại Hội trường Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (Số 12 Nguyễn Văn Bảo, quận Gò Vấp, TP.HCM).

vui-khoe-moi-ngay-11.2024.jpg

Tại chương trình, báo cáo viên là chuyên gia, bác sĩ đầu ngành ở lĩnh vực dinh dưỡng và tiêu hóa sẽ báo cáo chuyên đề hữu ích dành riêng cho các thầy cô, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM.

Tiêu hoá gặp rắc rối làm giảm sút chất lượng học tập, sinh hoạt

Trở lại với chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng – Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân Dân 115 sẽ báo cáo chuyên đề “Phòng ngừa các bệnh tiêu hóa thường gặp ở giới trẻ”.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng cho biết, hệ tiêu hóa được tạo thành từ nhiều cơ quan bao gồm ống tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, hậu môn) & tuyến tiêu hóa ( gan, mật, tụy…). Mỗi cơ quan của hệ tiêu hóa có một chức năng riêng nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau, đảm bảo vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận, chuyển hóa, hấp thu, chất dinh dưỡng cần thiết cho tất cả các hoạt động của cơ thể. Hệ tiêu hóa không chỉ có vai trò về dinh dưỡng mà còn kết nối với nhiều hệ khác để tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.

bs-tuyen-ohuong-bv-nd-115.jpg
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng – Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân Dân 115

“Giới trẻ luôn tràn trề năng lượng và nhựa sống thường có hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Tuy nhiên bên cạnh đó với nhịp sống hiện đại, áp lực công việc, học hành, chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ, ..là nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hệ tiêu hóa. Tiêu hoá gặp rắc rối không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe mà còn làm giảm sút chất lượng học tập, sinh hoạt khiến sức khỏe tổng quát của cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng cho hay.

Theo TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, viêm loét dạ dày là căn bệnh của xã hội hiện đại, khi cuộc sống vội vàng, bận rộn khiến mọi người không còn thời gian chăm sóc cho những bữa ăn và chế độ sinh hoạt của mình. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến viêm loét dạ dày như: sử dụng nhiều các chất kích thích, ăn thức ăn quá chua, quá cay hoặc quá nóng; ăn vội vàng, vận động mạnh ngay sau khi ăn; giờ giấc ăn uống không ổn định: ăn không đúng bữa, ăn quá khuya, lúc ăn thì quá no, lúc thì nhịn đói quá lâu.

Bên cạnh dạ dày, gan cũng là một trong những cơ quan quan trọng nhất của hệ tiêu hóa, đảm nhiệm nhiều chức năng như chuyển hóa các chất dinh dưỡng, thải độc, dự trữ vitamin... nhưng gan lại dễ bị tổn thương. Gan nhiễm mỡ, rượu bia, thực phẩm không an toàn,…đều có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan. Việc trang bị những kiến thức về bệnh lý gan hiện nay cũng là điều thật sự cần thiết đối với giới trẻ.

Sinh viên cần biết cách chọn thực phẩm, ưu tiên nấu ăn

Lần đầu tham gia chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”, ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường – Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y dược TP.HCM sẽ trình bày chủ đề “Dinh dưỡng xanh hướng giới trẻ phát triển bền vững”. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông, ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường cho biết, nội dung chủ đề “dinh dưỡng xanh” sẽ tập trung vào 3 vấn đề: cách lựa chọn thực phẩm, ưu tiên nguồn thực phẩm như thế nào cho bữa ăn hằng ngày và cách sắp xếp nhóm thực phẩm để đảm bảo việc học cho sinh viên (có trí nhớ, tinh thần và thể chất tốt).

ths-bs-khue-tuong.jpg
ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường – Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y dược TP.HCM

Theo ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường, nên chọn những loại thực phẩm thô (nguyên), không nên chọn thực phẩm chế biến sẵn. Nếu phải sử dụng sản phẩm chế biến sẵn thì cần phải biết cách phối hợp, kết hợp để đạt được hiệu quả cao nhất. Các nhóm thực phẩm đều có giá trị dinh dưỡng, quan trọng là biết cách sử dụng và cân bằng nó. Nếu chọn sử dụng thiên về 1 loại thực phẩm thì về lâu dài, cơ thể sẽ bị lệch dinh dưỡng.

“Đối với sinh viên thì chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn còn nặng về vấn đề kinh phí. Tuy nhiên, nếu bạn nào ở trọ hay có điều kiện về nấu ăn thì nguồn thực phẩm được lấy từ dưới quê sẽ giải quyết được bài toán về kinh tế và giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn. Đối với những sinh viên ở ký túc xá (KTX), điều kiện hạn hẹp về nấu ăn thì cũng có thể tìm cách để ưu tiên chế biến thực phẩm cho bữa ăn nếu nơi ở cho phép dùng nồi cơm điện hay lò vi sóng. Còn không thể nấu ăn thì sinh viên chỉ lệ thuộc vào căn-tin của KTX. Một bữa ăn nên đầy đủ 5 nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm, rau củ, trái cây và sữa”, ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường chia sẻ.

Ngay sau phần trình bày báo cáo chuyên đề, hai báo cáo viên sẽ có phần giao lưu, giải đáp trực tiếp những thắc mắc của các thầy cô, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng và cách phòng ngừa, điều trị các bệnh lý về tiêu hóa sẽ được chuyên gia, bác sĩ chuyên môn chỉ dẫn cụ thể để các thầy cô và sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM có thể ứng dụng vào từng trường hợp.

Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày với các bệnh lý thường gặp” là một sáng kiến vì sức khỏe cộng đồng do Tạp chí Khoa học phổ thông khởi xướng, được tổ chức định kỳ hằng tháng nhằm mục đích nâng cao kiến thức phòng tránh các bệnh lý thường gặp đến với cộng đồng, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui khỏe mỗi ngày tháng 11/2024: Dinh dưỡng “xanh” hướng thế hệ trẻ phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO