BA NGÀY GIỮA THẤT SƠN
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của anh Thức, người từng khám phá Bảy Núi, chúng tôi lên đường từ mờ sáng. Gió trở mùa se lạnh cũng là lúc nước lũ rút về những dòng sông. Mấy chiếc xuồng câu mưu sinh trong lũ kéo lên bờ sau những ngày lênh đênh trên đồng nước. Đường vào Thất Sơn xuyên qua đồng lúa, mấy xóm nhỏ nép mình dưới hàng cây thốt nốt. Thất Sơn nằm trong khu tam giác ba huyện Tịnh Biên – Nhà Bàng - Tri Tôn, địa thế nơi đây được coi như pháo đài thiên nhiên kiên cố án ngữ vùng biển Hà Tiên, trấn giữ trời tây Tổ quốc. An Giang không chỉ có bảy núi, nên có nhiều quan điểm khác nhau về các ngọn núi tạo nên Thất Sơn.
Theo cụ Hồ Biểu Chánh thì Thất Sơn gồm núi Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Tô và núi Cấm. Các nhà khảo cứu nước ngoài từng thăm dò cũng kết luận Thất Sơn là bảy núi trên. Còn theo các lão ông vùng này thì không phải núi Bà Đội <_st13a_place w:st="on">Om và núi Trà Sư mà là núi Năm Giếng và núi Nước. Núi Sam nơi có miếu thờ Bà Chúa Xứ không nằm trong cụm Thất Sơn. Giữa cái nắng gay gắt miền biên giới xa xôi này, chúng tôi lên Thủy Đài Sơn (núi Nước) tìm chút gió mát đồng nội, núi không cao nằm trơ trọi giữa tứ bề đồng nước. Khuất sau những vạt tràm, bên kia là Campuchia. Ngọn núi này có khối đá hình dấu chân được truyền rằng là chân tiên. Cạnh đấy là núi Dài, qua nhiều thăng trầm, vẫn âm u rậm rạp, chỉ có những lối mòn người dân tộc tìm lên hái thuốc hay bắt bò cạp bán cho người Kinh ngâm rượu. Núi có nhiều cây thuốc quý trị bệnh, thưa vắng người ở nên thú dữ còn nhiều.
Đến núi Cấm giữa màn đêm vây phủ, núi rừng âm u, tiếng chim cú kêu lanh lảnh rợn cả người. Trời tối, chỉ còn mỗi con trăng rằm cuối mùa luyến tiếc trải dài ánh sáng huyền ảo trên những ngọn cây, khe đá. Giữa nơi u tịch, tiếng chuông chùa vang lên càng huyền hoặc chốn rừng thiêng lạnh vắng. Tiếng tụng kinh, tiếng mõ thưa dần rồi im ắng, những dãy nhà ven núi chốt kín cửa không một bóng người lai vãng.
Mờ sáng, tôi “hợp đồng” anh xe ôm có tay lái thật “cứng” lên đỉnh núi Cấm, 150.000 đồng mà anh ta vẫn chần chừ cho một ngày đường. Đây là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn (710 m), khí hậu mát mẻ quanh năm (nhiệt độ trung bình 18 - 240C) nên được mệnh danh là Đà Lạt của đồng bằng. Vượt nửa chừng dốc là đường đá gồ ghề, anh xe ôm nhiều lần suýt ngã. Tôi phải “lái” đôi chân qua dốc núi gập ghềnh. Khách hành hương từng đoàn dìu nhau, khiêng vác lương thực cho chuyến đi dài.
Thiên Cấm Sơn có nhiều đạo sĩ ẩn thân tu hành. Trên đỉnh núi có chùa Phật Lớn và Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc cao lớn nhất nước ngự trị trên ngọn đồi. Cảnh trưa thanh vắng, mỗi tiếng động cũng khiến người leo núi bồn chồn vì nơi đây là chốn nương thân của nhiều loài mãng xà, thú dữ. Bậc lão ông vùng núi này khuyên rằng, người có tâm tính tham lam, nghĩ điều xấu xa, gian ác, khó mà lên đỉnh núi Cấm, nhất là Vồ Chư Thần.
Tôi quyết đi một mình qua Điện Bác vật Lang (điện là nơi có nhiều tảng đá lớn chồng lên tạo những khoang trống và hang sâu), nơi nhà bác vật học bên Tây về, lên núi Cấm tìm hang sâu thám hiểm, ông xuống hang này rồi đi tận núi Tô. Khi lên ông bị cấm khẩu và thôi làm việc cho Tây. Đường xuống hang hẹp dần, cây rừng che kín lối, nhiều đoạn khuất và khe đá chỉ vừa một người qua. Lần theo sợi dây, tôi xuống tận miệng hang gió rít qua khe đá rào rào, vài cây nhang và đèn cầy cháy nửa chừng vương vãi trên những khối đá nhiều hình thù trước miệng hang tối om. Tôi bật đèn pin bước nhẹ vào hang, một con thằn lằn núi gần bằng con tắc kè ngẩng đầu nhìn lên rồi bò ngang vô cảm. Giật mình lạnh cả người, trong hang tối một con dơi quạ hét thất thanh rồi vỗ cánh lao ra khỏi miệng hang.
Nắng đã xế chiều, đường rừng rậm lại vắng vẻ hơn. Đến Điện 13, tôi vòng qua Điện Bò Hong. Tương truyền rằng, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, vua Gia Long chạy tới đỉnh Bò Hong này. Lúc không còn đường thoát, bỗng có vô số bò hong bay đen kịt rồi kết lại thành mảng lớn che chắn cho ông. Ông thoát thân, sau đó cùng đoàn tùy tùng băng qua Vồ Thiên Tuế. Giữa bốn bề rừng núi, ông cầu nguyện rồi cắm thanh gươm xuống khe đá, nước ngọt trào lên. Hiện nơi đây vẫn còn hai giếng nước hình thoi như lưỡi gươm Gia Long cắm xuống thuở nào. Nhiều người lấy tầm vông đo đáy nhưng vẫn không xác định được. Vòng lên đỉnh là Động Thủy Liêm nước mát trong xanh, ánh nắng xuyên qua kẽ lá tạo ánh cầu vồng lấp lánh.
Nơi đây có dấu chân lớn được tôn kính là chân Phật. Ở xứ núi này không sợ đói. Người dân sống thanh lặng, giản đơn. Cây ăn trái từ đồng bằng đem lên trồng nhiều nhưng không ngon. Trồng mít, măng, sầu riêng có người lên tận núi thu mua. Su su trồng trên núi phát triển tốt, sai trái không kém xứ lạnh. Hàng ngày, từng tốp người dân tộc gánh rau, cá lên tận núi, cả bánh mì, cà rem cũng có. Nhà xa thì trữ lương thực ăn cả tháng mới xuống núi một lần. Trên núi đã có trường cấp 1, cấp 2 nhưng nhiều em ở xa vẫn thức từ 4 - 5 giờ sáng băng rừng vượt dốc đến trường. “Chưa có nơi nào ngày Tết buồn như dân xứ núi, vắng hoe người. Mãi đến rằm mới có khách hành hương, khi ấy mới thấy rạo rực xuân về”, ông Tư chạy xe ôm ở chân núi giọng buồn buồn. Ông chạy xe ôm 10 năm rồi, mỗi lượt chở khách lên xuống núi 50.000 đồng, nghe thì nhiều thật nhưng xe phải thay sên, dĩa hoài. Chiếc xe mới mua chưa trọn năm đã “rệu”. Nhiều người sống trên núi lo toan, chính quyền đã bắt đầu bồi thường và giải tỏa nhiều hộ dân nằm trong khu quy hoạch, trả lại cảnh quan cho núi Cấm. Người dân cũng được tái định cư trên núi theo quy hoạch mới…
Vạt nắng chiều cuối cùng khuất sau những rặng thốt nốt thâm trầm, xóm nhỏ chỉ còn là những chấm đen nhá nhem ánh đèn. Rừng núi như phủ một lớp lụa trắng, mờ ảo. Trên đỉnh Vồ Bò Hong, nơi cao nhất trong dãy Thất Sơn, gió lành lạnh, mây chiều như vương vấn bước chân. Nơi đây, vào những ngày đẹp trời, dõi mắt về hướng Hà Tiên, sẽ thấy biển xanh mơ màng của xứ thơ một thuở. Nằm cạnh núi Cấm, núi Bà Đội <_st13a_place w:st="on">Om còn hoang vu không người, chưa có đường lên nên chúng tôi chỉ ghé lại dưới chân núi. Khoảng 5 giờ chiều, những người làm rẫy kéo nhau xuống núi và chẳng ai dám bén mảng lên triền. Anh Thạch Trôn, sống ở chân núi này, bao lần giật mình thấy thú dữ và nghe tiếng kêu lạnh người trong hang núi. Cọp, beo từng xuống núi vật bò nuôi của người dân ăn thịt.
NHỮNG HUYỀN THOẠI CÓ THẬT
“Miền Thất Sơn này, mãng xà con vài chục ký đâu có gì lạ, bây giờ vẫn còn” - ông Năm Dân (Châu Đốc), từng sống trên núi Cấm khẳng định. Ông Ba Lưới, một trong những người lưu giữ huyền thoại núi Cấm từng chứng kiến và đánh chết mãng xà cả trăm ký, ngóc đầu cao khỏi nóc nhà. Lần đối đầu đó, con mãng xà bất tỉnh, cây đòn gánh phòng thân của ông gãy làm đôi. Ít lâu sau, ông đánh chết con rắn hổ mây gần 70 ký. Không những là khắc tinh của mãng xà, ông Ba Lưới từng gặp cọp trên rừng. Có lần nghe tiếng cọp bắt heo rừng, ông xách mác chạy ra, đến nơi thì thấy cọp “nhường phần” lại cho ông mà đi mất.
Nơi chốn non cao này, rất nhiều những hiền nhân ẩn mình tu đạo, cốt cách như những tiên ông thánh thiện. Trên đường tới chùa Phật Lớn, giữa khoảng rừng xanh thẳm là cây hoa ngọc lan cổ thụ mấy người ôm không hết, hoa thơm ngát che kín một khoảng không. Nơi đây, một lão ông tóc trắng bạc phơ tiếp chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu. Gần 80 năm trước, sau biến cố gia đình, dòng họ chẳng còn ai, chàng thanh niên tên Ba Tiêu 19 tuổi quê ở Chợ Mới vượt dặm đường, một thân tìm lên núi Cấm. Ông Ba Tiêu sống cuộc đời đạm bạc giữa núi rừng, ngày ngày ông lặn lội tìm cây thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Núi Cấm có nhiều loài thuốc quý như sa nhân, huyết rồng, đỗ trọng, ngải móng trâu, đầu khấu…
Cây thuốc mọc quanh nhà, trên những nẻo đi. Núi Cấm có loài ngải đen quý hiếm, mỗi ký ngải là một ký vàng. Con nhím vùng núi này cũng rất quý, nhất là bao tử, do chúng hay bới đất tìm ăn củ ngãi.
Có ở miền Thất Sơn mới thấy những huyền diệu của núi rừng, ông Ba trầm ngâm nhớ lại. Năm 1972, nhà cửa trên núi bị giặc bắn phá, ông phải ngủ suốt hai tháng ròng trên gốc cây lớn. Những đêm trăng, cọp về đi quanh gốc cây ông đang ngủ. Rồi một lần ông Ba ngồi niệm Phật, từ trên núi cọp đi thẳng về phía ông. Như muốn trêu người, ông cọp nhắm một mắt nhìn ông một hồi rồi đi thẳng.
Thiên Cấm Sơn ngày trước cây rừng dày đặc, nhiều nơi quanh năm ánh nắng không xuyên tới mặt đất. Nơi rừng thiêng này, rắn hổ mây từng làm khiếp vía nhiều người. Nhiều con cả trăm ký, chúng lướt đi nghe như gió xào xào trên ngọn cây. Loài hổ mây khi di chuyển, hơn nửa thân mình ngóc cao, nhiều con ngóc cao cả 6 - 7 thước. Lúc thấy người, chúng ép mình phùng mang cả 1 - 2 thước, mắt đỏ ngầu láo liên rất hãi hùng. Một lần ông Ba Tiêu đi rừng, rừng im phăng phắt bỗng xuất hiện tiếng gió ào tới, cây gãy răng rắc, chưa kịp ngước nhìn thì chúng xuất hiện, ông lùi lại rồi bỏ đi. Chị Thạch Thị Khum ở Vồ Bò Hong khẳng định, heo rừng nhiều lắm, giữa trưa cắn nhau trên vách núi té rầm rầm xuống mái tôn nhà chị. Sợ nhất là heo rừng đã sập bẫy, chúng thoát được hễ gặp người là rượt không tha.
Theo lời ông Ba Tiêu, beo ở núi Bà Đội <_st13a_place w:st="on">Om gọi là beo “hạm”, rất hung dữ. Một người bạn của ông, từng lái xe ngang đây lúc chiều bị beo vồ ra nhảy cả lên thùng xe. Ông Ba Hổ (Châu Phú, An Giang) kể, những năm 1943 - 1945, nhiều người chứng kiến lúa bốc bay từ kho địa chủ về sân chùa. Một vị sư giải thích là do một loài côn trùng có cánh gắp hột lúa rồi bay đi.
Chỉ còn một buổi chiều nữa thôi là chúng tôi đã ngót 3 ngày hành trình. Dừng chân bên núi Tô (Cô Tô), ngọn núi đẹp của Thất Sơn, nơi đây có miệng hang được cho là thông tới núi Cấm. Không khí trong lành, núi rừng Cô Tô hoang dã với những dòng suối mát và cây rừng rợp bóng trở thành điểm tham quan du lịch. Chúng tôi chỉ kịp dừng chân chụp vài kiểu hình lưu niệm ở núi Két, núi Trà Sư rồi quay về Châu Đốc lúc thị xã đã lên đèn. Những huyền bí của Thất Sơn sẽ nối tiếp và mãi mãi ẩn sâu trong mỗi con người, cây cỏ nơi này. Một điều chắc rằng, mỗi thế hệ tiếp sau sẽ tự hào một vùng quê trù phú, một miền đồng bằng có đồng lúa cho sản lượng cao nhất nước, nơi có dãy Thất Sơn hùng vĩ đầy huyền thoại.