Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM: Đảm bảo không lạm thu đầu năm học
Theo kế hoạch, ngày 5/9, các trường học từ mầm non tới THPT đều đồng loạt khai giảng năm học 2023-2024. Bước vào năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM đã chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông những thông tin quan trọng của năm học này đến phụ huynh và học sinh.
Quy định rất chi tiết từng khoản thu, đảm bảo không lạm thu đầu năm
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM có giải pháp gì để hạn chế việc lạm thu ở các trường học?
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố và Hội đồng nhân dân Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã phối hợp với các sở ngành, quận, huyện, Thành phố Thủ Đức để dự thảo công văn hướng dẫn triển khai thực hiện chặt chẽ các Nghị quyết. Với mục tiêu là triển khai Nghị quyết hiệu quả đi vào thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở giáo dục và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức dễ triển khai, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ giám sát và được quy định rất chi tiết từng khoản thu dự kiến triển khai trong năm học mới.
Phải đảm bảo các yêu cầu như sau:
* Về nội dung thu (định danh): Tất cả các tên các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) phải đảm bảo đúng tên của 26 nội dung khoản thu thuộc 4 nhóm theo phân loại của Phụ lục đính kèm Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố.
*Về mức thu (định lượng): Tất các mức thu của khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) phải đảm bảo không vượt mức thu tối đa theo quy định cùng từng nhóm theo phân loại địa bàn.
Trên cơ sở nội dung và khung mức thu được quy định theo phân cấp, các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của cha mẹ học sinh để xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung thu làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể phù hợp từng đơn vị năm học 2023-2024. Khi xây dựng dự toán, căn cứ nội dung theo các hướng dẫn chuyên môn của ngành giáo dục về thực hiện các chương trình dạy học 2 buổi/ngày, chương trình ngoại khóa và các nội dung khác theo quy định (chi tiết hướng dẫn theo từng bậc học được thể hiện trong công văn hướng dẫn).
* Công khai các khoản thu: Tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên; bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền cho từng học sinh, sinh viên, không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền và đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định. Yêu cầu tất cả khoản thu phải đảm bảo thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp quản lý, kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định.
Xây dựng trường học hạnh phúc, thí điểm mô hình vinh danh học sinh
Ông có thể cho biết những điểm mới trong năm học này mà phụ huynh và học sinh cần chú ý?
- Năm học 2023 – 2024 là năm học đầu tiên mà tất cả các khoản thu giá dịch vụ giáo dục trên địa bàn được Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố trình Hội đồng nhân dân (HĐND) ban hành Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố về quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM năm học 2023 – 2024, là một văn bản tạo hành lang pháp lý vững chắc, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót trong việc quản lý các khoản thu chi.
Điểm đặc biệt của Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố là lần đầu tiên quy định việc không thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập nêu tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này đang được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 28/7/2021 của Chính phủ, hoặc các trường hợp đang được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo Nghị quyết số 13/2020/ NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND Thành phố về chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 7 tháng 4 năm 2022 của HĐND Thành phố về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh thật sự khó khăn trên địa bàn Thành phố.
Tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 với các điều chỉnh theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội.
TP.HCM tiếp tục hoàn tất hồ sơ ứng cử tham gia Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Thực hiện đầy đủ cam kết xây dựng Thành phố học tập (là một thành phố cung cấp cho tất cả mọi người cơ hội học tập suốt đời, bất kể tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn hay hoàn cảnh xã hội).
Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu trong ngành giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Triển khai học bạ điện tử các cấp học trên toàn Thành phố.
Trên cơ sở bộ tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc” do Sở GD&ĐT hoàn thiện và ban hành; Tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố (các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên) triển khai xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của đơn vị; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, làm sao để hoạt động mang lại kết quả thực chất nhất. Triển khai thí điểm mô hình vinh danh học sinh, tạo môi trường, điều kiện để học sinh có thể thể hiện được những tố chất, phẩm chất, năng lực của bản thân và thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Học sinh nên tự tin thể hiện năng lực và sáng tạo
Năm học mới, ông có lời khuyên nào với phụ huynh và học sinh để các em có thể hoàn thành tốt nhất chương trình học?
- Phương pháp dạy học tích cực hiện nay chú trọng phát triển năng lực, kỹ năng thực hành và vận dụng của học sinh; phát triển khả năng hợp tác, làm việc nhóm. Và trong định hướng phát triển giáo dục hiện nay là đào tạo, bồi dưỡng học sinh trở thành những công dân toàn cầu. Vì thế, các em học sinh cần có sự chủ động hơn trong học tập, phát huy khả năng tự học tự nghiên cứu theo hướng dẫn của thầy cô để chiếm lĩnh tri thức, tự tin thể hiện năng lực và sự sáng tạo của mình trong vận dụng kiến thức bài học vào thực tế cuộc sống. Cần rèn luyện và nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn quốc tế để sẵn sàng hội nhập; tăng cường rèn luyện sức khỏe, tham gia ít nhất 1 môn thể thao để tăng cường thể lực; quan trọng hơn hết, các em còn cần phải xây dựng cho mình các mối quan hệ tốt đẹp trong môi trường học đường, gia đình, và cộng đồng; phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của dân tộc, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết.
Về phía phụ huynh, với phương pháp giảng dạy và học tập hiện nay đang áp dụng tại tất cả các trường học trên địa bàn TP.HCM, phụ huynh cần hiểu đúng cách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của con tại trường, từ đó hướng con phát triển tối đa năng lực cá nhân, khuyến khích trẻ thể hiện, bộc lộ cá tính, năng lực và phẩm chất bản thân. Phụ huynh nên đồng hành, chia sẻ với con trong những hoạt động học tập, thường xuyên liên hệ với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập và sinh hoạt của các con, từ đó kịp thời phối hợp với thầy cô giáo hỗ trợ cho học sinh có điều kiện để rèn luyện và phát triển một cách tốt nhất.
Xin cảm ơn ông.