Báo động ô nhiễm nặng nước sông, kênh, rạch
Theo thống kê của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thì năm 2011 tại TP.HCM có 36 vị trí kênh, rạch bị lấn chiếm, tính đến cuối tháng 7/2012 thì có đến 41 vị trí bị lấn chiếm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhiều năm liền công tác quản lý môi trường chưa được chặt chẽ, sản xuất công nghiệp chưa chấp hành nghiêm Luật bảo vệ môi trường và ý thức người dân trong bảo vệ môi trường chưa cao. Tuy các tuyến sông, kênh, rạch bị bồi lắng rất nhanh nhưng việc triển khai nạo vét khơi thông dòng chảy lại chưa được các cơ quan chức năng đầu tư đúng mức.
Theo Trung tâm chất lượng nước và môi trường - Phân viện quy hoạch khảo sát thủy lợi Nam bộ, nước tại hệ thống kênh, rạch tại TP.HCM đều bị ô nhiễm nặng. Các thành phần như: BOD5 (nhu cầu oxy sinh học), COD (nhu cầu oxy hóa học), chỉ tiêu vi sinh (coliform), hàm lượng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng... vượt tiêu chuẩn gấp nhiều lần cho phép. Điển hình như các kênh Thầy Cai, An Hạ (huyện Củ Chi); kênh B, C (huyện Bình Chánh); kênh Bà Búp, Trần Quang Cơ (huyện Hóc Môn); kênh Tân Trụ, Hy Vọng (quận Tân Bình)... nước có màu nâu đen, mùi hôi rất nặng, nhiều chỉ tiêu đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Các kênh, rạch bị xả rác nhiều như: rạch Bà Tiếng, Bà Lựu, kênh Liên Xã (quận Bình Tân); rạch Bình Thái, rạch Nhỏ, Cầu Miếu (quận Thủ Đức); rạch Ông Đội nhánh 1, rạch Bến Ngựa, Bà Bướm (quận 7). Đặc biệt trên kênh Tân Trụ và kênh Hy Vọng, không những lòng kênh bị xả nhiều rác thải mà còn bị xả thải bởi phân gia súc, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng nề.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phòng quan hệ cộng đồng, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục và nhận thức cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường và hệ thống thoát nước đô thị. Cụ thể như vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ môi trường; tổ chức những buổi tuyên truyền, tập huấn; tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép vào các chương trình giảng dạy. Cần đẩy mạnh xã hội hóa công cuộc bảo vệ môi trường nước, xây dựng kế hoạch quản lý lâu dài đối với lĩnh vực tài nguyên nước. Theo bà Linh, điều cần thiết là trước khi lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động, chương trình liên quan đến lưu vực sông, kênh, rạch đã định thì điều quan trọng là nên hiểu rõ và xây dựng lòng tin cho cộng đồng.
Ông Bùi Văn Trường, trưởng phòng quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa, Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị,cho rằng việc bảo vệ môi trường nước sông, kênh, rạch phải có sự quyết tâm chung tay của toàn xã hội. Trong đó cần chú trọng đến một số giải pháp trước mắt như tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng; tăng cường công tác phối hợp quản lý từ các sở, ngành địa phương; tăng cường nguồn kinh phí và xây dựng cơ chế riêng cho công tác vớt rác, nạo vét; đẩy nhanh tiến độ dự án cắm mốc bờ bao và các dự án xử lý nước thải, rác thải theo quy hoạch. Về lâu dài cần xây dựng quy chế phối hợp với các địa phương lân cận về bảo vệ môi trường nước sông, kênh, rạch chung.