Đời sống

Giải mã hiện tượng “cù dậy”

Nguyễn Minh Hải 12/02/2024 10:48

Cù dậy” là một hiện tượng kỳ bí trong đời sống của đồng bào ta ở Nam bộ. Vùng đồng bằng sông Cửu Long và ven vịnh Thái Lan vẫn còn lưu dấu chuyện loài cá sấu tu luyện nhiều năm trở thành “cù”. Con vật này nằm im một chỗ, có đất bồi bên trên thành cồn, nhiều năm trôi qua, đất lấp kín lại…

Con cù là loài rồng không sừng hay cá sấu tu luyện lâu năm!?!

Người ta không thể phân biệt chỗ nào có “cù”, chỗ nào không nên vô tình trồng cây, cất nhà trên đó. Đến một thời hạn nào đó, nó chuyển mình, lật đổ cả nhà cửa, cây cối rồi vùng bay lên. Cái cồn sẽ tan nát, cây cối gãy đổ, nhà sập, thậm chí người chết; chỗ không phải cồn, để lại một cái hố lớn, vừa sâu vừa dài… Đó là hiện tượng “cù dậy”.

“Cù dậy” từng hiện diện khá rõ nét trong đời sống người dân Nam bộ. Đêm nằm nghe mưa to gió lớn, sấm sét dữ dội bất thường, người các vùng sông lớn thường nói: "Không khéo cù dậy". “Nghe nói”, “có biết chút ít” về “cù dậy” là câu trả lời khá phổ biến ở những tuổi trong độ tuổi 50 trở lên ở một số tỉnh Nam bộ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc. Có người tin điều đó có thật, có người tỏ ý nghi ngờ, cũng có người cho là hoang đường.

ca-sau-trong-tin-nguong-dan-gian-anh-minh-hoa.jpg
Theo nhà văn Đoàn Giỏi, “cù” là cá sấu tu luyện lâu năm ẩn mình dưới các bãi bồi chờ ngày hóa rồng. Ảnh minh họa

Trong bộ từ điển chữ quốc ngữ xưa nhất nước ta là Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của (năm 1895), “con cù” là: “Loài rồng không sừng; tục hiểu nó thường nằm dưới đất, chỗ nó dậy thành sông”. Giải thích hiện tượng “cù dậy”, bộ từ điển này nói: “Cù đội đất mà lên. Tục hiểu cù lao nổi cũng là tại cù dậy”.

Còn theo nhà văn Đoàn Giỏi, “cù” là cá sấu tu luyện lâu năm ẩn mình dưới các bãi bồi chờ ngày hóa rồng. Khi có sấm chớp, chúng cựa mình bay lên khiến các bãi bồi lở hoặc trồi lên, người ta gọi đó là hiện tượng cù dậy - và người ta đặt tên cho các bãi bồi đó là cù lao.

Chúng tôi tình cờ tìm thấy một bài viết về hiện tượng “cù dậy” của tác giả Lê Hương đăng trên Tạp chí Bách Khoa số 331 ra ngày 15/10/1970. Trong bài viết này, tác giả có ghi lại một số chuyện kỳ bí, nhưng không ghi là từ nguồn nào. Chúng tôi lược lại một số hiện tượng tiêu biểu.

Những câu chuyện kỳ bí về "cù dậy"

Cây mọc trên lưng sấu

Năm 1920 tại vùng Cống Cây Dương (Rạch Giá) có một cù lao nằm giữa sông Cái Lớn. Trên cù lao này có nhiều cây bần lớn. Một bữa, cù lao này bị nước xoáy lở sụp một góc lộ ra một con sấu đã nằm ở đây không biết từ bao giờ.

Do con vật này chưa thành “cù” nên nó bơi lội như cá sấu bình thường, mang luôn trên lưng một cây bần lớn, rễ bao trùm thân mình mà thân cây vẫn đứng thẳng như mọc trên đất liền. Mỗi lần sấu lặn xuống sâu, cây mất ngọn, khi trồi lên, cây nổi giữa sông, “đi” tới “đi” lui như chiếc tàu!

ca-sau-trong-doi-song-dan-gian-nam-bo.jpg
Những câu chuyện về hiện tượng "cù dậy" luôn kỳ bí trong đời sống của đồng bào ta ở Nam bộ (Ảnh minh họa)

Bình luận của người trích (NMH): chuyện sụp đất là có thật, do đó chỗ đất có cây bần bị trôi dạt ra xa. Cây bần lúc “chìm" lúc “nổi” là do thủy triều lên xuống. Còn chuyện “đi đi lại lại” e rằng chỉ tương đối, tức là do có nước chảy, cành lá rung rinh và qua nhiều ngày, hòn đất có chứa cây bần có thể bị di chuyển, thành ra giống như “đi lại”.

Đào đất gặp sấu

Năm 1922, đào kênh từ núi Sập qua Rạch Giá. Đào sâu hơn một thước rưỡi, có người thấy một con sấu dài 50 phân, mình to bằng cái chén, màu trắng đục, vẫn thở phì phò. Thân mềm như bún, thẳng như tấm ván. Một số người khuyên nên phóng sinh làm phước nhưng những người không nghe vì cho rằng thân thể mềm như bún, làm sao bơi được. Họ đem xào với nước dừa tương ớt. Thân sấu toàn mỡ thịt, mềm như sụn không xương. Họ nhậu với hai lít rượu đế. Ăn uống xong cả 6 người đều chết.

Bình luận của người trích: cá sấu (hoặc loài động vật nào đó) nằm vùi dưới đất, bị đào thấy cũng không quá lạ. Thịt toàn mỡ, mềm như sụn, màu trắng đục… có điểm gần giống với cá sấu. Lại chỉ dài nửa mét, mình to bằng cái chén, có thể là cá sấu còn non.

Đào cát được thịt sấu

Năm 1950, một nghiệp chủ ở huyện Kế Sách (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng) sai bạn chèo ghe qua cồn Quốc Gia ngang sông Kế Sách để lấy cát về cất nhà. Ông Tư Ốm là người đi lấy cát, xúc từ dưới cát lên được thịt tươi màu trắng, không máu, rất mềm. Không hiểu là thịt gì, người ta bàn tán xôn xao, có người tin chắc đó là thịt một con sấu to lắm nằm dưới đó, chờ ngày hóa “cù”. Mọi người khuyên Tư Ốm không nên ăn nhưng ông không nghe, cứ bắt vợ xào theo lối thịt rừng. Làm xong, được ba tô lớn, ông mời mọi người ăn nhưng không ai dám ăn, chỉ có mình Tư Ốm ăn. Ăn xong, ông lên giường ngủ và không bao giờ dậy nữa.

Bình luận của người trích: chuyện này cũng có thể lý giải như chuyện ở trên. Do cá còn non nên vá (hoặc len, các dụng cụ xúc đất, cát…) có thể xắn qua người sấu, cũng không khó hiểu. Chuyện người ăn xong chết, có thể hiểu do ngộ độc rượu hoặc lý do nào đó có căn cứ khoa học. Người đời do thiếu thông tin nên đã tỏ ra thần bí chuyện “cù”, thành ra thêu dệt thành chuyện chết người như là bị “quở”, bị “trừng phạt”.

“Cù dậy”, những chuyện như thật…

bat-sau-rung-u-minh-son-nam.jpg
Cá sấu trong tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Ảnh minh họa

Cuối năm 1945, quân Pháp đánh lan ra Sóc Trăng. Dân ở Kế Sách bỏ chạy qua sông Bát Xắc vào xã Ninh Thới quận Tiểu Cần (Trà Vinh) ở bên bờ rạch Cẩm Sơn, trong đất của ông Trương Hoàng Lâu, tục gọi là ông Hàm Lâu. Ở đây có một rừng dừa nước bịt bùng rất tiện trốn máy bay, lại ở chỗ biệt lập nên không có lính Pháp đến truy xét. Bà con chặt lá cất chòi ở tạm, chờ tình hình yên ắng sẽ về. Ông Hàm Lâu vui vẻ tiếp đón mọi người, sẵn lòng giúp đỡ mọi thứ. Đến giữa năm 1947, chiến sự vẫn ác liệt.

Một hôm tháng 6 trời mưa dầm, vào khoảng 4 giờ sáng bỗng nghe tiếng nổ ầm ầm. Mọi người cứ tưởng Tây ném bom. Sau mới biết là tiếng động ở dưới đất, kéo dài hàng giờ. Ông Hàm Lâu bảo mọi người rình xem chỗ có tiếng nổ ở bãi xoài ven sông. Đến 5 giờ thình lình đất chuyển mạnh, dừa, ổi, xoài trốc gốc đổ nhào. Mặt đất mở ra, một vật đen to bằng chiếc ghe dài 30m bay vụt lên cao, biến trong mây. Ra đo chỗ đất: lỗ sâu hơn 3m, ngang 2m, dài khoảng 30m. Đó là “cù dậy”.

Rạch Sấu xã Nhân Mỹ, quận Kế Sách (Sóc Trăng) cách tỉnh lỵ 25 km. Tháng 7-1969, lúc 3 giờ sáng, trời đang mưa. Nhiều người nghe có tiếng nổ cứ tưởng bom Mỹ. Nhưng lại nghe động ở dưới đất. 5h30 sáng đất chuyển mạnh rồi thấy một vật đen thui từ dưới đất bay lên, hướng về Bãi Giá, Rạch Gòi mà bay ra biển. Xem đất, thấy hố sâu có 6 khu vườn với tổng diện tích khoảng 80 công đất bị thiệt hại, cây cối trốc gốc. Ở Mương Siên hai căn nhà bay tung, tại Rạch Giá một căn nhà bị sập, một căn nhà lợp tôn bị trốc mái vì gió.

Từ Rạch Sấu đến Phụng Tường, nhiều nhà cửa bị xiêu vẹo. Ở sông Hậu, sóng cuốn một ghe chìm, hai người chết đuối. Tổng cộng thiệt hại trên một vệt dài 8 km, vườn tược, cây cối gãy đổ, nhà cửa hư sập. Xem lại, cái hố sâu 3m, rộng 2m, dài khoảng 30m. Dân địa phương khẳng định vệt đen từ vùng đất bay lên, bay đi ấy là “cù dậy” sau khi đã tu luyện thành công. Theo tác giả Lê Hương, năm 1970, khi viết bài này cái hố đó vẫn chưa bị bồi lấp.

Các câu chuyện này được nhà văn Đoàn Giỏi ghi lại trong một cuốn sách nhỏ nhan đề "Những chuyện lạ về cá". Sau này, khi viết cuốn Những con vật trên rừng dưới biển, ông lại tiếp tục kể những câu chuyện về “cù dậy” nhưng không có lý giải một cách khoa học, thuyết phục. Có lẽ các đoạn về “cù dậy” được nhà văn Đoàn Giỏi đưa vào sách của mình trích từ bài báo trên Tạp chí Bách Khoa.

Ở góc độ khoa học, những chuyện này hoàn toàn có thể lý giải được.

Giải mã hiện tượng “cù dậy”

Hiện tượng “cù dậy” có lúc được xem như là một “tín ngưỡng”. Như ở cù lao Rồng (Tiền Giang), thời Pháp thuộc, Tây bắt những người bệnh cùi (hủi) tập trung thành làng ở đầu cù lao (để tránh lây lan), những người mê tín cho rằng Tây cũng sợ cù dậy, thành phố tỉnh lỵ sẽ sụt lở nên đem "nhơ uế" đặt đấy trấn cho con cá sấu nằm dưới đó khỏi bay lên! (Chuyện này được nhiều người lớn tuổi ở Tiền Giang và Bến Tre kể lại).

Mãi đến những năm gần đây, nhiều người vẫn tin là có “cù” và “cù dậy”. Năm 2005, người dân ở ấp Hiếu Xuân Đông, xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long khi đào mương đã phát hiện bộ xương bò sát với hộp sọ to lớn. Bên cạnh tin đồn đó là xương của "khủng long hóa thạch", vẫn có người cho là xương cá sấu chúa "cù". Về hiện tượng "cù dậy", bà con giải thích rằng cũng giống như cá chép khổ luyện vượt vũ môn hóa rồng, cá sấu nằm sâu dưới đất, không ăn uống.

Ngày qua ngày cây cỏ phủ lên lấp kín thân mình cá sấu, qua nhiều năm nằm ẩn thân trong lòng đất "đắc đạo", cá sấu sẽ phá đất bay lên trời phun mưa thành rồng gọi là cù dậy. Cá sấu nào tu luyện chưa tới thì chết. Sau khi được xem xét kỹ lưỡng, các nhà khoa học khẳng định đây là xương của một con cá sấu lớn. Như vậy, “cù dậy” đến nay vẫn còn in đậm trong tâm thức người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

ca-sau-crocodylidae.jpg
Nhà văn Sơn Nam, người được coi là nhà Nam bộ học, cũng có đôi lần nhắc đến cụm từ “cù dậy”, xem đó như là một thành ngữ quen thuộc ở địa phương, chứ không xem đó là một hiện tượng.

Nhà văn Sơn Nam, người được coi là nhà Nam bộ học, cũng có đôi lần nhắc đến cụm từ “cù dậy”, xem đó như là một thành ngữ quen thuộc ở địa phương, chứ không xem đó là một hiện tượng.

Như vậy, trong quan niệm dân gian, “cù” không rõ hình dạng ra sao, nhưng có đặc điểm chung là con vật nằm ẩn mình trong đất, khi trời có mưa to gió lớn, nó vùng mình bay vào không trung, để lại hố đất sâu. Mỗi lần “dậy”, “cù” gây ra nhiều thiệt hại về nhà cửa, cây cối, ghe thuyền… và cả về người. Nên “cù dậy” là một hiện tượng nguy hiểm. Từ đó mà được thêu dệt thành kỳ bí, huyền hoặc, mang màu sắc mê tín.

Với cách nhìn khoa học, “cù dậy” là cách giải thích của dân gian cho những hiện tượng sụp lở đất thường xảy ra ở những vùng ven sông nước.

Theo học giả An Chi, giải thích trên Tạp chí Kiến thức ngày nay số 111, ngày 15/6/1993, mỗi lần cù dậy là một lần giông to gió lớn, có thể gây ra đổ cửa sập nhà. Nhưng cù dậy chỉ là một cách diễn đạt theo quan niệm và ngôn ngữ dân gian để chỉ hiện tượng thời tiết đó mà thôi.

Sự thật chẳng có con cù nào đã dậy sau một giấc ngủ hàng trăm năm cả. Cũng như khi người ta nói gấu ăn trăng là muốn chỉ hiện tượng nguyệt thực, nghĩa là hiện tượng mặt trăng bị tối một phần hoặc toàn phần trong một lúc vì đi vào vùng tối của trái đất. Hoặc nữa, khi người ta nói rồng hút nước cũng chẳng có con rồng nào bị cơn khát hành hạ. Đó chẳng qua là cột nước hoặc cột hơi nước chuyển động thành cơn xoáy do gió gây ra mà thôi.

Chúng tôi cho rằng hiện tượng “cù dậy” có liên quan đến hai hiện tượng tự nhiên: đất lở và lốc xoáy.

Vào thời điểm có mưa dầm, đất ở một số vùng, nhất là các vùng ven sông, bị mềm nhão, lại có tác động của thủy triều, làm đất lở. Có khi lở hẳn một vệt lớn. Điều này đến bây giờ vẫn xảy ra thường xuyên. Quan niệm dân gian cho đó là sự “cựa mình” của “cù”, xem ra đó là một cách giải thích theo tín ngưỡng, quan niệm chứ không theo khoa học.

Còn chuyện “cù dậy”, có khi bao gồm cả việc lở đất và lốc xoáy. Khi có mưa giông, người Nam bộ vẫn hay cho là có “vòi rồng”, thực ra là hiện tượng lốc xoáy. Nó cuốn vào tâm những gì có được trên đường đi qua, thành ra một vệt đen, giống như là có “rồng” đang bay lên. Với những cơn lốc lớn, đường đi của nó kéo dài hàng cây số, làm gãy đổ nhà cửa, cây cối. Có thể tình cờ ở khu vực đó có lở đất, chỗ lở đó được cho là nơi “cù” đã từng nằm. Nếu không, có cây cối trốc gốc. gốc và rễ cây cũng tạo ra các hố sâu, được mường tượng như là chỗ “cù” vừa bay lên.

Cũng nói thêm rằng, Vùng Đồng bằng Nam Bộ xưa kia còn hoang vu, cá sấu có rất nhiều, trong đó có những loài rất lớn (trong Những con vật trên rừng dưới biển của Đoàn Giỏi có kể rất nhiều chuyện về loài cá sấu, nhất là các chuyện về người bị sấu ăn thịt). Loài vật này hay tấn công người nên dân gian vẫn có sự kiêng nể, đến độ thần thánh nó, như một loài “tinh”.

Từ thực tế đó, gắn với hiện tượng lở đất và lốc xoáy diễn ra khá thường xuyên, quan niệm dân gian đã ghép thành hiện tượng “cù dậy”. Có thể thấy, dân gian đã xem “cù dậy” là hiện tượng siêu nhiên, ngoài khả năng kiểm soát, chế ngự của con người, chỉ cách tránh đi hoặc dùng những biện pháp huyền bí để hạn chế. Lối nghĩ đó phù hợp với lối nghĩ chung của người Việt về một số hiện tượng tự nhiên khó giải thích đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt.

Tuy thiếu căn cứ khoa học nhưng cách nhìn nhận, lý giải về hiện tượng “cù dậy” cũng là một quan niệm đặc trưng khá đặc sắc của người Nam Bộ. Tìm hiểu về hiện tượng này, chúng ta có thể hiểu nhiều hơn về đời sống tự nhiên ở Nam Bộ và nhận thức của người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải mã hiện tượng “cù dậy”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO