Sống xanh

Đừng để sự làm giàu giết môi trường!

TRÚC GIANG 15/04/2024 - 18:23

Từng có người nêu quan điểm không còn môi trường trong lành, giàu có là vô nghĩa sau quãng thời gian nhiều địa phương ồ ạt xây dựng các khu công nghiệp, các nhà máy, các xí nghiệp mà ít chú trọng bảo vệ môi trường.

Đừng ưu tiên phát triển kinh tế, bỏ quên môi trường

Thực tế ở một số nước cũng đã chứng minh điều đó, chú trọng phát triển kinh tế quá mức có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, mà có khi phải mất rất nhiều năm mới khắc phục được.

thien-nhien-rung-cao-su-anh-minh-hoa.jpg
Kể cả vào mùa nóng, sự tỏa hơi nước của hàng vạn cây cao su ở đây là làm mặt đường nhựa phần nào dịu bớt.

Thí dụ ở Trung Quốc, những năm trước, các Thành phố lớn từng bị ô nhiễm rất nặng nề, đến độ một Thành phố đông đúc như Bắc Kinh thường xuyên chìm trong sương mù. Đến Thế vận hội mùa hè năm 2008, Chính phủ muốn lấy lại hình ảnh Thủ đô và đất nước để đón bạn bè thế giới, đã cấm nghiêm ngặt các phương tiện giao thông cơ giới ra vào Bắc Kinh trong vài tháng trước và trong sự kiện thể thao lớn này. Khi đó, Bắc Kinh mới trở nên quang đãng. Và từ đó, Trung Quốc mới chú trọng bảo vệ môi trường cho các Thành phố lớn với nhiều giải pháp tích cực.

Tôi có một ghi nhận rất thực tế, gia đình tôi sống tại huyện Định Quán (Đồng Nai); nhiều năm trước, cứ đôi ba tuần tôi về thăm nhà một lần bằng xe gắn máy. Lần nào cũng vậy, đến Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán (nhất là từ quốc lộ 20 trở đi) là tôi cảm nhận được ngay và rõ rệt cái không khí trong lành và mát lạnh của khu vực cao su bạt ngàn. Kể cả vào mùa nóng, sự tỏa hơi nước của hàng vạn cây cao su ở đây là làm mặt đường nhựa phần nào dịu bớt.

Thế nhưng vài năm sau đó và cho đến hiện nay, hàng loạt lô cao su ven quốc lộ 1 và quốc lộ 20 thuộc 3 huyện trên đã bị đốn bỏ để xây dựng nhà máy; tình hình đã thay đổi hẳn. Không còn cảm giác mát lạnh khi đi ngang qua các khu vực này nữa mà thay vào đó là nhiều “mùi hương” của các nhà máy khá “nồng nàn”. Không chỉ có vậy, ngay cả việc đi lại của đông đảo công nhân và xe cộ vận chuyển hàng hóa cũng góp phần gây thêm nguy hiểm cho người đi đường.

Nhiều năm trước, khi báo chí chất vấn lãnh đạo một số tỉnh về việc để một số nhà máy chế biến nông thủy sản xuất khẩu hoặc các nhà máy khai thác khoáng sản, công nghiệp nặng… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, có vị đã trả lời rằng: Vì ưu tiên phát triển kinh tế nên trước mắt chưa giải quyết được vấn đề môi trường.

Thử hỏi, trên cả nước, có bao nhiêu tỉnh thành vì ưu tiên phát triển kinh tế mà bỏ qua vấn đề môi sinh? Hoặc có bao nhiêu địa phương dù có chú ý vấn đề bảo vệ môi trường nhưng các giải pháp chưa thật hiệu quả và nhiều năm sau đó đã để lại những hậu quả? Câu trả lời trung thực có thể sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng! Và thực tế xảy ra ở một số địa phương trong thời gian qua có lẽ đủ để chúng ta trả lời đầy đủ các câu hỏi đó.

Phát triển để chất lượng sống ngày càng tốt hơn

Trừ thời gian cả nước nỗ lực phòng chống dịch và tiếp theo đó là ứng phó với suy thoái kinh tế, nhìn tổng thể trong khoảng 20 năm gần đây, sự phát triển kinh tế của các địa phương là rõ rệt. Song song đó, đời sống kinh tế của người dân cũng được nâng cao đáng kể. Một số khu vực, một bộ phận người dân đã làm quen với đời sống “giàu có”, như việc có nhà cửa khang trang, nhiều người sắm được ô tô, nhiều người đã sử dụng máy móc trong hoạt động sản xuất, nhiều địa phương đã có khu công nghiệp... Nhưng mặt trái, không chắc gì chất lượng sống - chỉ riêng về góc độ môi trường - được nâng lên một cách tương xứng.

Có thể kể, đó là tình trạng ô nhiễm nguồn không khí, nguồn nước, và cả tiếng ồn, một cách đáng báo động ở nhiều địa phương. Đó là tình trạng mưa nắng thất thường trên phạm vi cả nước do sự tác động của môi trường (thường xuyên bị bão lũ, lốc xoáy nhưng cũng đồng thời chịu cảnh hạn hán). Đó là sự nóng lên và nạn ngập nước của nhiều khu vực, đặc biệt là ở các đô thị. Đó là nạn nhiễm chất độc hại trong một số loại nông sản do dư lượng thuốc trừ sâu và việc sử dụng phân hóa học quá mức.

phat-trien-anh-minh-hoa-1-.jpg
Tình trạng ô nhiễm nguồn không khí, nguồn nước, và cả tiếng ồn, một cách đáng báo động ở nhiều địa phương.

Đó là sự nhiễm nhiều loại bệnh nguy hiểm do sự tác động của môi trường xấu, nhất là các bệnh về da, về đường hô hấp, các loại bệnh ung thư... Đó là nạn nước biển dâng cao và xâm nhập mặn ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Đó là hiện tượng sạt lở ở một số khu vực ven biển và ở nhiều vùng ven các kênh rạch.

Đó là tìm và sử dụng các loại năng lượng sạch thay thế năng lượng hóa thạch còn chậm và hiệu quả chưa cao… Rõ ràng, bên cạnh các tác động mang tính khách quan chung của nhân loại và khu vực, sự làm giàu của một số người, của một số địa phương ngay trong đất nước đang giết dần giết mòn môi trường sống của mình, tức là đang giết dần giết mòn chính chúng ta và các thế hệ con cháu.

Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

Khái quát tình trạng này, tại Đại hội lần XIII, Đảng ta đã nhìn nhận: “ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp”; “Các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm. Ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường, tái chế chất thải, xử lý rác chậm phát triển, còn lạc hậu. Tình trạng nhập khẩu công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu không đạt chuẩn về môi trường chậm được khắc phục”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do “chưa thống nhất trong nhận thức và hành động về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và về việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường…”

Có một nghịch lý rằng, làm giàu là để cho con người sống tốt hơn, nhưng chính việc làm giàu mà thiếu sự định hướng, thiếu kiểm soát, thiếu trách nhiệm, thiếu sự quan tâm đến môi trường đã làm chất lượng sống của con người ngày càng tệ hơn.

Chúng ta e rằng nếu không có môi trường trong lành, sự giàu có đúng nghĩa cũng trở nên vô nghĩa. Vì vậy, một chiến lược phát triển bền vững rất cần được các nhà quản lý, các nhà hoạch định chiến lược đặt ra và khẩn trương thực hiện. Đừng vì lợi ích trước mắt mà các thế hệ sau sẽ oán trách chúng ta đã để lại một di sản độc hại cho chúng!

Do đó, vấn đề môi trường trong điều kiện hiện nay phải được quan tâm nhiều hơn, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt hơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để sự làm giàu giết môi trường!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO