Công nghệ phản ứng nước cận tới hạn: Giải pháp mới cho vấn đề rác thải sinh hoạt
Ngày 20/12, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM phối hợp cùng Liên danh Saigon – Mekong (SCM) tổ chức hội thảo “Quy trình xử lý rác thải bằng công nghệ phản ứng nước cận tới hạn Subcritical Water Reaction-SCM”.
Hội thảo hướng đến mục tiêu giới thiệu công nghệ xử lý rác thải bằng công nghệ phản ứng nước cận tới hạn tiên tiến đến từ Nhật Bản, qua đó nhằm cung cấp phương pháp xử lý toàn diện, hiệu quả và thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu xử lý rác ngày càng cao của xã hội.
Đây cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng, nhà khoa học, chuyên gia cũng như những người quan tâm cập nhật và chia sẻ các kiến thức liên quan đến vấn đề môi trường, đồng thời khám phá những giải pháp công nghệ mới trong quy trình xử lý rác thải, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường hiện nay.
Hơn 70% lượng rác đang xử lý theo hướng chôn lấp
Hiện nay, tại Việt Nam mỗi ngày khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt thải ra môi trường, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh ngày càng nhiều đã gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Bên cạnh đó, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công.
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, cho biết rác thải đô thị đã và đang có những tác động lớn không chỉ tới môi trường, xã hội mà còn tác động đến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế.
“Hiện, các phương pháp xử lý chất thải sinh hoạt đang được áp dụng ở Việt Nam bao gồm, chôn lấp, ủ làm phân hữu cơ, đốt thiêu hủy bằng các lò thủ công, đốt rác phát điện, tái chế và biogas,... Những phương pháp này vẫn còn bộc lộ những hạn chế, nhược điểm trong quá trình triển khai, bất cập tiềm ẩn gây ô nhiễm cho môi trường đất, nước và không khí” - GS.TS Nguyễn Văn Phước cho hay.
Cũng tại buổi hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Phước kiến nghị một số biện pháp như: Cần áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào quản lý rác thải đô thị; Tăng cường nguồn lực tài chính để cung cấp đủ vốn, cơ sở hạ tầng và tiếp thu các công nghệ mới trong tái chế chất thải hoặc chính sách kêu gọi đầu tư từ các công ty tư nhân; Nâng cao nhận thức trong cộng đồng về quản lý rác thải đô thị và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước trong việc giảm thiểu - tái chế - tái sử dụng.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là một quá trình yêu cầu sự áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ, sử dụng hợp lý, tái chế, tái sử dụng... nhằm sử dụng nguyên liệu một cách thông minh, hiệu quả và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Theo PGS.TS Nguyễn Lữ Phương - Phó Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: Để chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực quản lý chất thải là một quá trình lâu dài và cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
“Các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương cần chú trọng vào hoạt động nghiên cứu, cung cấp các giải pháp công nghệ mới; nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới, thân thiện môi trường, hạn chế chất thải; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, hoàn thiện đối với các chính sách, giải pháp của thành phố, hướng đến giảm phát thải, tăng tỷ lệ tái chế”- PGS.TS Nguyễn Lữ Phương đề xuất.
Hội thảo khoa học “Quy trình xử lý rác thải bằng công nghệ phản ứng nước cận tới hạn Subcritical Water Reaction-SCM” giúp các đơn vị trong ngành có cái nhìn tổng quan và rõ nét về thực trạng quản lý và xử lý rác thải, môi trường tại các đô thị, hiện nay cũng như tiếp cận, đánh giá và đón nhận công nghệ phản ứng cận nước tới hạn trong vấn đề xử lý rác thải và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Công nghệ mới: Hướng đến môi trường xanh và bền vững
Việc tìm kiếm một công nghệ tốt, hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo chi phí lắp đặt, vận hành, duy tu bảo dưỡng nằm trong khoảng chấp nhận được xem là một trong những thách thức, đặc biệt nằm ở bối cảnh việc xử lý rác thải không phải là một ngành mang lại lợi nhuận lớn.
Công nghệ phản ứng nước cận tới hạn được Giáo Sư Ishimori Kaneo – người Nhật đã có kinh nghiệm hơn 23 năm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải thực hiện.
Với công nghệ xử lý chất thải bằng phương pháp sử dụng nước cận tới hạn để phân hủy, lượng rác sinh hoạt sẽ được đưa vào bình chịu áp lực trong điều kiện thủy phân dưới nước ở mức tối đa/230 độ C. Sau 3 giờ thúc đẩy phản ứng phân hủy thủy nhiệt trong khi trộn, khuấy và khử trùng ở thùng chứa, rác sinh hoạt được giải nén, sấy khô và biến thành bột, bên cạnh đó vật liệu không phù hợp sẽ được loại bỏ bằng máy phân loại sau khi thải ra. Phần bột từ dây chuyền xử lý rác được chuyển qua dây chuyền tạo viên nén với 3 lần sấy khô và tạo thành sản phẩm viên nén rác thải sinh hoạt.
Đặc biệt sản phẩm năng lượng viên nén rác thải sinh hoạt tạo ra từ công nghệ này chính là minh chứng cho sự kết hợp hoài hòa giữa công nghệ hiện đại mục tiêu phát triển vững. Đây không chỉ là thành tựu khoa học mà còn là món quà giá trị trong việc phát triển bền vững về môi trường ở hiện tại và tương lai.
Tại Việt Nam, Công ty TNHHSubcritical material SCM Việt Nam đã nhận bản quyền từ SCM Nhật Bản được phép chuyển giao công nghệ xử lý chất thải mang tên SCM đến các quốc gia trên toàn thế giới.
Phân tích thêm về công nghệ xử lý rác bằng phương pháp sử dụng nước siêu tới hạn để phân hủy, ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Chủ tịch SCM Việt Nam cũng cho biết, công nghệ này không phát thải từ chính lò phản ứng; không cần phân loại rác đầu nguồn; giảm đáng kể khối lượng chất thải (lên đến 70%); linh hoạt cho nhiều loại chất thải (đô thị, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, bùn và chất độc hại). Sản phẩm sau khi xử lý là viên ném Biomass thân thiện với môi trường, công suất xử lý được khoảng 45 tấn trong 2-3giờ/máy.
“Chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ này một cách hiệu quả nhất để góp phần kiến tạo nên một Việt Nam xanh - sạch - bền vững. Chúng tôi tin rằng với công nghệ tiên tiến này chúng tôi hoàn toàn có thể thay đổi phương thức sản xuất truyền thống đưa rác thải trở thành nguồn tài nguyên quý giá. Đồng thời, xây dựng một thế giới không carbon bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người” - ông Nguyễn Thành Lâm nói.
Tại chương trình, ông Nguyễn Mạnh Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: Sự chung tay về xử lý rác thải là trách nhiệm của toàn dân và doanh nghiệp đi đầu để hướng đến việc thực hiện cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Bên cạnh đó hướng đến mục tiêu lớn hơn là thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, trong đó có mục tiêu về môi trường. Do đó, mỗi người dân, doanh nghiệp cần phấn đấu hơn nữa để có thể đạt được những thành tự và kết quả mong muốn” - ông Nguyễn Mạnh Tiến bày tỏ.
Việc áp dụng công nghệ phản ứng nước cận tới hạn tại Việt Nam không chỉ là giải pháp hữu ích trong việc giải quyết vấn đề rác thải mà còn mang lại nguồn nặng lượng sạch từ những chất thải này. Đây là bước đi quan trọng trong việc đảm bảo một môi trường sống sạch đẹp cho người dân Việt Nam, đồng thời tạo ra việc làm và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Công nghệ xử lý chất thải bằng công nghệ phản ứng nước cận tới hạn có những ưu điểm như: tính dễ sử dụng, chi phí đầu tư cũng như vận hành thấp so với các công nghệ hiện đại, không thải ra khí carbon dioxide, không gây ô nhiễm môi trường đất nước như phương pháp chôn lấp. Bên cạnh đó, tất cả chất hữu cơ và vô cơ từ rác thải đều được tiệt trùng theo tiêu chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững về môi trường, đồng thời có thể tạo ra sản phẩm, nguyên liệu mang giá trị kinh tế cao.