Du lịch nông nghiệp - Nét chấm phá giữa lòng đô thị hiện đại
Nếu muốn trải nghiệm một nền nông nghiệp tuần hoàn ngay giữa lòng TP.HCM, bạn có thể tìm đến một địa chỉ rất đặc biệt đó chính là Nông trại Tam Nông. Đến nơi đây, du khách có thể thỏa sức đi chân đất trên ruộng vườn, tận tay thu hoạch nông sản, thu lượm trứng tại chuồng nhưng chẳng lo ngại về vấn đề mùi hôi.
Nông trại Tam Nông có diện tích 01 hecta (ha), nằm tại phường Thạnh Xuân, quận 12 trong vùng nông nghiệp rộng 150 ha của TP.HCM.
Con đường đến đây tuy khá gập ghềnh nhưng du khách sẽ được bù đắp bằng một không gian xanh mát, yên tĩnh và đậm chất miền quê. Vị chủ nhân đặc biệt của nông trại là TS nông nghiệp Nguyễn Văn Bắc - Phó trưởng Văn phòng Thường trực tại Nam bộ - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp tuần hoàn: Xu hướng tất yếu của thời đại
Dẫn phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông tham quan một vòng tại Tam Nông, TS Nguyễn Văn Bắc vui vẻ giới thiệu: Nông trại được chia làm 3 khu gồm chăn nuôi, trồng trọt và nuôi thủy sản với các dịch vụ như: Hoạt động dã ngoại; Trải nghiệm nghề nông; Nơi thực hành các môn như sinh học, nông nghiệp; Trồng và cung cấp rau theo hướng hữu cơ,…
“Nông trại Tam Nông được hoạt động theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Đây là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học. Đặc biệt, không thải ra chất gây hại, ô nhiễm cho môi trường hoặc thải ra nhưng rất ít”, - TS Bắc cho hay.
Hiện nông trại áp dụng mô hình chăn nuôi ba tầng gồm bồ câu, dê và gà. Trong mô hình này, bồ câu được nuôi ở tầng trên cùng, chúng sẽ tìm kiếm thức ăn ngay trong vườn bằng cách săn bắt các loài sâu bọ. Dê được nuôi ở tầng 2 bằng các loại lá trong nông trại và tầng cuối cùng được dùng để nuôi gà.
Theo đó, nguồn phân từ dê và gà được sử dụng công nghệ đệm lót sinh học (rơm, trấu, mùn cưa trộn với men vi sinh) để phân hủy chất thải và dùng bón lại cho cây trồng, hoa màu,... Các sản phẩm hữu cơ từ nông trại cũng được sử dụng phục vụ cho du khách, có lúc còn để du khách mua về. Tất cả tạo nên một vòng tròn khép kín trong nông nghiệp tuần hoàn.
Thay vì phải tốn kém tiền bạc, công sức cho việc dùng thuốc trừ sâu, nông trại đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ, mô hình để tăng năng suất như: Áp dụng mô hình nuôi kiến vàng để bảo vệ cây trồng, dùng bẫy sinh học bắt côn trùng gây hại, trồng hoa thu hút thiên địch. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý rác hữu cơ làm phân bón, sử dụng vi sinh, thảo dược trong trồng trọt…
Ở nông trại Tam Nông còn ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong nông nghiệp để “khu vực chăn nuôi dê, gà, bồ câu, vịt với số lượng lớn nhưng chẳng hề có mùi hôi”. Theo đó, khu vực chăn nuôi được xây dựng trên nền đệm lót sinh học để phân hủy chất thải. Nhờ đó, chăn nuôi chuồng hở, gần với thiên nhiên, du khách, nhất là trẻ em, có thể vào tận chuồng, sờ tận tay, cho vật nuôi ăn mà không phải lo ngại về vấn đề vệ sinh.
Trong vườn còn có đàn vịt siêu trứng sử dụng thức ăn chính là ốc bắt trong trang trại, phân đàn vịt rơi xuống ao làm thức ăn cho cá tạo thành vòng tuần hoàn. Mô hình nông nghiệp tuần hoàn được coi là “chìa khóa” để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường.
"Nhiệm vụ của ngành khuyến nông là phải tuyên truyền những mô hình mới. Vì thế mình đi tiên phong làm trước, làm hình mẫu cho các khu khác học tập. Nông nghiệp tuần hoàn là một chủ trương rất lớn của Việt Nam, đã và đang được triển khai rất mạnh mẽ. Do vậy, để đóng góp một phần nhỏ bé của mình, đặc biệt là ở các thành phố lớn, chúng tôi nghĩ đây là mô hình hữu ích và hiệu quả”, - TS Bắc nhận định.
Nông nghiệp kết hợp cùng du lịch
Nông trại Tam Nông không chỉ chú trọng đến việc phát triển mô hình nông nghiệp bền vững mà còn tạo cơ hội cho du khách tham quan, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp. Chia sẻ về việc áp dụng du lịch nông nghiệp tại Tam Nông, TS Nguyễn Văn Bắc kể lại, vào năm 2015, ông có chuyến công tác tại Mỹ, được tham quan mô hình American Farm ở bang Minnesota, trưng bày nông nghiệp cổ xưa bên cạnh nông nghiệp hiện đại của nước Mỹ mô hình này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của ông.
"Việt Nam mình là nước nông nghiệp nhưng chưa có một triển lãm hay bảo tàng nào như vậy trong khi những phương thức sản xuất kiểu cũ đang dần biến mất. Nếu làm đề án, xin kinh phí nhà nước để làm theo mô hình kiểu của Mỹ thì sẽ rất lâu mà chưa chắc được, từ đó tôi nảy ra ý tưởng và bàn bạc với gia đình xây dựng nông trại Tam Nông theo hướng “bảo tàng” nông nghiệp, kết hợp sản xuất với phát triển du lịch”, - TS Bắc kể.
Từ đó TS Bắc bắt đầu để ý, tìm tòi, gom góp những gì thuộc về làng quê xưa, từ "cầu ao giếng nước", cối xay lúa, cầu khỉ, cầu kiều... đến những vật dụng sản xuất nông nghiệp xưa để đưa về nông trại. Nông trại Tam Nông chỉ bắt đầu thu phí tham quan vào năm 2018, sau 3 năm đón khách miễn phí”.
Hiện, nông trại có khoảng 15 mô hình cầu khỉ và rất nhiều mô hình nông thôn Việt Nam xưa cùng hơn 30 trò chơi dân gian miền Tây khác nhau. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm các công việc nghề nông như: mò cua, bắt ốc, trồng rau, thu hoạch trứng, trái cây, hoa màu… hoặc tự tay làm những món ăn từ nguyên liệu tươi ngon vừa thu hoạch tại vườn.
Là một người luôn muốn tạo cho con những trải nghiệm thật ý nghĩa, chị Nguyễn Thị Nga - quận 12, TP.HCM cho biết: Việc đưa các con đến nông trại Tam Nông không chỉ giúp các con vui chơi, mà còn là dịp để các con gần gũi với thiên nhiên, khám phá và học hỏi về cuộc sống lao động của người dân nông dân.
“Các trò chơi dân gian mà con tham gia như đập heo, đi cầu khỉ, bắt cá,… không chỉ tạo niềm vui mà còn giúp con có thêm hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc. Đối với gia đình tôi, đây là một trải nghiệm tuyệt vời”, - chị Nga nói.
Ngoài khách đến tham quan giải trí, nông trại Tam Nông còn thường xuyên đón các bạn học sinh đến trải nghiệm học cách làm nông nghiệp, trực tiếp gieo hạt, tưới nước, chăm sóc rau sạch,… Những hoạt động này không chỉ giúp các em hiểu hơn về những khó khăn, nhọc nhằn của công việc nhà nông mà còn giúp các em hiểu hơn về quá trình tạo ra cũng như tầm quan trọng của nông nghiệp đối với cuộc sống.
“Hiện nay TP.HCM rất thiếu mảng xanh, việc áp dụng du lịch nông nghiệp có khả năng cao thu hút được nhà đầu tư; thành phố có mảng xanh và người dân thành phố không phải đi xa để trải nghiệm nông thôn” - TS Bắc bày tỏ.
Nhận thức đổi thay, mô hình lan tỏa
Trung bình mỗi tuần nông trại có khoảng 100 lượt khách đến tham quan. Lợi nhuận ước đạt 600 triệu/ha/năm, cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 14-50%. Không chỉ thu hút khách trong nước, nông trại Tam Nông còn đón du khách từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham quan nghỉ dưỡng. Điều này cho thấy sức hút của mô hình du lịch nông nghiệp tại đây.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐHQG TP.HCM), nông trại Tam Nông quy mô tuy nhỏ nhưng đã góp phần làm phong phú thêm không gian xanh cho thành phố và tạo cảm hứng cho nhiều người phát triển mảng xanh tại nơi họ sinh sống ngay trong lòng đô thị.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, năm 2023, HTX Sản xuất - Du lịch - Nông nghiệp Tam Nông được thành lập với 8 thành viên. Tuy số lượng ít nhưng các thành viên đã cùng nhau cố gắng tăng gia sản xuất, cùng nhau làm du lịch cộng đồng.
HTX được xây dựng với mục tiêu lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực, qua đó phát huy các giá trị cốt lõi như tinh thần “hợp tác” để tạo ra giá trị cộng đồng. Trong đó, HTX sẽ hướng đến các hoạt động trọng tâm như: Du lịch nông nghiệp tuần hoàn, du lịch xanh, du lịch cộng đồng.
Gần đây nhất, HTX lớn nhất ở Philippines ACDI với hàng trăm nghìn thành viên đã liên tiếp cử nhiều đoàn sang tìm hiểu về du lịch nông nghiệp tại HTX Tam Nông. Mục tiêu chính nhằm trao đổi ý tưởng về các sáng kiến, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp bền vững và tìm hiểu về việc lồng ghép thành công du lịch vào mô hình nông nghiệp tại đây.
Du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại sự bình yên giữa lòng phố thị mà còn mở ra những trải nghiệm độc đáo, gần gũi với thiên nhiên và văn hóa địa phương. Việc kết nối các mô hình nông nghiệp thành chuỗi trải nghiệm hấp dẫn không chỉ thu hút du khách mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của thành phố.